Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Không được đơn phương thăm dò, khai thác dầu khí tại khu vực chồng lấn ngoài Vịnh Bắc Bộ
Thanh Huyền - 03/03/2016 17:55
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trả lời các vấn đề về tranh chấp ở Biển Đông tại buổi họp báo thường kỳ Bộ ngoại giao chiều nay (3/3).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình (Ảnh: K.T)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình (Ảnh: K.T)

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vừa diễn ra chiều nay (3/3), phóng viên tham dự họp báo nêu, liên quan đến những động thái gây hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn đã nhiều lần nhấn mạnh vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Ngoại giao đã nhiều lần lên tiếng phản đối qua các kênh ngoại giao thậm chí gửi Công hàm tới Liên hợp quốc nhưng phía Trung Quốc vẫn phớt lờ. Phóng viên này đặt câu hỏi, Bộ Ngoại giao có tính đến các biện pháp mạnh mẽ hơn như kiện ra Tòa trọng tài quốc tế như Philippines đã làm?

Về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, là quốc gia trực tiếp liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết tất cả các tranh chấp bằng các pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982.

"Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc", ông Bình khẳng định và cho biết, lập trường nhất quán nêu trên của Việt Nam đã góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cũng thông tin thêm, về thông tin Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã mời các doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu các lô dầu khí ở Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải vào tuần trước, hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu kỹ nội dung, thông báo mời thầu mà Trung Quốc công bố.

"Tuy nhiên, lập trường nhất quán của Việt Nam là tại khu vực mà hai nước đang đàm phán phân định có sự chồng lấn ngoài Vịnh Bắc Bộ, theo luật pháp và quy ước quốc tế, không một bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí", Người phát ngôn nêu rõ.

"Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp.

Các bên liên quan cần có những hành động, lời nó thiết thực để đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Lãnh đạo doanh nghiệp ASEAN-Hoa Kỳ: Mất ngủ vì căng thẳng Biển Đông
Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang thảo luận về nội dung Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư