Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khởi công công trình Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng
Thanh Hương - 10/01/2021 15:37
 
Có quy mô 2 tổ máy với tổng công suất 480 MW, công trình Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình với tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng sẽ hoàn thành toàn bộ công trình vào quý IV/2024.

Công trình Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 389/TTg - CN ngày 11/4/2018, là công trình cấp đặc biệt, được xây dựng trên dòng chính sông Đà trong địa phận TP. Hòa Bình.
Công trình có tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng, quy mô gồm 02 tổ máy với tổng công suất 480 MW. Tuyến năng lượng gồm kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước và Nhà máy. Các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn sử dụng chung với công trình hiện hữu. Khi đi vào vận hành, Dự án bổ sung thêm hàng năm khoảng 488 triệu kWh điện cho hệ thống.

Công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước sông Đà, khai thác tối đa lượng nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của công trình hiện hữu, tăng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện, tăng độ an toàn, ổn định và hiệu quả vận hành cho Hệ thống điện quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nguồn điện NLTT (mặt trời và  gió) đã chiếm tỉ trọng rất cao trong hệ thống điện như hiện nay.

Cách đây 41 năm, vào năm 1979, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã được khởi công. Công trình Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình có công suất 1.920 MW ngoài nhiệm vụ chính là nguồn cung cấp điện chủ lực cho hệ thống điện Quốc gia còn có nhiệm vụ chống lũ cho Hà Nội và vùng hạ du, đảm bảo lưu lượng nước tưới phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt cho đồng bằng Bắc Bộ.
Quyết định xây dựng Công trình thủy điện Hòa Bình ngày ấy là một quyết định lịch sử của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh khó khăn bộn bề sau ngày thống nhất đất nước.
Sau 15 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành đưa vào vận hành, đánh dấu thành công lớn đầu tiên của những người xây dựng thủy điện trong việc chinh phục và biến dòng sông Đà hung dữ trở thành nguồn năng lượng chủ lực của Quốc gia, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước những năm cuối thế kỷ trước và nhiều năm về sau.

Trong thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - chủ đầu tư dự án đã khẩn trương làm việc với các cơ quan liên quan triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư để đủ điều kiện khởi công công trình.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chấp thuận và HĐTV EVN đã có Quyết định đầu tư Dự án; Bộ Công Thương đã thông qua kết quả thẩm định Thiết kế kỹ thuật và Dự toán xây dựng công trình và EVN đã phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục khởi công.
Mặt bằng các hạng mục liên quan khởi công gồm khu vực hố móng Nhà máy, cửa nhận nước, bãi thải, khu phụ trợ, lán trại đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao cho chủ đầu tư.
Hệ thống đường giao thông phục vụ thi công đã được EVN đầu tư nâng cấp đáp ứng yêu cầu triển khai công trình.
EVN đã cơ bản hoàn thành công tác thu xếp vốn với nguồn vốn tự có (30%), vốn vay thương mại (70%), trong đó vay trong nước 4.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Vietcombank và vay nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ 70 triệu EUR từ Cơ quan Phát triển Pháp (AfD).
EVN đã tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp chính của Dự án theo đúng quy định và đã ký hợp đồng với Liên danh các nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần xây dựng 47 và Công ty cổ phần Lilama 10. Đây đều là những đơn vị thi công có kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công thủy điện.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho hay, với mục tiêu phải đảm bảo cung cấp đủ điện, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống của người dân, EVN sẽ luôn nỗ lực để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình nguồn lưới điện được giao đảm bảo tiến độ và chất lượng, kịp thời bổ sung năng lực cung cấp điện cho đất nước.

Những thành tựu nổi bật của EVN trong giai đoạn 2010 – 2020
EVN luôn nỗ lực đầu tư mở rộng mạng lưới, tăng công suất, đảm bảo cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư