Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 22 tháng 08 năm 2024,
Khi phương thức giám sát quan trọng được “làm mới” - Bài 2: Chuẩn bị kỹ càng, kết luận rõ ràng
Nguyễn Lê - 22/08/2024 08:51
 
Sự chuẩn bị kỹ càng sẽ quyết định mức độ thành công và những kết luận rõ ràng sẽ là cơ sở quan trọng để giám sát đến cùng vấn đề đã được đặt ra tại phiên giải trình - một phương thức giám sát quan trọng của các cơ quan Quốc hội.

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, là phương thức kiểm soát quyền lực có tính nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Chọn trúng vấn đề cử tri quan tâm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tạo chuyển biến tích cực trong việc giải quyết kịp thời những bức xúc xã hội, hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội sẽ góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Các phiên giải trình luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (khi đó là Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội) phát biểu tại phiên giải trình

Bài 2: Chuẩn bị kỹ càng, kết luận rõ ràng

Sự chuẩn bị kỹ càng sẽ quyết định mức độ thành công và những kết luận rõ ràng sẽ là cơ sở quan trọng để giám sát đến cùng vấn đề đã được đặt ra tại phiên giải trình - một phương thức giám sát quan trọng của các cơ quan Quốc hội.

Nói có sách, mách có chứng

Như đã đề cập ở bài trước, tác hại của thuốc lá thế hệ mới đã được cảnh báo ở nhiều kỳ họp của Quốc hội. Nhưng, chắc cũng không nhiều người tham gia phiên giải trình có dịp nhìn tận mắt, sờ tận tay những sản phẩm độc hại đó.

Hôm ấy, ở vị trí chủ tọa phiên giải trình, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (cơ quan phối hợp tổ chức), đại biểu Tạ Văn Hạ đã đưa ra những sản phẩm thuốc lá điện tử hình cây kem, bánh ngọt, hộp sữa… khá bắt mắt với lứa tuổi học sinh. “Những sản phẩm này không quá đắt tiền, hình thức bắt mắt, mùi hương rất đa dạng, có sản phẩm ghi là dùng được tới 7.000 lần”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư sau đó, Phó chủ nhiệm Tạ Văn Hạ cho biết, quá trình chuẩn bị cho phiên giải trình, ông đã tìm hiểu một số địa chỉ được “quảng cáo” là cung cấp thuốc lá điện tử với số lượng lớn, nhưng “có lẽ mình lớn tuổi, lại ăn mặc như công chức, nên họ kiếm cớ là hết, hoặc lấy lý do này, lý do khác để không bán”. Về sau, ông phải nhờ một số bạn trẻ đang làm công tác xã hội mua giúp các sản phẩm nói trên.

Cho rằng, việc chọn vấn đề để đưa ra giải trình là cực kỳ quan trọng, Phó chủ nhiệm Tạ Văn Hạ cho hay, trước khi tổ chức phiên giải trình, ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tham dự các hội thảo về chủ đề thuốc lá thế hệ mới để thu thập thông tin và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề có liên quan.

“Chúng tôi cũng đi khảo sát nhanh ở một số địa phương, đồng thời có những cuộc điều tra tìm hiểu riêng để có thể làm rõ đó đã phải là vấn đề thực sự bức xúc, thực sự là đáng quan ngại hay chưa. Quan trọng hơn nữa là khi đưa ra những dẫn chứng về bất cập trong quản lý, phải đủ sức thuyết phục”, đại biểu Tạ Văn Hạ trao đổi.

Theo ông, chỉ khi có thông tin từ thực tế, tham khảo thông tin từ các tổ chức quốc tế và đặc biệt là nắm rõ quan điểm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, thì người điều hành mới tự tin dẫn dắt vấn đề.

Đồng quan điểm về việc lựa chọn vấn đề và khâu chuẩn bị quyết định rất lớn đến thành công của phiên giải trình, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan chủ trì tổ chức phiên giải trình), đại biểu Đỗ Thị Lan nhấn mạnh, sự chuẩn bị phải thực sự kỹ càng.

“Không phải chỉ dựa vào thông tin từ các tài liệu có sẵn qua các buổi hội thảo, hay báo cáo của các bộ, mà chúng tôi phải xuống địa phương để khảo sát. Có những chuyến đi, suốt thời gian trên xe ô tô, tôi dành để đọc các văn bản liên quan của các bộ, từ đó phát hiện ra cả những khoảng trống pháp lý và khoảng trống trách nhiệm. Hệ thống những vấn đề đó lại khiến phiên giải trình đi đúng trọng tâm, làm rõ được trách nhiệm, chứ không chỉ nặng về nêu bức xúc thực tế”, bà Lan trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Phó chủ nhiệm Đỗ Thị Lan cũng cho biết, cứ 2 năm, Ủy ban Xã hội của Quốc hội lại thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá và đã nhiều lần kiến nghị phải có giải pháp hạn chế tác hại của thuốc lá thế hệ mới. Nhưng, số người sử dụng sản phẩm độc hại cứ tăng lên, còn phản ứng của cơ quan nhà nước lại quá chậm, nên đại biểu mới nóng lòng “đòi” giải pháp như thế. Có đại biểu đã nói rằng, “không thể thí điểm với chất gây nghiện chết người đó, cấm toàn diện mới là biện pháp phù hợp”.

Nóng lòng, nhưng không nóng vội

Tuy nhiên, cả đại biểu Đỗ Thị Lan và nhiều đại biểu khác đều có quan điểm là, dù nóng lòng giải quyết vấn đề, nhưng cũng không thể nóng vội.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhiều lần thể hiện quan điểm mạnh mẽ là, tác hại của thuốc lá mới là khôn lường, quan điểm nhất quán của Bộ Y tế là “phải cấm, không cần phân tích gì nữa”.

Tháng 8/2024, sẽ yêu cầu các bộ báo cáo việc thực hiện kết luận phiên giải trình.

- Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Kết luận phiên giải trình đã nêu rất cụ thể nhiệm vụ của các bộ có liên quan, có những việc phải hoàn thành trong năm 2024, để tăng cường quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá thế hệ mới. Ủy ban Xã hội của Quốc hội vẫn theo dõi việc thực hiện kết luận, trong tháng 8/2024 sẽ yêu cầu các bộ báo cáo việc triền khai thực hiện các nhiệm vụ đó. Cần thiết thì cơ quan tổ chức giải trình sẽ tiếp tục có các cuộc làm việc với các cơ quan liên quan, tiến hành khảo sát thực tế xem mức độ chuyển biến của vấn đề được đưa ra giải trình đến đâu.

Cấm, tức là hạn chế quyền của công dân. Mà quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, theo quy định tại Hiến pháp. Trong khi đó, theo lời Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế mới chỉ “đang xây dựng kế hoạch sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá”.

Vì thế, trước mắt, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

Thế nhưng, Quốc hội chưa ban hành nghị quyết này ở Kỳ họp thứ bảy vừa qua. Bởi, có thể cần thiết phải cấm lưu hành thuốc lá thế hệ mới, nhưng cấm như thế nào để không hạn chế quyền của người dân và doanh nghiệp, là câu hỏi cần có câu trả lời thỏa đáng.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, có một số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện các hoạt động sản xuất gia công, lắp ráp các bộ phận của thuốc lá điện tử, như lõi đốt ở đầu thuốc lá điện tử, mô-đun đốt nóng (sản phẩm đơn thuần chỉ là thiết bị điện tử không có dung dịch thuốc, không chứa thuốc lá điếu), sau đó xuất khẩu toàn bộ sản phẩm ra nước ngoài, không tiêu thụ, sử dụng hay lưu thông tại thị trường Việt Nam. Các dự án này được thành lập từ năm 2014 do nhà đầu tư nước ngoài nắm 100% vốn, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Theo quy định tại Điều 5 và Điều 42 của Luật Đầu tư, thì “nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề mà luật này không cấm”… Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp cơ quan hải quan không giải quyết thủ tục nhập khẩu linh kiện điện tử để gia công sản xuất sản phẩm suất khẩu là thiết bị sử dụng trong thuốc lá điện tử sẽ dẫn tới tình trạng bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quan hệ đối tác với nhà đầu tư nước ngoài và tác động trực tiếp tới nguồn nhân công trong nước

Ngay ở phiên giải trình, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đặt vấn đề, nếu hai loại thuốc lá điện tử và nung nóng cũng thuộc định nghĩa tại Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, thì đó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà Luật Đầu tư đã quy định. Còn nếu xác định hai sản phẩm đó không phải là thuốc lá, thì nếu muốn cấm, phải sửa Điều 6, Luật Đầu tư (về ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh).

Ông Nghĩa băn khoăn: “Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, vậy ở đây quyền này được đảm bảo thế nào?”.

“Cấm hay không thì thuộc thẩm quyền của bộ chuyên ngành, nhưng nếu cấm thì liên quan đến hạn chế quyền công dân, nên phải quy định bằng luật”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu quan điểm.

Lý giải việc Quốc hội chưa thể ra quyết định “cấm”, cả đại biểu Tạ Văn Hạ và đại biểu Đỗ Thị Lan đều cho rằng, phải có đủ cơ sở mới đưa ra quyết định cấm hay không cấm.

“Tác hại của thuốc lá điện tử thì rõ rồi, nhưng với thuốc lá nung nóng thì có thông tin là tác hại ít hơn thuốc lá truyền thống. Vậy nếu cấm sản xuất thuốc lá nung nóng, phải chăng đã hạn chế quyền tiếp cận sản phẩm ít độc hại hơn của hàng triệu người đang hút thuốc lá truyền thống?”, Phó chủ nhiệm Tạ Văn Hạ nêu vấn đề mà theo ông, cần phải đánh giá tác động kỹ càng hơn nữa.

Cân nhắc nhiều chiều, tại kết luận phiên giải trình, Ủy ban Xã hội của Quốc hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024, chỉ đạo khảo sát, rà soát, đánh giá toàn diện tác hại của thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng, làm cơ sở để thống nhất quan điểm quản lý nhà nước. Từ đó, chỉ đạo xây dựng và ban hành văn bản pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ, có giải pháp đồng bộ đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong phạm vi cả nước.

Kiến nghị tiếp theo dành cho Chính phủ là sớm có kế hoạch sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2025, nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong trường hợp cần thiết, nghiên cứu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

            (Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư