Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khởi công Cảng ICD thông quan hàng hóa lớn nhất Hà Nội
Ngọc Nguyễn - 17/05/2016 09:00
 
Cảng ICD Cổ Bi giai đoạn I có quy mô 19,2 ha được xây dựng tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm được đưa vào sử dụng từ quý IV/2017. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Hanel và Công ty TNHH Tháp Láng Hạ.
Các đại biểu bấm nút khởi công Dự án
Các đại biểu bấm nút khởi công dự án Cảng ICD Cổ Bi giai đoạn I

Công ty TNHH Một thành viên Hanel và Công ty TNHH Tháp Láng Hạ đã chính thức khỏi công Dự án Cảng cạn thông quan nội địa Cổ Bi vào ngày 15/5, đánh dấu sự tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ tập kết và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại Hà Nội.

Cảng cạn ICD (Inland Container Depot – điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nằm trong nội địa) Cổ Bi được đầu tư với số vốn cho giai đoạn I là 781 tỷ đồng. Đến quý IV/2017, Cảng cạn ICD Cổ Bi rộng 19,2ha bắt đầu được đưa vài vận hành và giai đoạn II hoàn thành việc mở rộng vào quý IV/2020. Cảng này là một trong 4 cảng cạn của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519 ngày 31/3/2016 phê duyệt Quy hoạch GTVT thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Cảng cạn ICD Cổ Bi được khởi công xây dựng đầu tiên trong số 4 cảng được quy hoạch (Cảng ICD Cổ Bi), ICD Đông Anh, ICD Đức Thượng, ICD kết hợp với cảng tổng hợp gồm: ICD Khuyến Lương, Hồng Vân, Phù Đổng).

Theo thiết kế, Cảng cạn ICD Cổ Bi được phân chia thành các khu chức năng của trung tâm tiếp nhận,bảo quản hàng hóa và đảm bảo khu vực làm việc, thiết bị kiểm tra cho cơ quan Hải quan. Các dịch vụ chính của cảng cạn bao gồm điểm thông quan hàng hóa nội địa, bãi chứa container có hàng, container rỗng và container hàng lạnh, dịch vụ bốc dỡ container, vận chuyển hàng dự án, hàng siêu trường, siêu trọng, làm thủ tục hải quan, làm kho ngoại quan… Từ quý IV/2017, Cảng cạn ICD Cổ Bi sẽ trở thành khu vực tập trung luồng hàng hóa xuất, nhập khẩu của các tỉnh phía Bắc và thông quan hàng hóa trước khi chuyển đến các cảng biển, cửa khẩu quốc tế.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung: "Dự án cảng cạn ICD Cổ Bi có khả năng đón đầu, tiếp nhận nhu cầu trung chuyển cho hàng hóa quá cảnh qua Việt Nam đối với hai tuyến hành lang vận tải xuyên Á. Đồng thời còn là điều kiện tốt để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan trên địa bàn thành phố, hỗ trợ, tối đa doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp cho toàn Vùng Thủ đô".

"Cảng cạn ICD Cổ Bi được xây dựng để cung cấp các dịch vụ tốt về kho vận, dịch vụ phụ  trợ,  logistics, dịch vụ lưu kho, lưu kho đông lạnh, thủ tục hải quan và phân phối hàng hóa cho các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, công nghiệp phía đông Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận”. ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng giám đốc Hanel cho biết. Ông Nguyễn Quốc Bình cũng cho biết thêm, dự án cảng thông quan hàng hóa nội Cổ Bi nằm trong chiến lược đầu tư phát triển của Hanel và Công ty TNHH Tháp Hà Nội, đáp ứng xu thế phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu của Thủ đô và khu vực phía Bắc.

Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Hanel Nguyễn Quốc Bình cho biết, Cảng cạn ICD Cổ Bi sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc
Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Hanel Nguyễn Quốc Bình cho biết, Cảng cạn ICD Cổ Bi sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc

Cảng cạn Cổ Bi với vị trí tọa lạc trong khu vực tiếp giáp QL1, 5B và vành đai III của Hà Nội trở thành nơi “cái rốn” tiếp nhận hàng hóa từ các tuyến hành lang vận tải quan trọng của phía Bắc trước khi được vận chuyển ra các cảng biển, cửa khẩu quốc tế. Với vị trí xây dựng nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt, Cảng cạn ICD Cổ Bi đủ khả năng đáp ứng cho hoạt động trung chuyển, thông quan hàng hóa của các khu kinh tế, công nghiệp nằm Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (gồm 7 tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Bắc Giang) và thuận lợi cho các khu công nghiệp, chế xuất trong vùng tam giác châu thổ sông Hồng. 

Theo thiết kế, khả năng thông quan hàng hóa tại Cảng cạn ICD Cổ Bi trong giai đoạn I vào cuối năm 2017 là 380 nghìn TEUs/năm (1 TEU tương đương 1 công-ten-nơ tiêu chuẩn 20 feet). Trong giai đoạn 2, tổng mức đầu tư (dự kiến) hơn 1.782 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2021. Sau khi giai đoạn 2 hoàn thành, lượng hàng hóa thông quan có khả năng lớn gấp hai lần giai đoạn I, tương đương  760 nghìn TEUs/năm

Mục tiêu của Cảng cạn ICD Cổ Bi là cung ứng dịch vụ điểm thông quan cho toàn bộ luồng hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực phía Bắc được trung chuyển qua Thủ đô Hà Nội trươc khi đi/đến các cảng biển, cửa khẩu quốc tế tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Đồng thời, cũng là điểm thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu của các khu kinh tế, công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố nằm trong Vùng Thủ đô đã được phê duyệt quy hoạch.

Sự ra đời của Cảng cạn ICD Cổ Bi giúp giải quyết ùn tắc hàng hóa tại Cảng ICD Phú Thụy (quận Long Biên) hiện nay đang quá tải, bởi có diện tích chưa đến 1ha. Và với vị thế quy mô lớn nhất Thủ đô, Cảng cạn ICD Cổ Bi hoàn toàn đáp ứng các nhu cầu thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ logistics công nghệ cao của các khách hàng trong và ngoài nước, đón đầu xu hướng sản xuất XNK  không cần kho bãi của nền công nghiệp hiện đại trên thế giới ngày nay. Xu hướng của nền sản xuất hiện đại trên thế giới là nhà sản xuất ủy hàng việc tập kết, lưu giữ và làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa cho bên thứ hai - các cảng nội địa, cảng cạn ICD, như một mắt xích trong hệ thống sản xuất, phân phối hàng hóa của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Cẩn nhậm chức Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
Ngày 15/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã trao Quyết định nghỉ chế độ đối với Tổng cục trưởng Tổng cục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư