Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 14 tháng 11 năm 2024,
Không nhất thiết phải thay đổi lãi suất điều hành
Mạnh Bôn - 03/10/2024 08:26
 
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất USD tới 50 điểm cơ bản sẽ tạo “hiệu ứng domino” cắt giảm lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, mặt bằng lãi suất điều hành hiện nay phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước, nên không nhất thiết phải thay đổi lãi suất điều hành.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế.

Fed vừa quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sau 4 năm, lãi suất tham chiếu giảm 50 điểm cơ bản, về 4,75 - 5%. Theo ông, Việt Nam còn dư địa để hạ lãi suất điều hành?

Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành liên tục trong năm 2023. Chúng ta đã đi trước, đón đầu. Việc điều hành lãi suất của Việt Nam thời gian qua được nhiều chuyên gia kinh tế nói vui là “ngược đường, ngược nắng”, nhưng theo tôi rất phù hợp với bối cảnh sản xuất, kinh doanh của nước ta trong năm 2023, đặc biệt là 9 tháng đầu năm, khi nền kinh tế gặp nhiều bất lợi.

Theo Quyết định 1123/QĐ-NHNN (ngày 16/6/2023), lãi suất tái cấp vốn được ấn định 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng là 5%/năm. Tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất điều hành phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước, nên không nhất thiết phải thay đổi lãi suất điều hành, vì thực tế lãi suất điều hành đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ông có thể phân tích thêm về sự phù hợp?

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát tháng 8/2024 tăng 1,89% so với cuối năm 2023 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát bình quân 8 tháng tăng 4,04%. Tháng 9 và 3 tháng cuối năm, lạm phát sẽ tăng, do tác động tiêu cực từ bão Yagi và xu hướng chung cuối năm, vì thế rất khó để giảm lãi suất điều hành.

Thông thường, vào quý IV, các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng lãi suất để tăng huy động tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Để cấp vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có thể tăng lãi suất huy động, nhưng không được tăng lãi suất cho vay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các gói tín dụng hỗ trợ, ưu đãi người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão Yagi.

Tôi cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ hiện nay phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô, lạm phát và sức chịu đựng của các tổ chức tín dụng.

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất trước và ngay sau khi Fed giảm lãi suất. Trong khu vực, Indonesia cũng đã giảm lãi suất để duy trì tỷ giá. Việc Việt Nam không giảm lãi suất liệu có dẫn tới bất lợi trong cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào Mỹ, thưa ông?

Việt Nam đã đi trước, đón đầu, chứ không đợi đến khi Fed giảm lãi suất mới chạy theo. Bài toán của Việt Nam bây giờ là tỷ giá tác động thế nào đối với hoạt động ngoại thương. Tỷ giá VND/USD giảm trong thời gian gần đây sau khi tăng mạnh vào những tháng đầu năm. Bình quân 8 tháng năm 2024, giá USD tăng 5,85%, là mức trượt giá khá thấp so với các đồng nội tệ khác trên thế giới.

Tất nhiên, khi không còn dư địa giảm tiếp lãi suất, thì cũng có những điểm không thuận lợi trong xuất khẩu, nhưng sự bất lợi này không lớn. Việt Nam nhập nguyên, nhiên, vật liệu bằng USD về để sản xuất và lại xuất khẩu thành phẩm bằng USD. Tính đến nửa đầu tháng 9, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 279,38 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu 261,34 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023, nên sự biến động của USD tác động không lớn đến xuất khẩu.

Loại trừ hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản, thì kim ngạch xuất khẩu chủ yếu do đóng góp của doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI xuất khẩu thành phẩm sau khi đã nhập khẩu nguyên vật liệu, vì vậy, sự biến động tăng hay giảm của tỷ giá không ảnh hưởng nhiều.

Nhưng rõ ràng, so với các nước còn dư địa hạ lãi suất, thì sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng bị giảm khi không hạ lãi suất?

Fed hạ lãi suất, các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu được hưởng lợi, vì đồng nội tệ rẻ hơn so với USD khi họ cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn. Tuy nhiên, Việt Nam không còn dư địa.

Nhưng, đó là trên lý thuyết, còn trên thực tế, Fed giảm lãi suất sẽ kích cầu đầu tư, tiêu dùng, theo đó, thị trường Mỹ tăng nhu cầu tiêu dùng và Việt Nam cũng được hưởng lợi, vì là một trong những nước xuất khẩu lớn vào Mỹ.

Theo ông, Fed hạ lãi suất ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Chúng tôi đánh giá sơ bộ và thấy rằng, có 4 tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Thứ nhất, Fed giảm lãi suất sẽ kích cầu đầu tư, tiêu dùng và du lịch toàn cầu, nhất là vào Mỹ. Theo đó, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ toàn thế giới tăng lên. Việt Nam là nước có kim ngạch ngoại thương lớn, nên đây là cơ hội tốt để tăng thu hút đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ hai, Fed giảm lãi suất sẽ tạo ra hiệu ứng domino, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ hạ lãi suất. Đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam ổn định tỷ giá đồng nội tệ với các ngoại tệ khác, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại ổn định mặt bằng lãi suất những tháng cuối năm.

Thứ ba, Fed hạ lãi suất khiến độ chênh lệch lãi suất giữa USD và VND được thu hẹp, nên giảm bớt áp lực tỷ giá, qua đó, giảm áp lực lên lạm phát, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ tư, Fed hạ lãi suất sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp. Qua đó, triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán sẽ tăng lên, nhờ dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn, đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổi chiều, mua ròng thay vì bán ròng, qua đó kéo thị trường chứng khoán phát triển.          

Lãi suất điều hành chưa “có cửa” giảm thêm
Nền kinh tế mới vừa hồi phục nhưng sức mua còn yếu, cầu tiêu dùng chưa bứt tốc, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, khả năng xuất khẩu suy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư