Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
“Khẩu vị” nhà đầu tư đang thay đổi
- 13/04/2013 08:41
 
Dòng tiền trên TTCK không còn chảy nhiều vào các mã có tính đầu cơ cao, do động lực từ dòng vốn ngoại và cả lực cầu nội rất vững.
TIN LIÊN QUAN

Ông Vũ Hoàng Hà, Giám đốc VNDirect - Chi nhánh TP. HCM

Gần đây, TTCK có một số phiên giảm mạnh, nhiều NĐT bắt đầu thận trọng trong giao dịch, theo ông, nguyên nhân do đâu?

Thực tế là cơ chế xử lý nợ xấu chưa đi vào thực hiện, trong khi nợ xấu còn cao, nên dù trần lãi suất huy động và các lãi suất điều hành đã giảm thì tác động đối với lãi suất cho vay vẫn là không đáng kể. Các DN đang khó khăn về thanh khoản vẫn có thể tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn mới. Tăng trưởng tín dụng trong quý I chỉ đạt 0,03% trong toàn hệ thống, một con số thấp kỷ lục từ trước tới nay.

Thặng dư thương mại các tháng đầu năm kém bền vững và nhập siêu có thể tăng trở lại do tốc độ hồi phục của nhập khẩu nhanh hơn so với tốc độ hồi phục của xuất khẩu. Cùng với đó, ngành BĐS có thể có sự phục hồi nhất định khi các biện pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng. Điều này ít nhiều gây áp lực lên nỗ lực ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, dư địa cho chính sách kích thích, hỗ trợ có thể không còn nhiều. Dư địa để giảm tiếp trần lãi suất huy động cũng vậy, kể cả khi lạm phát xuống thấp hơn, do lo ngại các dòng vốn có thể chuyển sang USD và vàng.

Vậy đâu là những yếu tố tích cực giúp VN-Index duy trì điểm số và thanh khoản không sụt giảm, theo ông?

Về mặt vĩ mô, đó là chính sách giảm lãi suất tín dụng, thúc đẩy tín dụng sản xuất nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ tín dụng để hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại; đặc biệt là mở rộng đối tượng và điều kiện mua nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) và gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho bất động sản có thể sớm được triển khai. Trong khi đó, về lạm phát, theo đánh giá của chúng tôi, sẽ ổn định ở mức 7 - 8% trong năm 2013. Tỷ giá dự kiến cũng không có nhiều biến động do cán cân thương mại xuất siêu từ tháng 5/2012 đến tháng 2/2013 và dự trữ ngoại hối đang ổn định ở mức 14 tuần nhập khẩu.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tích cực: vốn FII chỉ tính trên sàn HOSE từ đầu tháng 12/2012 đến nay đạt xấp xỉ 5.500 tỷ đồng, với tần suất trung bình 10 phiên thì có 9 phiên mua ròng; lượng vốn FDI đăng ký trong quý I/2013 đạt 6 tỷ USD, trong khi phần vốn thực hiện đạt gần 2,7 tỷ USD. Điều này phản ánh niềm tin của NĐT nước ngoài vào các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ, đồng thời phản ánh xu hướng né tránh đầu tư rủi ro trên thị trường vốn quốc tế đang suy giảm, tìm đến các thị trường biên (frontier market) có nền chính trị ổn định, có tiềm năng tăng trưởng như Việt Nam.

Liệu dòng tiền của khối ngoại có được duy trì trong thời gian tới?

Nếu loại trừ các cổ phiếu có thanh khoản thấp và căn bản yếu, định giá của chứng khoán Việt Nam có thể vẫn còn sức hấp dẫn với NĐT đầu tư ngoại, vốn có khả năng đầu tư dài hạn hơn, kỳ vọng những DN có căn bản tốt sẽ vững vàng vượt qua khủng hoảng và tiếp tục tăng trưởng. Là một thị trường biên, Việt Nam là điểm đến quan trọng cho nhu cầu đa dạng hóa và cải thiện lợi nhuận của các quỹ đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thị trường phát triển và thị trường đang phát triển có dấu hiệu bước vào xu hướng giảm.

Vậy ông đánh giá thị trường từ nay đến cuối năm có cơ hội nào cho NĐT?

Có một thực tế là phần lớn dòng tiền chỉ tập trung vào những mã cổ phiếu có yếu tố cơ bản và thanh khoản tốt, sự phân hóa thể hiện ngày càng rõ nét khi dòng tiền thông minh rời bỏ các cổ phiếu đầu cơ và chảy vào cổ phiếu blue-chip của những công ty duy trì đà tăng trưởng, vượt qua khủng hoảng. Chúng tôi cho rằng, TTCK sẽ tiếp tục chứng kiến sự phân hóa mang tính chất cơ bản này. Do đó, NĐT nên tập trung vào cổ phiếu blue-chip của những DN đầu ngành, cổ phiếu có giá thấp hơn giá trị sổ sách và cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức/thị giá cao hơn lãi suất ngân hàng. Yếu tố cơ bản tốt và tính thanh khoản ổn định của cổ phiếu là những ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Chúng tôi nhận định, triển vọng của các kênh đầu tư thay thế như bất động sản và vàng khó có tiềm năng tăng giá, do đó năm 2013 vẫn là một năm hấp dẫn cho các NĐT chứng khoán.

Thời gian qua, một số cổ phiếu “có tiếng” bị liệt vào diện cảnh báo, hoặc tạm ngừng giao dịch. Việc này có ảnh hưởng đến diễn biến thị trường hay không, theo ông?

Điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực nhất định và ảnh hưởng đến thanh khoản chung của thị trường. Tuy nhiên, cần phải lưu ý là tính chất dòng tiền trong thị trường bây giờ đã khác. Hơn 1 tháng qua, các cổ phiếu đầu cơ tiếp tục lình xình, trong khi nhiều mã blue-chip, midcap (vốn hóa trung bình) có cơ bản tốt vẫn tăng giá, không chỉ do động lực từ dòng tiền ngoại, mà cầu nội cũng rất vững. Đây là sự thay đổi tích cực trong khẩu vị của những NĐT nội. Ở một khía cạnh khác, chúng tôi đánh giá đây là điểm tích cực trong quá trình sàng lọc và làm lành mạnh hóa TTCK.

Ngọc Hà

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư