Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hóa giải những thách thức gì để kinh tế 2018 tăng tốc
Hà Nguyễn - 11/01/2018 09:30
 
Năm 2017, kinh tế đã hồi phục ấn tượng. Kinh tế năm 2018 cũng được dự báo khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn cần được hóa giải.

Dự báo lạc quan

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nói về một năm 2017 đầy cảm xúc: ban đầu là căng thẳng, lo lắng - khi quý I, quý II, GDP tăng trưởng chậm, sau đó là hồi hộp - khi theo dõi từng biến động của kinh tế thế giới và Việt Nam, rồi hào hứng, phấn khởi và hy vọng - khi cả năm, cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.

“Hy vọng là cảm xúc mạnh nhất. Có thể, đây là điểm khởi đầu của một giai đoạn tăng tốc mới của nền kinh tế Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và hy vọng rằng, với đà tăng trưởng tích cực năm 2017, cơ hội để nền kinh tế tăng tốc trong năm 2018 là không nhỏ.

.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 là rất khả quan

Theo Nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu đưa ra cho năm 2018 là tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,5 - 6,7%. Tuy nhiên, tại phiên họp của Chính phủ với các địa phương vào cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến “ngưỡng trên” của chỉ tiêu này và coi đó là nhiệm vụ mà Chính phủ phải đạt được trong năm 2018. Con số này dựa trên dự báo về những diễn biến tích cực của kinh tế thế giới và cả Việt Nam.

Thực tế, không chỉ Chính phủ Việt Nam, mà cả các định chế tài chính quốc tế cũng có những đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam. Giữa tháng 12/2017, khi Chính phủ Việt Nam chưa chính thức công bố mức tăng trưởng 6,81% của năm 2017, thì Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong cả 2 năm 2017 - 2018 lên mức 6,7%, thay vì chỉ là 6,3% và 6,5% như dự báo trước đó. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2018.

“Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 là rất khả quan. Nếu không có những cú sốc hay biến động lớn thì đà tăng trưởng cao sẽ tiếp tục duy trì trong năm nay, ít nhất, mức tăng trưởng sẽ là 6,5%”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói.

Trong khi đó, Ngân hàng ANZ thậm chí dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2018 lên tới 6,8% - bằng với mức tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Trong báo cáo mới được công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, năm 2018, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 6,5 - 6,8%.

Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 đã được ban hành. Nghị quyết năm nay đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, thể hiện sự quyết tâm đổi mới, sự đồng thuận và thống nhất cao của Chính phủ, tinh thần quyết liệt hành động ngay từ ngày đầu, tháng đầu, nhằm thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội.

Với 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, 59 nhiệm vụ giải pháp cụ thể và 242 nhiệm vụ chi tiết giao các bộ, ngành và địa phương, Nghị quyết 01/NQ-CP được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mới trong năm 2018 - năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Nghị quyết đã lấy nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược làm trọng tâm; đồng thời, quyết tâm tạo sự chuyển biến rõ nét trong các nhiệm vụ về xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng…, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Năm nay, phương châm hành động của Chính phủ gói gọn trong 10 chữ: Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả. 10 chữ này tuy rất khái quát, nhưng thể hiện được tư tưởng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đó là: lấy kỷ cương - liêm chính làm nền tảng; hành động nhanh, quyết liệt; tranh thủ thời cơ, cơ hội để đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phấn đấu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm 2018, khó khăn thách thức còn nhiều, nhưng cơ hội, thời cơ rất lớn. Với khí thế và động lực mới, tất cả chúng ta hãy đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, ra sức thi đua, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

“6,5% là mức tăng trưởng tối ưu, không gây áp lực lên lạm phát; 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây ra áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2018”, TS. Đặng Ngọc Tú, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Thư ký Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói.

Thậm chí, theo ông Tú, nếu các chính sách cải thiện bên cung phát huy hiệu quả tốt thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao hơn.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã từng nhắc đến con số kỳ vọng 7,5 - 8%, thậm chí là 8,5% khi cải cách được thực hiện trên nhiều phương diện, quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng với quy mô rộng lớn hơn, nhanh hơn, nhất quán, đồng bộ hơn.

Thách thức kinh tế năm 2018

Dù có những dự báo lạc quan, song một cách thẳng thắn, chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến câu chuyện “không ngủ quên trên chiến thắng”, cũng như con số thu nhập bình quân đầu người gần 2.400 USD thì “có gì đáng phấn khởi”. Điều đó có nghĩa, khó khăn vẫn còn nhiều và còn phải nỗ lực rất lớn để trước mắt, thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

“Kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, khi mà kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng vẫn cần rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn và bày tỏ sự âu lo trước nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế, trước quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm, thậm chí cả những thách thức liên quan đến thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020, hay biến đổi khí hậu và những thách thức do cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mang lại.

Nhưng đó là những thách thức trong dài hạn. Còn ngay trong ngắn hạn, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nhắc đến lạm phát trong năm 2018, một khi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặc dù được dự báo có triển vọng tăng trưởng tươi sáng, song kinh tế thế giới năm 2018 vẫn phải đối mặt với những rủi ro do bất ổn địa chính trị. Nếu các điểm nóng của thế giới bùng phát thành xung đột, thì kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với khủng hoảng nhất định và sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, các vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng vẫn là thách thức lớn, như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt, trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến, nhưng chưa thực sự đột phá. “Ngoài ra, yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của Samsung, kiều hối, FDI, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017, nên sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng năm 2018 của nền kinh tế”, ông Đặng Ngọc Tú nói.

Xét về dài hạn, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhắc tới những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, nếu không tận dụng được cơ hội, Việt Nam có nguy cơ “bị tụt lại phía sau”.

Trong khi đó, ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam cần quan tâm đến những rủi ro mà nền kinh tế có thể phải đối mặt trong không chỉ năm 2018, đó là rủi ro nợ xấu, kiểm soát nợ công. Còn theo ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), điều quan trọng là Việt Nam phải làm sao giảm được nợ công, đưa bội chi ngân sách về dưới mức 3% vào năm 2021, mà vẫn đảm bảo chi ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng.

“Chính sách tiền tệ cũng phải làm sao để trở nên trung lập về chu kỳ kinh tế. Trong dài hạn hơn, cần đảm bảo tính linh hoạt của chính sách tỷ giá, nhằm nâng cao khả năng chống chọi với các cú sốc từ bên ngoài”, ông Jonathan Dunn khuyến nghị.

Thậm chí, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mặc dù nhấn mạnh là không phủ nhận những thành tựu đã đạt được của kinh tế Việt Nam 2017, song cho rằng, cần quan tâm câu chuyện chất lượng đằng sau các con số kỷ lục đã đạt được. Tương tự, cũng không thể lơ là nguy cơ bong bóng có thể xảy ra, một khi các thị trường bất động sản, chứng khoán và cả đầu tư trực tiếp nước ngoài bùng nổ tại Việt Nam trong năm 2018.

Nhận rõ thời cơ và thách thức của năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP. Điều quan trọng hiện nay là làm sao thực hiện quyết liệt, hiệu quả nghị quyết này, để nền kinh tế có thể tiếp tục có một năm thành công.

Diễn biến mới, ô tô năm 2018 hết đường giảm giá
Bộ Công Thương đề xuất không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện ô tô sản xuất trong nước nhằm giảm giá ô tô “made in Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư