Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Huế lấy Festival nghề làm xung lực cho phát triển du lịch
Hải Hà - 05/04/2019 15:18
 
Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 8 năm 2019 sẽ chính thức diễn ra từ 26/4 – 2/5 không chỉ là nơi vinh danh giá trị tinh hoa của các làng nghề mà còn là sự kiện để Huế quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến địa phương này.
.
Qua 7 lần tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế đang trở thành điểm nhấn giúp Huế thu hút thêm nhiều khách du lịch, đồng thời giúp người dân các làng nghề mở rộng được thị trường, phát triển và bảo tồn được những giá trị di sản làng nghề. 

Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo về sự kiện này tổ chức sáng 5/4 tại Hà Nội.

Với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, Festival nghề truyền thống Huế sẽ thu hút sự tham gia của 62 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đại diện cho 16 nhóm nghề gồm thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy, thư pháp, tranh, diều, dệt - may, mây tre, pháp lam, nhang trầm, tinh dầu, lân -  sư - rồng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước: Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Đồng Tháp, Hưng Yên và Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, 17 đoàn khách quốc tế và 11 thành phố, tổ chức quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ…cũng sẽ tới tham dự sự kiện này.

Ngoài các chương trình có dấu ấn từ Festival trước như lễ hội áo dài, lễ tế tổ bách nghệ - lễ rước tôn vinh nghề, lễ hội ẩm thực, lễ hội khinh khí cầu quốc tế Huế, Festival lần này sẽ có thêm lễ hội hoa, chương trình nghệ thuật của các ca sĩ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc....

Cách bố trí không gian giới thiệu nghề truyền thống tại Festival năm nay cũng là một điểm nhấn đáng chú ý.

Theo đó, ban tổ chức sẽ sắp đặt nhiều không gian với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật như không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống của các thành phố quốc tế; không gian sen và thổ cẩm; không gian lụa và áo dài; không gian Đông y Huế; không gian mây tre đan; không gian diều và thư pháp....

Bên cạnh đó, ban tổ chức còn bố trí một không gian đi bộ và cảnh quan với cầu đi bộ trên sông Hương kết nối với hệ thống đường đi bộ bờ Nam sông Hương cùng phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu... nhằm tạo nên một không gian nên thơ trải dài dọc bờ sông Hương.

Lý giải về cách sắp đặt này, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng ban tổ chức Festival khẳng định: “Huế là thành phố di sản. Sau 7 lần tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế ngày càng khẳng định không chỉ là sự kiện vinh danh các sản phẩm làng nghề, vinh danh các nghệ nhân nghề, phố nghề mà còn trở thành sự kiện văn hóa, du lịch, một sự kiện mang ý nghĩa kinh tế, chính trị rõ rệt tạo ra nhiều kết quả về giá trị kinh doanh, kinh tế quan trọng”.

Ông Thành cũng cho biết, hiệu ứng của sự kiện này cũng tác động rất lớn đến phát triển du lịch của Huế qua con số thống kê trung bình của ngành du lịch cấp tỉnh cho thấy, mỗi năm, khách quốc tế đến Huế tăng 15%. Riêng số vé khách tham quan đại lộ dịp Festival nghề truyền thống tăng từ 80.000 khách năm 2015 lên con số 10.000 khách năm 2017.

Tính về giá trị kinh tế, ông Thành cho biết, mặc dù doanh nghiệp không công khai những con số cụ thể nhưng chắc chắn giá trị mang lại từ sự kiện này là không nhỏ khi tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sự kiện tăng lên trung bình 30% qua mỗi lần tổ chức sự kiện.

Cụ thể hơn về hiệu ứng cho phát triển du lịch từ sự kiện này, ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, Việt Nam đang phải cân bằng giữa bài toán làm sao tạo ra giá trị gia tăng cao nhất cho du lịch nhưng đồng thời cũng phải bảo tồn được những giá trị di sản, giá trị thiên nhiên trong phát triển. Với việc tổ chức Festival nghề truyền thống, Huế đang tạo ra một sự kiện hấp dẫn cho bảo tồn những giá trị di sản. Đây cũng là sự kiện hấp dẫn, độc đáo vì không giống các triển lãm trưng bày sản phẩm. Sự kiện này mang giá trị văn hóa hấp dẫn khiến du khách cảm thấy thích thú, nhất là khách du lịch quốc tế.

Được tổ chức vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, dịp cao điểm cho du lịch. Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định, Huế đã sẵn sàng phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.

“Chúng tôi cũng sẽ kiểm soát và đặt ra chế tài với những doanh nghiệp tăng giá dịch vụ từ 15% trở lên hoặc vẫn còn phòng nhưng từ chối khách dịp này. Chúng tôi cũng khẳng định, cơ sở vật chất của TP.Huế đã sẵn sàng cho sự kiện này”, ông Thành nhấn mạnh.

Được biết, qua 7 lần tổ chức Festival nghề truyền thống, Huế đã làm sống lại những làng nghề tưởng như đã đi vào quên lãng như làng gốm Phước Tích (Phong Điền), Pháp lam, chế tác nhà rường; nghề áo dài truyền thống và một số nghề mới đã được hình thành đáp ứng nhu cầu thị trường như giấy Trúc Chỉ, hàng mỹ nghệ từ lá Sen. Nhiều điểm đến du lịch đã được Nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng đã hình thành như: Trung tâm Làng nghề đúc đồng Phường Đúc; Tịnh Tâm Kim Cổ,….

Lễ Khai mạc và chương trình nghệ thuật chào mừng Festival Nghề truyền thống Huế 2019 sẽ được tổ chức vào 20h30 ngày 26/4 tại Sân khấu quảng trường trước trường Quốc Học.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; không gian ẩm thực sẽ diễn ra từ 26/4 - 2/5 tại Công viên Tứ Tượng và đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.
Không gian trưng bày và thao diễn các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các thành phố và tổ chức quốc tế sẽ diễn ra từ 26/4 - 2/5 tại Bảo tàng Văn hóa Huế, 25 Lê Lợi.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt của các ca sĩ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc sẽ diễn ra vào 20h00 ngày 27/4 tại Sân khấu quảng trường trước trường Quốc Học.
Lễ hội Hoa làng nghề 2019 sẽ diễn ra từ 27/4 - 2/5 tại Đường Phạm Hồng Thái, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và Bảo tàng thêu XQ Huế.
Lễ hội Áo Dài “Áo dài trên con đường di sản” sẽ diễn ra vào 20h00 ngày 28/4 tại Cửa Ngọ Môn, đường 23 tháng 8.
Không gian văn hóa ẩm thực Thuần Việt sẽ diễn ra từ 26/4 - 2/5 tại Công viên Thương Bạc, TP. Huế.
Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Huế sẽ diễn ra từ 27 -29/4 tại Sân Hàm Nghi.
Lễ Tế tổ bách nghệ - Lễ rước tôn vinh nghề sẽ được tổ chức vào 16h00 ngày 29/4 tại Công viên Tứ Tượng.
Chương trình Nghệ thuật “Giai điệu Tổ quốc” sẽ diễn ra vào 20h00 ngày 30/4 tại Sân khấu quảng trường trước trường Quốc Học.
Lễ vinh danh - bế mạc Festival nghề truyền thống Huế 2019 vào 20h00 ngày 1/5 tại Sân khấu quảng trường trước trường Quốc Học.
Thu về 36,86 tỷ đồng từ phiên IPO Du lịch Huế
Sở GDCK Hà Nội cho biết phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Du lịch Huế đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư