Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Hải Phòng, Quảng Ninh sẵn sàng phòng chống bão số 1
Thanh Sơn - Thu Lê - 17/07/2023 11:12
 
Để chuẩn bị ứng phó với bão số 1 và các ảnh hưởng do bão, Hải Phòng và Quảng Ninh tập trung công tác chỉ đạo, sẵn sàng lực lượng, đảm bảo chủ động trong mọi tình huống.

Theo cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Bão số 1 hiện đang mạnh cấp 12 (118-133 km/h), giật cấp 15; tốc độ di chuyển 15-20 km/h. Trong đêm nay khu vực Vịnh Bắc Bộ đã chịu ảnh hưởng mưa to và gió mạnh.

Hướng đi của bão số 1 (Talim)
Hướng đi của bão số 1 (Talim). Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Tác động của bão trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội. Từ khoảng chiều nay (17/7), Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.

Ảnh mây vệ tinh bão số 1 lúc 9h sáng nay 17/7. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia
Ảnh mây vệ tinh bão số 1 lúc 9h sáng nay 17/7. Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Từ gần sáng mai (18/7), vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Từ đêm 17/7 đến ngày 19/7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200 - 350 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm; khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Hải Phòng tạm dừng các hoạt động tham quan du lịch Cát Bà từ 12h ngày 17/7

Tại cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành chức năng và 27 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An về công tác chủ động ứng phó phòng chống, ứng phó với Bão số 1 (Talim) sáng nay (17/7), báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP.Hải Phòng cho biết, tính đến 6h00” ngày 17/7, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 1.918 phương tiện/6.014 lao động; 156 lồng bè/342 lao động; 4 chòi canh/5 lao động đang hoạt động và neo đậu diễn biến của bão để chủ động phòng tránh...

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng.

Huyện Bạch Long Vĩ đã huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng cho công tác phòng, chống bão; rà soát, đảm bảo lương thực, thực phẩm dự trữ; triển khai phòng, chống bão đối với các phương tiện tầu thuyền; kiểm đếm thường xuyên tàu thuyền hoạt động trên biển và neo đậu trong âu cảng...

Các phương tiện hoạt động trên vùng biển Bạch Long Vĩ đã được kêu gọi trở vào âu cảng neo đậu tránh trú bão an toàn
Các phương tiện hoạt động trên vùng biển Bạch Long Vĩ đã được kêu gọi trở vào âu cảng neo đậu tránh trú bão an toàn.

Huyện Cát Hải chỉ đạo tạm dừng các hoạt động tham quan du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà từ 12h ngày 17/7/2023; tổ chức kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền và ngư dân về nơi tránh trú an toàn; tổ chức hướng dẫn neo đậu cho các tàu, thuyền; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn... Tính đến 6h ngày 17/7/2023, còn khoảng 9.600 khách du lịch đang lưu trú tại đảo Cát Bà.

Hải Phòng tạm dừng các hoạt động tham quan trên Vịnh Cát Bà từ 12h ngày 17/7
Hải Phòng tạm dừng các hoạt động tham quan trên Vịnh Cát Bà từ 12h ngày 17/7.

Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ yêu cầu các các Sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát, nắm bắt chặt chẽ các phương tiện, tàu thuyền trên biển, nắm chắc tọa độ của các phương tiện đang hoạt động... Đối với huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn từ 12h ngày 17/7, đề nghị dừng tiếp nhận khách du lịch. Đồng thời, Hải Phòng dự kiến cấm biển vào 21h đêm nay 17/7.

Phó chủ tịch yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng rà soát, sẵn sàng thực hiện phương án đảm bảo tiêu thoát nước khu vực đô thị trong trường hợp xảy ra mưa lớn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức công tác bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; kiểm tra, gia cố công trình đê điều, thủy lợi; tăng cường kiểm tra đê điều và chủ động xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố có thể phát sinh...

Ngay sau cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng ban hành Công điện hỏa tốc số 03/CĐ-CT về việc phòng chống bão số 1 năm 2023.

Quảng Ninh sẵn sàng ứng phó bão số 1

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này, các địa phương và lực lượng vũ trang của tỉnh đã chuẩn bị lực lượng gồm 1.228 cán bộ chiến sỹ và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, 27 ô tô các loại, 12 tàu, 32 xuồng. Lực lượng hiệp đồng các đơn vị của Quân khu III, Bộ Quốc phòng với 1.435 cán bộ chiến sỹ, 41 ô tô, 8 tàu, 27 xuồng, 6 xe đặc chủng. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh.

Đối với công tác kêu gọi tàu thuyền và đảm bảo an toàn khu nuôi trồng thủy sản, hiện có 384 tàu du lịch đang hoạt động bình thường và sẽ về nơi neo đậu, tránh trú khi có yêu cầu. Trên biển hiện có 6.005 chiếc tàu cá các loại. Đến sáng 17/7, toàn bộ 231/231 tàu xa bờ đã về nơi neo đậu, tránh trú; 5.774 chiếc tàu gần bờ hoạt động ven bờ đã neo đậu tại các bến cá, vụng kín gió trong tỉnh; một số tàu đang đang hoạt động đã và đang về neo đậu tại các khu tránh trú, vùng kín gió trên địa bàn tỉnh và khu bến cá Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng). Toàn tỉnh có 14.502 ô lồng nuôi thủy sản, tất cả đã được triển khai gia cố, đưa người lên bờ từ chiều 16/7.

Cũng tại cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành chức năng và 27 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An về công tác chủ động ứng phó phòng chống, ứng phó với Bão số 1, ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã triển khai rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để triển khai phương án phòng chống, đảm bảo an toàn; theo dõi mực nước các hồ chứa, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa kéo dài; nắm lại tàu du lịch, vận chuyển khách và lượng khách ra các tuyến đảo, chủ động thông tin cho khách du lịch biết tình hình bão. Mặt khác, tổ chức đưa khách du lịch từ các khu du lịch biển về đất liền an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện hỗ trợ, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Du khách di chuyển từ các tuyến đảo về Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên (huyện Vân Đồn). Ảnh: Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh
Du khách di chuyển từ các tuyến đảo về Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên (huyện Vân Đồn). Ảnh: Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh.

Theo thông tin từ UBND huyện Cô Tô, huyện đã kịp thời xuất bến 42 chuyến tàu đưa hơn 8.000 lượt khách về đất liền. Hiện, trên địa bàn huyện có khoảng 2.500 khách lưu trú, trong ngày 17/7, huyện sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền đưa du khách về đất liền trước khi bão đến.

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho du khách, huyện Cô Tô đã kêu gọi 425 phương tiện hoạt động trên địa bàn huyện (tàu thuyền của huyện là 306 phương tiện, ngoài huyện là 119 phương tiện). Đến nay đã có 216 phương tiện về nơi tránh trú an toàn, còn 209 phương tiện đang tiếp tục di chuyển về nơi tránh trú.

UBND huyện Cô Tô khuyến cáo trong thời gian diễn ra bão, khách du lịch lưu trú tuyệt đối không ra bãi đá, bãi biển, các khu vực đã được khuyến cáo, các khu vực nguy hiểm khác (cầu cảng, âu tàu...) đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh và của huyện về phòng, chống bão. Các cơ sở lưu trú chủ động chủ động chuẩn bị thực phẩm, cơ sở vật chất, phương án đảm bảo an toàn tốt nhất để phục vụ du khách còn ở lại Cô Tô trong thời gian bão.

Đối với các công trình thủy lợi, đê điều, đến ngày 16/7, dung tích các hồ chứa lớn trên địa bàn đạt khoảng 214,1/313,1 triệu m3 (đạt 67,1% dung tích thiết kế), các hồ đang được vận hành bình thường. Căn cứ tình hình thực tế sẽ điều tiết để đảm bảo an toàn công trình. 5 trạm bơm tiêu tại Thị xã Đông Triều (công suất 159.000 m/giờ) sẵn sàng vận hành khi có yêu cầu. Các tuyến đê của tỉnh đều không triển khai thi công.

Bên cạnh đó, ngành Giao thông đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ sẵn sàng bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu (cầu Bãi Cháy, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, các ngầm tràn...). Cầu Bãi Cháy sẽ tổ chức tạm dừng cho người và phương tiện thô sơ, xe 2 bánh qua lại khi có gió trên cấp 6.

Hải Phòng hướng tới trở thành thành phố hàng hải toàn cầu
Sở hữu hệ thống kết cấu hạ tầng vận tải, kho bãi và phát triển logistics tương đối tốt, Hải Phòng quyết tâm hiện thực hóa tầm nhìn đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư