Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hàng loạt dự án chậm triển khai bị cảnh báo thu hồi
Nguyên Đức - 14/08/2015 08:22
 
Các dự án chậm triển khai của nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đang bị các địa phương quyết liệt thanh lọc.

Chậm triển khai, Dự án Hội An Royal Bay mới đây đã bị UBND tỉnh Quảng Nam nhắc nhở và yêu cầu thực hiện một loạt phần việc như phải có cam kết về tiến độ triển khai cụ thể theo gia hạn tiến độ Dự án lần cuối là tháng 12/2015 hoàn thành toàn bộ thủ tục đầu tư, tháng 1/2016 khởi công và tháng 12/2017 hoàn thành Dự án. “Nếu chủ đầu tư không thực hiện được, tỉnh sẽ thu hồi Dự án”, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo.

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007, với tổng vốn đầu tư 16 triệu USD, Hội An Royal Bay được chủ đầu tư là Công ty TNHH Khu du lịch VinaCapital Hội An đặt kế hoạch triển khai xây dựng ngay trong năm đó và chính thức đi vào hoạt động trong năm 2009. Tuy nhiên, trễ hẹn đã 6 năm, cho tới nay, dự án mà VinaCapital có ý tưởng biến thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp dạng khách sạn - biệt thự hiện đại, sang trọng... này vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Quảng Ngãi đang tiếp tục tiến hành các thủ tục cần thiết để thu hồi Dự án Thép Guang Lian
Quảng Ngãi đang tiếp tục tiến hành các thủ tục cần thiết để thu hồi Dự án Thép Guang Lian

 

Sốt ruột trước tiến độ Dự án, Quảng Nam đã nhiều lần hối thúc chủ đầu tư triển khai nhanh. Và nay, có vẻ như “tối hậu thư” cuối cùng đã được đưa ra.

Chưa biết số phận của Hội An Royal Bay ra sao, bởi còn phụ thuộc vào quyết tâm của VinaCapital trong triển khai Dự án, nhưng  Quảng Nam gần đây rất cương quyết với việc thanh lọc các dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án ven biển - theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng loạt dự án ven biển của Công ty TNHH Thương mại, du lịch và dịch vụ Sông Hàn, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hùng Cường, Công ty cổ phần Quảng Cường, Công ty TNHH Thịnh Thuận… bị chậm tiến độ đã bị Quảng Nam nhắc nhở. Để hỗ trợ các dự án này đẩy nhanh tiến độ, đầu tháng 8 này, Quảng Nam thậm chí đã thành lập Tổ công tác và Tổ giúp việc hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư du lịch ven biển Điện Bàn - Hội An.

Một tổ công tác khác cũng được thành lập để hỗ trợ triển khai Dự án Nam Hội An, quy mô 4 tỷ USD, cũng do VinaCapital đầu tư (cùng với các đối tác Chow Tai Fook và Sun City). Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2010 và cũng thuộc diện chậm triển khai.

Trong khi đó, Quảng Ngãi - địa phương lân cận Quảng Nam - cũng vừa rà soát một loạt dự án chậm triển khai, song song với việc tiếp tục tiến hành các thủ tục cần thiết để thu hồi Dự án Thép Guang Lian, vốn đầu tư 3 tỷ USD. Chỉ trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất, đã có 14 dự án chậm tiến độ bị Quảng Ngãi đưa vào tầm ngắm. 5 dự án trong số này đang được làm thủ tục để thu hồi. Các dự án còn lại đang tiếp tục được rà soát.

Trong khi đó, ở ngoài Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, theo ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, có tới 23 dự án chậm tiến độ. Trong số này, 9 dự án đã bị thu hồi, 2 dự án thuộc diện rất khó xử lý, còn lại 9 dự án tiếp tục được gia hạn. Những cái tên được nhắc đến thuộc diện bị thu hồi là Nhà máy Công nghiệp nặng Kumwoo - Dung Quất, Nhà máy Eastar Kic Việt Nam

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, hai dự án Khu Thương mại - Dịch vụ VINA Universal Paradise (của Tập đoàn Tân Tạo) và Khu du lịch biển Mỹ Khê (Công ty cổ phần Mỹ Khê) cũng đang bị xem xét thu hẹp quy mô. Hai dự án này có diện tích quá lớn (Universal là hơn 56 ha, còn Mỹ Khê trên 23,5 ha, tổng vốn đầu tư hai dự án khoảng 2.000 tỷ đồng), nên Quảng Ngãi cũng đang rất sốt ruột đốc thúc chủ đầu tư triển khai.

Hiện tại, Dự án Mỹ Khê dù đã giải ngân tới 108 tỷ đồng, nhưng kể từ khi gia hạn đầu tư vào năm 2014, đã ngừng triển khai vì công ty mẹ ngừng cấp vốn và đến nay, chưa có kế hoạch tiếp theo.

Ở ngoài Bắc, một báo cáo vừa được UBND tỉnh Ninh Bình ban hành cho biết, đồng ý thu hồi 6 dự án đầu tư và tiếp tục xử lý 29 dự án chậm triển khai còn lại. Hàng loạt chủ trương đầu tư cũng đang được xem xét bãi bỏ, như Dự án Nhiệt điện Kim Sơn (của Công ty cổ phần Đầu tư VJK, quy mô 1,5 tỷ USD); Dự án Nhà máy Dệt may Đài Loan (của Công ty Golden Generation Ltd); hay Dự án Dệt may Nien Hsing (của Công ty Dệt Nien Hsing)…

Các địa phương khác trong cả nước, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, cũng đang ráo riết rà soát và thanh lọc các dự án đầu tư chậm triển khai. Đây là động thái tuy là thường kỳ, nhưng cần thiết để đảm bảo môi trường đầu tư công bằng, thuận lợi, cũng như để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư