Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Hạn chế biển “không nhiệm vụ miễn vào”
Mạnh Bôn - 15/10/2014 11:35
 
() Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - , ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để trả lại quyền tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền giám sát, các cơ quan quản lý nhà nước nên hạn chế tối đa những tấm biển “không nhiệm vụ miễn vào”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tái cơ cấu kinh tế cần thước đo và lộ trình cụ thể
Doanh nghiệp mời dân giám sát thủy điện xả lũ
Hải quan "nhờ" VCCI giám sát cán bộ

Quyền được thông tin đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Theo ông, để thực hiện quyền này, cần phải làm gì?

  Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội  
  Ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước nên hạn chế tối đa những tấm biển “không nhiệm vụ miễn vào”  

Theo nhiệm vụ, định hướng phát triển ngành và lĩnh vực sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, các cấp, các ngành phải thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan thông tin đại chúng, trước hết là các thông tin về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư và các thông tin liên quan đến tình hình trong nước và quốc tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo... Từ đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chung sức chung lòng thực hiện tốt các mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Tôi cho rằng, trước mắt, cứ thực hiện tốt nhiệm vụ “thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan thông tin đại chúng” và sau đó xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, thực hiện đúng quyền được tiếp cận thông tin đã được hiến định.

Được biết, bản thân ông với tư cách là lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội, khi đến làm việc với một phường ở Hà Nội để lấy thông tin cũng phải thất vọng, thì người dân làm sao tiếp cận thông tin được?

Có lần nhân dịp 27/7, là đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội, tôi có đến một phường ở trung tâm Hà Nội lấy danh sách gia đình chính sách và phối hợp với chính quyền địa phương đi trao quà đền ơn, đáp nghĩa, nhưng tôi đã phải chờ đợi rất lâu mới được lãnh đạo phường tiếp. Hy vọng, trường hợp của tôi chỉ là cá biệt. Ngược lại, nếu đây là thái độ, cách hành xử phổ biến, vô cảm của cơ quan công quyền với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, thì đúng là vô cùng nguy hại, kéo lùi tiến trình cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh mà Đảng, Nhà nước đã và đang nỗ lực phấn đấu nhiều năm qua.

Có dịp làm việc với rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương trong cả nước, tôi thấy rất phản cảm khi ở đâu cũng thấy tấm biển “không nhiệm vụ miễn vào”. Với “barie” này, làm sao công dân có thể tiếp cận được thông tin, làm sao có thể thực hiện quyền giám sát cơ quan công quyền?

Vậy có cách nào để công dân có quyền tiếp cận thông tin, thực hiện quyền giám sát cơ quan công quyền, thưa ông?

Muốn nhân dân đồng thuận, họ phải hiểu rõ về chính sách của Đảng, Nhà nước. Làm điều này, trước mắt, phải công khai, minh bạch mọi hoạt động của các cơ quan công quyền thông qua nhiều kênh khác nhau, như tiếp xúc trực tiếp để giải đáp mọi thắc mắc của người dân, cung cấp mọi thông tin cần thiết khi người dân có yêu cầu; thông tin qua đại biểu của người dân (đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp)…, trong đó, đặc biệt là phải thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí như mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong năm 2015 và sẽ được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Kỳ họp thứ tám tới đây.

Tôi cho rằng, để trả lại quyền tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền giám sát, các cơ quan quản lý nhà nước nên hạn chế tối đa những tấm biển “không nhiệm vụ miễn vào”.

Nhưng nếu không có chế tài xử lý với tổ chức, cá nhân đại diện cơ quan quản lý nhà nước về việc chậm cung cấp thông tin, thì thưa ông, “thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời” chỉ là khẩu hiệu?

Vì vậy, trước mắt, trong Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ tám, nhiều ĐBQH đồng tình với việc thành lập Ủy ban Dân nguyện trên cơ sở Ban Dân nguyện hiện nay. Ủy ban Dân nguyện sẽ thực hiện chức năng về xây dựng pháp luật (thẩm tra), giám sát những nội dung liên quan đến ý chí, nguyện vọng của nhân dân; chủ trì, phụ trách việc tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý, giải quyết, đôn đốc, theo dõi đơn thư, kiến nghị của nhân dân… Cơ quan công quyền nào không cung cấp thông tin kịp thời cho người dân, sẽ được phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp lên Ủy ban Dân nguyện và Ủy ban sẽ báo cáo vấn đề này trước cử tri, trước Quốc hội, phản ánh với cơ quan cấp trên của cơ quan có thái độ “thờ ơ” trước yêu cầu cung cấp thông tin của người dân để có phương án xử lý.

Sau đó, Quốc hội sẽ xây dựng, sửa đổi các luật liên quan đến vấn đề này như Luật Báo chí sửa đổi, Luật Tiếp cận thông tin...

Thế còn việc cử tri giám sát ĐBQH thế nào, thưa ông?

Để tạo điều kiện cho cử tri giám sát ĐBQH, phải phát thanh, truyền hình trực tiếp các buổi thảo luận về ngân sách trên hội trường. Khi phát thanh, truyền hình trực tiếp, được cử tri giám sát chắc chắn sẽ có nhiều ĐBQH phát biểu, cho ý kiến về vấn để phân bổ, quyết toán ngân sách nhà nước và chính các ĐBQH cũng sẽ yêu cầu các bộ ngành, địa phương cung cấp thông tin, số liệu, dữ liệu liên quan tới ngân sách thường xuyên hơn, cập nhật hơn, đầy đủ hơn, rộng rãi hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư