Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 42, sáng ngày 10/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp
Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 42, sáng ngày 10/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo Luật có bố cục gồm 04 Điều, cụ thể, Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 2 quy định về việc bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 3 quy định về việc bãi bỏ một số điều, khoản của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.

Một số nội dung lớn sửa đổi lần này được Chính phủ trình như tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng. Bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh. Quy định rõ thời hạn lập biên bản, địa điểm lập biên bản; bổ sung quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử. Mở rộng phạm vi chủ thể được quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định vi phạm hành chính. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bổ sung một số biện pháp cưỡng chế mới (ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn); bổ sung quy định về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…Sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp giải người vi phạm… để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết, cách xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung được nêu trong Tờ trình, song cũng đề nghị bổ sung làm rõ căn cứ, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể đối với các nội dung của dự thảo Luật.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc thật kỹ lưỡng về việc tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt; việc bổ sung 02 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy…

So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình lần này được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.

Phát biểu ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng... ở mức cao hơn để tăng sức răn đe.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, bài học rõ nhất là việc thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với mức phạt hành chính cao và Nghị định 100/2019NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã góp phần thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông, người dân đã tự ý thức tránh xa rượu bia khi tham gia giao thông. Do vậy, tăng mức phạt hành chính đều có ý nghĩa răn đe của nó cả. Nhất là ở những lĩnh vực vi phạm đang ở mức phổ biến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, chúng ta cần mạnh dạn tăng mức phạt thật nặng để tăng sức răn đe.

Cũng quan tâm đến nội dung này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, đối với 10 lĩnh vực tăng mức phạt tiền tối đa, chúng ta mới chỉ quy định mức trần, chưa quy định mức tối thiểu. Thời gian qua, vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân, bạo lực gia đình có dấu hiệu gia tăng, trong khi đó nếu quy định mức phạt là 30 triệu đồng như dự thảo Luật Chính phủ trình thì chưa đủ sức răn đe, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tăng mức phạt trong lĩnh vực này, nếu không các vi phạm trong lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình lần này được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.
Qua theo dõi và giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian vừa qua, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, vấn để liên quan đến xử phạt hành chính trong khai thác cát, đá, sỏi và an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng được cử tri quan tâm. Đặc biệt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn để đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, do vậy, mức phạt ở lĩnh vực này cũng cần phải quy định ở mức thật cao.

Cùng với đó là vấn đề xử phạt các hành vi quấy rối tình dục, nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng phải tăng lên ở mức cao hơn

Qua nghiên cứu, các đại biểu cũng chỉ ra một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính Chính phủ trình lần này cũng đã bổ sung một số biện pháp cưỡng chế mới. Cụ thể, ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm; và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Thảo luận về vấn đề này, mọt số ý kiến đại biếu đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp điện, nước” trong lần sửa đổi này; việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động cụ thể khi sửa đổi toàn diện Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là vấn đề lớn nhưng Báo cáo đánh giá tác động không đánh giá tác động của việc bổ sung biện pháp này. Việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước thì không nên buộc nhà cung cấp “ngừng cung cấp điện, nước” cho cá nhân, tổ chức; như vậy là can thiệp “quá sâu” vào quan hệ dân sự. Do vậy, đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp điện, nước” trong lần sửa đổi này, mà bổ sung quy định “ngừng cung cấp điện, nước” là một biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm, không phải là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, bổ sung quy định để bảo đảm biện pháp ngăn chặn này chỉ được áp dụng đối với những hành vi mà điện, nước là điều kiện cần, là phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm hành chính và việc áp dụng biện pháp này không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động của cá nhân, tổ chức khác.

Đồng tình với ý kiến của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, “ngừng cung cấp điện, nước” không nên là biện pháp cưỡng chế; đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thực tiễn có quốc gia nào trên thế giới quy định như vậy chưa? Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, các biện pháp cưỡng chế và biện pháp ngăn chặn có ý nghĩa khác nhau, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thật kỹ ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về vấn đề này.

Vấn đề xử phạt các hành vi quấy rối tình dục, nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng phải tăng lên ở mức cao hơn.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, “ngừng cung cấp điện, nước” có thể sẽ là một biện pháp cưỡng chế hiệu quả. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến lấy ví dụ: đối với một đơn vị xây dựng công trình trái phép, nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế này thì sẽ rất hiệu quả. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng nêu rõ, nếu áp dụng ở một số hành vi vi phạm khác thì lại chưa phù hợp. Trong trường hợp chủ hộ vi phạm, việc cắt điện nước sẽ ảnh hưởng đến cả hộ, không đảm bảo tính khách quan. Do vậy, Ban soạn thảo cần quy định rõ các trường áp dụng cho hợp lý.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Luật Xử lý vi phạm hành chính là dự án Luật quan trọng, được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn. Do vậy, việc sửa Luật cần đảm bảo  vừa quản lý nhà nước, quản lý xã hội tốt nhưng vẫn phải đảm bảo tốt quyền con người, quyền công dân.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp,  Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, có đánh giá tác động cụ thể cho từng chính sách mới; rà soát, bổ sung thống kê các vụ xử lý vi phạm qua từng năm, từng lĩnh vực để đảm bảo cơ sở thực tiễn có tính thuyết phục. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại các nhóm lĩnh vực nâng mức phạt tiền tối đa theo tinh thần không nhất thiết mức phạt của vi phạm hành chính lúc nào cũng phải thấp hơn hình sự. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Ủy ban thẩm tra, các bộ ngành liên quan, cơ quan hữu quan hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp tới.

[Infographic] Những quyết sách quan trọng của Quốc hội năm 2019
Năm 2019, Quốc hội thông qua 18 luật và 27 nghị quyết, quyết sách nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư