Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hút đầu tư vào AI, bán dẫn và động thái từ NVIDIA
Nguyên Đức - 25/04/2024 16:32
 
Việc Phó chủ tịch NVIDIA sang Việt Nam mở ra cơ hội lớn để Việt Nam thu hút đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn - những lĩnh vực cần tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gặp gỡ Phó chủ tịch NVIDIA bàn cách thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực AI, bán dẫn.

Cú hích từ NVIDIA

Sau Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang, đến lượt Phó chủ tịch Keith Strier tới thăm Việt Nam. Chuyến thăm kéo dài 5 ngày này được cho là một động thái quan trọng nhằm hiện thực hóa các cam kết hợp tác về AI và bán dẫn được đưa ra hồi tháng 12/2023 giữa Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam và ông Jensen Huang.

Ngay ngày đầu tiên tới Việt Nam, ông Keith Strier và đoàn công tác của NVIDIA đã có cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tới thăm Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - nơi được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm R&D của khu vực và thế giới, đồng thời là trung tâm cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Thông tin chi tiết cuộc gặp không được tiết lộ, song trong thông cáo chính thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cuộc gặp là “một bước tiến” sau quá trình trao đổi tích cực và hiệu quả giữa hai bên, là “một tín hiệu đáng mừng” củng cố việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái bán dẫn, AI của Việt Nam.

Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ các thông tin về chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI tại Việt Nam; đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn; môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án công nghệ cao, bán dẫn và AI vào Việt Nam.

Sang Việt Nam lần này, ông Keith Strier dự kiến làm việc với một số bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, ông sẽ khảo sát, tìm kiếm địa điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM để chuẩn bị cho việc hiện thực hóa các kế hoạch tới đây tại Việt Nam, gồm thiết lập trung tâm R&D và đào tạo về AI; lắp đặt hệ thống siêu máy tính; chuyển một phần việc sản xuất các bộ vi xử lý hình ảnh (GPU) cho các siêu máy tính sang Việt Nam.

Và không chỉ là kế hoạch, dường như đã bắt đầu có những cam kết, mà hồi tháng 12/2023 ông Jensen Huang đưa ra, rằng sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam và muốn biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và đổi mới AI lớn của NVIDIA…, được hiện thực hóa.

Hôm qua (23/4), FPT và NVIDIA ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển hệ sinh thái giải pháp AI cho khách hàng toàn cầu. Một trong những nội dung quan trọng của thỏa thuận là FPT dự kiến đầu tư khoảng 200 triệu USD để xây dựng nhà máy AI (AI Factory), cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu, phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam. Nhà máy có các hệ thống siêu máy tính hoạt động trên công nghệ mới nhất của NVIDIA, gồm bộ ứng dụng - khung công nghệ phát triển NVIDIA AI Enterprise và chip đồ họa GPU H100 Tensor Core...

Các thỏa thuận sẽ không dừng ở đó. Có thể, sau chuyến thăm lần này của ông Keith Strier, các kế hoạch hợp tác đầu tư cụ thể được công bố, giống như tập đoàn này đã công bố đầu tư tại Indonesia, Singapore, Malaysia... thời gian qua. Và đấy là lúc NVIDIA bắt đầu đặt chân vào Việt Nam.

Viết tiếp giấc mơ AI, bán dẫn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cách đây ít ngày, đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, một trong các giải pháp được nhấn mạnh là tập trung xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...

Đây là điều đã được nhắc tới lâu nay và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong nỗ lực của mình đã rất tích cực trong thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI. Sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi lớn thời gian gần đây, như Foxconn, Pegatron, HanaMicron, Amkor… là những ví dụ điển hình.

Mới đây nhất, Tập đoàn Meiko Electronics (Nhật Bản) khởi công xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch điện tử ở Hòa Bình, vốn đầu tư 200 triệu USD. Đây là dự án thứ 5 của Meiko ở Việt Nam, với kế hoạch nâng vốn lên 500 triệu USD trong giai đoạn II. Và sự xuất hiện của NVIDIA ở thời điểm này, có thể nói, là một cú hích quan trọng, mở ra cơ hội to lớn để Việt Nam thu hút đầu tư trong các lĩnh vực AI, bán dẫn.

Dù NVIDIA chưa đưa ra những con số cụ thể, nhưng kỳ vọng là rất lớn. Cuối năm ngoái, NVIDIA công bố khoản đầu tư 4,3 tỷ USD vào Malaysia để phát triển cơ sở hạ tầng siêu máy tính và đám mây AI. Tập đoàn này cũng ký kết các thỏa thuận với Singtel để triển khai các trung tâm dữ liệu do AI điều khiển ở khu vực Đông Nam Á. Và trung tuần tháng 4/2024, NVIDIA quyết định đầu tư 200 triệu USD vào Indonesia để xây dựng trung tâm dữ liệu AI…

Giới quan sát cho rằng, việc NVIDA công bố các khoản đầu tư lớn đó cho thấy họ thực sự coi trọng thị trường Đông Nam Á. Và bởi thế, cơ hội cho Việt Nam vẫn còn. Chuyến thăm Việt Nam của ông Keith Strier đã chứng minh điều đó.

Tuy vậy, việc NVIDIA liên tục công bố đầu tư lớn vào các “đối thủ” của Việt Nam cho thấy, cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng trở nên gay gắt hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi, không chỉ là cần cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hấp dẫn, mà còn là sự chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, năng lượng, nguồn nhân lực…

“Chúng tôi đã sẵn sàng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nói vậy với nhà đầu tư nước ngoài lĩnh vực AI, bán dẫn.

Cùng thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp ông Keith Strier, Chính phủ Việt Nam đã có cuộc họp bàn, cho ý kiến về đề án phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn đến năm 2030. Đề án này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng nhằm sẵn sàng nguồn nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Thông tin cho biết, để kịp thời đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, mục tiêu phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn đã có sự điều chỉnh. Theo đó, sẽ có khoảng 15.000 nhân lực trong số 50.000 nhân lực nói trên được đào tạo về chuyên ngành AI - một lĩnh vực công nghệ mới nổi, đang là xu thế phát triển của thế giới.

Cùng với nhân lực, Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị về đất đai, hạ tầng cơ sở, cũng như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Một quỹ hỗ trợ đầu tư dự kiến được thành lập để có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các dự án đầu tư quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI…
Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư/năm
Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư