Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) chính thức được thành lập
Đức Dũng (BNEWS/TTXVN) - 18/03/2017 21:14
 
Nhằm tập hợp, kết nối và nâng cao năng lực các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ, ngày 18/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã chính thức được thành lập.
Hiệp hội sẽ kết nối và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ảnh minh họa: TTXVN
Hiệp hội sẽ kết nối và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngoài nhiệm vụ kết nối thì Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng sẽ đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp liên quan; tìm kiếm và kết nối với thị trường trong nước và xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Việc thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là một trong các kết quả quan trọng của Dự án “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng đến thị trường châu Âu” trong khuôn khổ dự án “EU-MUTRAP” do Liên minh châu Âu tài trợ được Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương thực hiện từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2017.

Ông Lê Dương Quang, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ý tưởng thành lập Hiệp hội đến từ chính các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia dự án này với mong muốn và yêu cầu về việc hình thành một tổ chức liên quan đến công nghiệp hỗ trợ cùng với các nguồn lực khác của quốc gia và quốc tế, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lớn mạnh.

Đại diện doanh nghiệp, ông Lê Hiền Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện và Tự động hóa Tâm Phát cho rằng, doanh nghiệp tham gia hiệp hội với hi vọng sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ thực sự, có sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời có cơ hội mở rộng thị trường, thị phần của mình.

“Về mặt chính sách thì hiện chưa có gì rõ ràng, các chính sách vẫn chưa đến được doanh nghiệp.. Hi vọng rằng, hiệp hội sẽ có tiếng nói đến Chính phủ, các bộ, ngành để có được chính sách cụ thể đến với doanh nghiệp. Ngoài ra thì chúng tôi cũng hi vọng được kết nối với các tổ chức quốc tế, có chuyên sâu về công nghệ để được nhận sự chuyển giao công nghệ từ đó”, ông Tuấn nói.

doanh nghiệp tham gia hiệp hội với hi vọng sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ thực sự, có sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời có cơ hội mở rộng thị trường, thị phần của mình.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), giá trị mà ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện đóng góp vào GDP chỉ khoảng 14%, trong khi đó, con số này ở Thái Lan là khoảng 26%, Trung Quốc là 36%. Như vậy, có thể thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của chúng ta rất kém.

“Nguyên nhân cơ bản của sự yếu kém này là do sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn yếu. Đặc biệt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước còn hạn chế. Vì thế, việc thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, liên kết các doanh nghiệp với nhau, phản ánh chính sách để các cơ quan quản lý hoàn thiện chính sách, từ đó góp phần tạo động lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển”, ông Trương Thanh Hoài nói.

Ngày 16/3/2017, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 835/QĐ-BNV chính thức cho phép thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Association for Supporting Industries (VASI)...

Đầu tư tư nhân để phát triển công nghiệp hỗ trợ (tiếp theo)
Làm thế nào để huy động các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn tư nhân cho phát triển kinh tế là nội dung được nhắc tới tại các diễn đàn kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư