Lê Minh Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn tài chính BBG. Ảnh: T.L |
Hàng trăm nhà đầu tư tham gia
Tại Hải Phòng, Tập đoàn BBG có trụ sở tại P.703, tòa nhà DG trên đường Trần Phú, Q.Ngô Quyền. Theo thông tin sơ bộ ban đầu được biết, BBG có hàng trăm nhà đầu tư tham gia đầu tư vào tập đoàn này với số tiền lên đến trên 600 tỷ đồng. Riêng Hải Phòng có 237 nhà đầu tư đã chuyển cho BBG tổng số tiền 87 tỷ đồng; Quảng Trị có trên 200 nhà đầu tư nộp cho BBG 34 tỷ đồng và các nhà đầu tư tại Quảng Ninh nộp 23 tỷ đồng...
Ông Lê Minh Quang trước đây cũng là một nhà đầu tư vàng trên các sàn vàng thời trước. Sau thời gian làm việc, ông Quang có trong tay nhiều nhà đầu tư, nên năm 2010 đã thành lập Công ty CP Vàng và Bất động sản BBG. Với hình thức kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn và nhận lãi suất cao, khách hàng được cung cấp mã giao dịch để có thể rút tiền. Chỉ sau mấy năm hoạt động, theo Công ty tự giới thiệu (trên trang web bbg.com.vn) có tới 600 nhân viên ở 19 chi nhánh trên cả nước.
Theo vị lãnh đạo Công an TP.Hải Phòng, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ cung cấp thông tin về phương thức hoạt động của BBG để người dân cảnh giác khi tham gia các sàn giao dịch về vàng.
Tiềm ẩn đẩy rủi ro
Sau hàng loạt vụ kinh doanh vàng ảo bị lực lượng công an triệt phá, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối của NHNN - cho biết, NHNN khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch trên sàn giao dịch vàng và thực hiện kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tiềm ẩn rủi ro rất cao. Về mặt pháp luật, ông Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định việc tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch vàng hay kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài khi chưa được phép là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Dẫn chứng khoản 9 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định rõ: “Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại Khoản 6, 7, 8 Điều này, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép”. Do đó, căn cứ Nghị định 24/2012/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài đều là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép và NHNN cũng chưa cấp giấy phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác (gồm cả sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản).