Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới
D.Ngân - 05/09/2022 10:45
 
Sáng 5/9, hơn 23 triệu học sinh và các trường học trên cả nước bước vào năm học mới 2022-2023 trong niềm vui hân hoan, phấn khởi sau nhiều tác động của dịch Covid-19.

Để nâng chất lượng dạy và học năm học mới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã chỉ đạo ngành giáo dục các tỉnh, thành phố tổ chức lễ khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp điều kiện của địa phương, nhà trường nhưng vẫn tạo không khí vui tươi, ý nghĩa. 

Sáng 5/9, hơn 23 triệu học sinh và các trường học trên cả nước bước vào năm học mới 2022-2023 trong niềm vui hân hoan, phấn khởi sau nhiều tác động của dịch Covid-19.

Chủ đề năm học mới 2022-2023 với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.  

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị biên soạn sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12. 

Với chương trình lớp 3 mới, các môn học bắt buộc là Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm.

Số tiết học Tiếng Việt trong năm là 245, trung bình 7 tiết mỗi tuần; Toán 175 tiết, mỗi tuần 5 tiết. Với lớp 7, Sẽ  không còn hai môn Sinh học, Vật lý mà thay bằng Khoa học tự nhiên. Hai cặp môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật cũng được tích hợp lại. 

Tuy nhiên, số tiết và nội dung vẫn giữ nguyên thời lượng như chương trình hiện hành. Chương trình mới cho phép học sinh lớp 7 tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2.

Đối với lớp 10, học sinh không phải học 17 môn bắt buộc như hiện nay. Thay vào đó, các em sẽ học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương.

Bên cạnh đó, học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc và Mỹ thuật.

Nói về thách thức, mục tiêu và kỳ vọng khi năm học mới đã bắt đầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học mới đã bắt đầu trong tình hình mới, dịch bệnh đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, những việc ngành Giáo dục phải làm phía trước vẫn còn đầy thách thức như dịch bệnh, việc đổi mới giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục đại học...

Người đứng đầu ngành Giáo dục mong toàn thể lực lượng giáo viên ra sức cố gắng, phấn đấu hoàn thiện bản thân và đổi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt công cuộc đổi mới của ngành. 

Mong toàn thể học sinh hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ học tập, tu dưỡng để đạt đến các mục tiêu trở thành công dân tốt, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. 

“Rất mong các quý vị phụ huynh hết sức chia sẻ với những khó khăn của của ngành giáo dục để có sự đồng hành, hỗ trợ đối với ngành mang đến kết quả giáo dục tốt nhất, góp phần phát triển đất nước trong tương lai”, Bộ trưởng bày tỏ.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023 là tiếp tục củng cố kiến thức, bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch. 

Năm học 2022-2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu toàn ngành tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh;

Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục;

Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học;

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương dành sự quan tâm đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa. Toàn ngành Giáo dục quyết tâm đoàn kết khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022-2023. 

Trước thực tế thiếu giáo viên trầm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.

Tháng 7/2022, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng.

Về lâu dài, các địa phương phải có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều cuộc làm việc với các trường sư phạm. 

Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm thực sự phát huy hiệu quả, cần có thêm sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các Bộ, ngành và đặc biệt là từ phía các địa phương trong đặt hàng nhu cầu, tuyển dụng và sử dụng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư