Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Kẻ ngay, người gian trong lĩnh vực bảo hiểm
Chí Tín - 28/01/2013 07:00
 
Trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm đau đầu về tình trạng trục lợi bảo hiểm, thì khá nhiều khách hàng mua bảo hiểm lại bức xúc về quyền lợi chính đáng bị từ chối.
TIN LIÊN QUAN

Trục lợi bảo hiểm là những trường hợp khách hàng gian dối, cố tình mua bảo hiểm khi rủi ro đã xảy ra, hoặc cố tình gây tổn thất để đòi tiền bồi thường. Chẳng hạn, trong trường hợp bảo hiểm tai nạn xe cơ giới, những trường hợp trục lợi bảo hiểm thường được sử dụng như hợp lý hóa ngày tai nạn và hiệu lực bảo hiểm, thay đổi tình tiết vụ tai nạn, tạo hiện trường giả, khai tăng số tiền tổn thất, cố ý gây tai nạn…

Bảo hiểm xe cơ giới là lĩnh vực bị trục lợi bảo hiểm nhiều nhất. Ảnh: Hà Thanh

Tuy nhiên, trên thực tế, việc chống trục lợi bảo hiểm quá đà, kéo sang cả các khách hàng lương thiện cũng có thể dễ dẫn đến hậu quả khách hàng ngại mua bảo hiểm. Thông thường, các công ty bảo hiểm lớn, hoạt động lâu năm tại các thị trường tài chính phát triển, đều có các phương thức quản trị rủi ro chuyên nghiệp.

Ông Ian Cheng, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn thuộc Công ty Ernst & Young (Hồng Kông) cho biết, các phương thức mà công ty bảo hiểm có thể đưa ra để quản trị rủi ro là đưa ra các sản phẩm bảo hiểm đơn giản, bán bảo hiểm qua ngân hàng, để tăng hiệu lực giám sát.

Ngoài ra, ngay cả trong các vụ việc dân sự, khách hàng và công ty bảo hiểm cũng đang có nhiều vấn đề gây xung đột. Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, sự vênh nhau trong các quy định pháp lý trong Luật Kinh doanh bảo hiểm và Bộ luật Dân sự đang dẫn đến tình trạng cùng một sự việc, nhưng ngay cả các cơ quan pháp luật vẫn có thể hiểu khác nhau và có cách giải quyết khác nhau.

Cụ thể, theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm chỉ phát sinh khi khách hàng đã đóng phí cho công ty bảo hiểm. Trong khi đó, tại Bộ luật Dân sự, ngay sau khi hợp đồng đã ký, trách nhiệm của hai bên đã hình thành, việc chưa đóng phí có thể hiểu như một khoản công nợ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, thực tế thời gian qua, đã có những trường hợp 2 sự việc tương tự nhau, nhưng 2 hội đồng xét xử tại các tòa khác nhau lại có các quyết định khác nhau. Trong khi đó, khi tòa đã ra phán quyết, thì các bên đương sự đương nhiên phải chấp hành (kể cả có trường hợp kháng cáo, nhưng tòa phúc thẩm vẫn quyết định như tòa sơ thẩm).

Theo một số chuyên gia tư pháp, sự vênh nhau trong các văn bản pháp luật có thể tạo kẽ hở, dẫn đến tình trạng lẫn lộn “kẻ ngay, người gian”.

Trên trang web otofun.net, một mạng xã hội lớn về ô tô ở Việt Nam, một thành viên cũng đã bày tỏ những quan điểm khá bức xúc khi mua bảo hiểm, nhưng chưa đóng phí thì rủi ro xảy ra. Hậu quả là, công ty bảo hiểm đã từ chối trách nhiệm bồi thường vì lý do khách hàng chưa đóng phí. Quan điểm của thành viên này cho biết, việc này cũng tương tự như việc đã mua hàng, nhưng chưa trả tiền. Theo đó, vấn đề tiền chỉ là nợ chưa trả, trong khi người mua lẽ ra vẫn phải được dùng hàng (như các trường hợp mua bán khác), trừ khi người mua cố tình quỵt tiền, hoặc không có khả năng trả. Đây là cách hiểu theo quan điểm của Bộ luật Dân sự.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, trong thời gian tới, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cần thực hiện rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tiếp thu ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp bảo hiểm để hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến xử phạt các vi phạm trong bảo hiểm…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư