Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Huawei thừa nhận 'tổn thương' bởi lệnh cấm của Mỹ
Đại diện Huawei cho biết đang gặp khó khăn khi không được sử dụng dịch vụ Google và có thể phải mất nhiều năm để tìm giải pháp thay thế.

Bà Joy Tan, phó chủ tịch cấp cao của Huawei Mỹ. Ảnh: Sohu.
Bà Joy Tan, phó chủ tịch cấp cao của Huawei Mỹ. Ảnh: Sohu.

"Sau khi bị liệt vào danh sách thực thể, Huawei chỉ có thể tìm được một số giải pháp thay thế. Phần thử thách nhất là các dịch vụ Google. Chúng tôi có thể tiếp tục sử dụng nền tảng Android, vì nó là mã nguồn mở, nhưng không thể sử dụng các dịch vụ giúp ứng dụng chạy trên nền tảng đó", Joy Tan, Phó chủ tịch cấp cao của Huawei khu vực Mỹ (Huawei US), cho biết.

Theo bà Tan, Huawei có thể sử dụng nền tảng tự phát triển HarmonyOS, nhưng "phải mất nhiều năm" và nhấn mạnh "đây là một chặng đường dài" cho đến khi sẵn sàng. Tuy nhiên, người này khẳng định việc thay thế Android là điều chắc chắn sẽ xảy ra và đang trên lộ trình của công ty.

Tháng 5 năm nay, Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách thực thể vì cho rằng hãng viễn thông Trung Quốc "gây nguy cơ về an ninh quốc gia". Một loạt công ty Mỹ, trong đó Google cấm sử dụng các dịch vụ trên Android như Play Store, Gmail, YouTube... Những smartphone sau này, mới nhất có Mate 30 và Mate 30 Pro, đều không tích hợp sẵn các dịch vụ nêu trên.

Thực tế, việc bị Mỹ cấm vận không ảnh hưởng quá nhiều đến Huawei thời gian qua. Bằng chứng là công ty đã bán được 185 triệu smartphone trong 9 tháng của năm 2019, tăng 26% so với cùng giai đoạn năm 2018. Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng đó là do hầu hết sản phẩm của hãng vẫn có dịch vụ của Google. "Thời gian tới, khi không còn dịch vụ Google nữa, doanh số smartphone Huawei có thể bị ảnh hưởng trầm trọng. Nó có thể không bị tác động nhiều tại Trung Quốc, nhưng sẽ khiến người dùng tại nhiều thị trường khác, trong đó có châu Âu và Đông Nam Á từ bỏ sản phẩm của công ty, bởi vì họ đã quá quen với các ứng dụng Google", một nhà phân tích nhận định.

Bà Tan thừa nhận, Huawei đã nhiều lần cố gắng để được ra điều trần ở Washington nhằm khẳng định với chính phủ Mỹ việc hãng không mua bán các thiết bị "nhạy cảm" và "có hại đến an ninh quốc gia" như cáo buộc, cũng như để phục vụ tốt hơn các khách hàng viễn thông của mình. Nhưng cho đến nay, chưa hề có cuộc họp nào diễn ra. "Chúng tôi chưa hề nói chuyện với bất cứ ai trong chính phủ Mỹ, dù rất muốn làm điều đó", bà Tan chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Tan cũng khẳng định, hiện có rất nhiều công ty Mỹ nộp đơn lên chính phủ để mong được tiếp tục hợp tác với Huawei, trong đó "chắc chắn" có Google.

Mỹ "tung đòn" nhằm vào Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc
Chính quyền Mỹ đã chính thức ra quy định cấm Huawei và các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc giao dịch với các nhà thầu thuộc cơ quan liên bang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư