Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Hòa Phát không chệch đường ray với thép
Thanh Hương - 27/03/2018 10:20
 
Tới 91% tổng lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đến từ lĩnh vực thép, cho thấy việc tiếp tục đầu tư lớn vào ngành này là lựa chọn đúng đắn của Ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Kết quả ngoạn mục

Năm 2017 đánh dấu một bước chuyển lớn về tầm vóc và quy mô với HPG, khi doanh thu hợp nhất và lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 46.855 tỷ đồng và 8.015 tỷ đồng. So với những con số đặt ra trong kế hoạch công bố hồi đầu năm 2017, kết quả thực sự ấn tượng với doanh thu thực tế vượt 17% và lợi nhuận vượt 34%.

Trong báo cáo của ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc HPG, lĩnh vực thép cốt lõi và chủ đạo, lần lượt chiếm 86% và 91% trong doanh thu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đã cho thấy, ngành công nghiệp nặng này mang lại lợi ích cao hơn đáng kể so với các mảng kinh doanh khác tại HPG nói riêng, hay so sánh rộng ra với nhiều lĩnh vực khá hot như bất động sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng.

doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát trong 10 năm (2008 - 2017).
Doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát trong 10 năm (2008 - 2017).

Phần đóng góp còn lại thuộc về các sản phẩm nội thất, điện lạnh, thiết bị phụ tùng. Với Dự án Mandarin Garden 2, việc xây dựng đã hoàn tất và đang bàn giao căn hộ, nên các ghi nhận về doanh thu và lợi nhuận sẽ diễn ra trong năm 2018.

Trong năm 2017, HPG đã xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016. Thị phần của HPG trong mảng thép xây dựng và ống thép lần lượt là 23,9% và 26,4% trong toàn quốc.

Hai mặt hàng là thép xây dựng và ống thép không chỉ giữ vững thị phần, mà còn tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh. Đáng nói, đây cũng là hai sản phẩm đang có sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường với sự có mặt của hàng chục doanh nghiệp.

“Năng lực cạnh tranh của HPG về thép đặc biệt tốt, không có doanh nghiệp nào ở Việt Nam có sức cạnh tranh tốt như vậy”, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc HPG nói.

Điều này thể hiện ở việc không chỉ chiếm lĩnh thị phần lớn tại thị trường trong nước, HPG còn xuất khẩu các mặt hàng thép sang một số nước như Australia, Nhật Bản. Đặc biệt, phía Australia đã mở hẳn một cuộc điều tra về bán phá giá mặt hàng thép được xuất khẩu vào thị trường này và HPG đã chứng minh được mình không có hành động bán phá giá.  

Tự tin vào năng lực của mình, ông Dương cũng khẳng định, HPG có sức cạnh tranh không thua kém với Formosa tại Việt Nam, nếu không muốn nói là có những lợi thế hơn hẳn với vốn đầu tư thấp hơn, năng lực quản trị cũng rất tốt. 

Cũng bởi thực tế hoạt động tốt được thể hiện thông qua các con số doanh thu và lợi nhuận sau thuế mà HPG đã công bố, nên tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018 của HPG đã không có nhiều chất vấn được nêu ra về kế hoạch hoạt động, biện pháp để đạt được các mục tiêu đã vạch ra khi cổ tức được chia năm 2017 của HPG lên tới mức 40% và dự kiến trong năm 2018 cũng là 30%.

Dẫu cổ tức được chia không phải là tiền mặt mà bằng cổ phiếu, nhưng theo nhận xét của Ban lãnh đạo HPG, qua nhiều lần chia thưởng bằng cổ phiếu trước đó cũng cho thấy, tuy cổ đông có kêu ca phàn nàn, nhưng kết quả là có nhiều cổ phiếu hơn, trong khi giá cổ phiếu lại luôn tăng.

Việc không chia cổ phiếu bằng tiền cũng được lý giải là để dành sức cho các dự án đầu tư. “Tuy có lợi nhuận lớn, nhưng HPG vẫn quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu để dành tiền cho hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất tại Dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất Hòa Phát”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT HPG nói.

Dồn sức cho thép

Kết quả hoạt động của HPG cũng cho thấy, thép - lĩnh vực công nghiệp nặng cần vốn đầu tư lớn, mất nhiều thời gian để thu hồi vốn, đang thu hoạch những trái ngọt cho doanh nghiệp nào quyết tâm.

Theo kế hoạch, tháng 7/2018, hạng mục nhà máy thép xây dựng và thép chất lượng cao tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát sẽ đi vào vận hành, bổ sung thêm 1 triệu tấn thép.

Năm 2018, nếu nhiệm vụ số 1 của HPG là tiếp tục hoàn thiện các cơ sở vật chất hiện có để không phải đầu tư thêm mới mà vẫn tăng được doanh thu, lợi nhuận, thì nhiệm vụ chiến lược thứ 2 là dồn sức cho Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát được ông Trần Đình Long cho rằng, sẽ tạo tầm vóc mới, diện mạo mới cho HPG.

“Ngoài việc doanh thu tăng gấp đôi thì năm 2020, khi Khu liên hợp gang thép Dung Quất Hòa Phát đi vào hoạt động toàn bộ, HPG sẽ trở thành công ty đứng số 1, số 2 về sản lượng thép tại Việt Nam cũng như khu vực ASEAN và phấn đấu lọt vào Top 50 công ty thép lớn nhất thế giới về sản lượng”, ông Long nói.

Người đứng đầu HPG cũng chia sẻ, triển khai Dự án khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát không thuần túy là chỉ có nhà máy thép, mà nhiều việc mới mẻ, phức tạp với cả Ban điều hành. Có những việc mà dù có 30 năm kinh nghiệm thương trường nhưng chưa bao giờ làm, như làm cả cảng, giao thông, đường sắt, nước…

Theo kế hoạch, tháng 7/2018, hạng mục nhà máy thép xây dựng và thép chất lượng cao tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát sẽ đi vào vận hành. Với tình hình này, HPG sẽ bổ sung thêm 1 triệu tấn thép xây dựng cho thị trường, ngoài những thành quả đã đạt được trong năm 2017.

Cho rằng đây cũng là thách thức với HPG khi năng lực được bổ sung, nhưng ông Long cũng tự tin sẽ không có vấn đề gì trong tiêu thụ, bởi hệ thống đại lý của HPG đã vận hành ổn định và hoạt động bài bản.

“Với việc đưa các nhà máy tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát vào hoạt động, HPG cũng vẽ lại bức tranh phân phối của mình. Hiện tại, với năng lực 2,2 triệu tấn thép xây dựng sản xuất tại Hải Dương, Hưng Yên, thị trường miền Bắc đang chiếm tỷ trọng tới 65%, phần còn lại là miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, khi Nhà máy thép xây dựng tại Dung Quất đi vào hoạt động với sản lượng 2 triệu tấn sẽ tập trung tiêu thụ tại thị trường miền Trung và miền Nam khoảng 3/4 sản lượng, phần còn lại để xuất khẩu”, ông Dương nói.

Không dành nhiều tâm sức vào thị trường xuất khẩu ở thời điểm này cũng là bởi định hướng bấy lâu nay của HPG đang là sản xuất ra các mặt hàng thô, có tính chất địa phương lớn và đáp ứng nhu cầu tại chỗ, nhưng cũng nhờ vậy mà HPG đang “né” được nhiều thiệt hại khi một số thị trường lớn trên thế giới áp dụng chiêu thức bảo hộ các nhà sản xuất nội địa với việc đánh thuế cao các sản phẩm thép nhập khẩu.

Nói về con đường sẽ đi sau khi Khu liên hợp gang thép Dung Quất Hòa Phát đi vào vận hành, ông Long cho hay, trong 10-15 năm nữa, HPG xác định trụ cột vẫn là thép. “Dung Quất là trời cho và chúng tôi đã nghiên cứu và đang làm thủ tục xin mở rộng công suất của Khu liên hợp Gang thép Dung Quất Hòa Phát lên gấp đôi. Như vậy, sau năm 2020, HPG vẫn không xa rời mục tiêu thép vẫn là chính yếu, chủ chốt trong hoạt động của Tập đoàn”, ông Long cho biết.

Doanh nhân Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát: Thép vẫn là bánh mì của công nghiệp
Không mang sứ mệnh lịch sử của ngành thép với bề dày tháng năm, thẳng tiến kiểu xe lu chậm, nhưng chắc, sau 18 năm có mặt trong ngành thép, Hòa Phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư