Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khẩn trương ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Nguyễn Lê - 11/01/2022 17:35
 
Chiều 11/1, trước khi bế mạc kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội đã thông qua nghi quyết kỳ họp.
.
Phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV (Ảnh: Duy Linh).

Chiều 11/1, trước khi bế mạc kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội đã thông qua nghi quyết kỳ họp.

Nghị quyết nêu rõ, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện và ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp kịp thời, khả thi, hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Cụ thể, khẩn trương ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn, kịp thời, phù hợp, có sức lan tỏa lớn, tạo sự đột phá để giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn và tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021 - 2025 cũng như các năm tiếp theo; lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm trong từng quyết sách được ban hành.

Yêu cầu tiếp theo là triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ các thứ tự ưu tiên, cơ chế đặc thù, phân nhóm nội dung cụ thể, có sự tiếp nối, kế thừa, có sức lan tỏa, dễ thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá; trong đó, tập trung các giải pháp về: hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, Nghị quyết nêu rõ vẫn còn những hạn chế nhất định, đã xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương Khẩn trương ban hành, chủ động quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 – 2023) nhằm bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống của Nhân dân trong trạng thái bình thường mới; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa nguồn lực phòng, chống dịch, có các biện pháp thích hợp vào từng thời điểm, huy động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc và điều trị người nhiễm COVID-19;

Cơ quan hành pháp cũng được yêu cầu nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, chú trọng hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao đạo đức công vụ, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Nghị quyết nêu yêu cầu tiếp theo.

Với nghị quyết này, Quốc hội cũng yêu cầu Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm toán định kỳ và khi kết thúc chương trình, dự án đối với việc huy động, sử dụng các nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh; đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp và kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Sửa một số điều của 9 luật, Quốc hội gỡ vướng cho đầu tư, kinh doanh
Trước mắt chỉ làm rõ và phân định các hình thức sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư