Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Khung pháp lý cho sandbox để ngăn việc “xé rào”
Hữu Tuấn - 25/06/2019 10:23
 
Tại Việt Nam, tuy kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước, nhưng một số doanh nghiệp nền tảng đang liên tục mở rộng về quy mô, hoạt động, lĩnh vực kinh doanh, đặt ra nhiều bài toán về quản lý và hành lang pháp lý.
Đang xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới như thanh toán qua ứng dụng di động.
Đang xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới như thanh toán qua ứng dụng di động.

Xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh chưa có tiền lệ

Ngày 24/6, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” tập trung thảo luận nhiều vấn đề về khung pháp lý trong hoạt động của nhiều mô hình kinh tế mới.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh, thời gian qua, trên thị trường Việt Nam xuất hiện những siêu ứng dụng taxi công nghệ, nhưng lại mở rộng một cách chóng mặt sang các lĩnh vực khác như giao hàng nhanh, ẩm thực, bất động sản, trung gian thanh toán, cho vay tín dụng, cổng thông tin giải trí… mà điển hình là Grab. Ngoài ra, một số loại hình kinh tế chia sẻ khác cũng đã bước đầu hiện diện ở Việt Nam như dịch vụ lưu trú (Airbnb, Luxstay), cho vay ngang hàng, chia sẻ không gian làm việc…

Ở khía cạnh tích cực, kinh tế chia sẻ giúp thị trường cạnh tranh hơn, loại hình dịch vụ đa dạng hơn và tạo ra áp lực lớn, buộc các doanh nghiệp truyền thống phải đổi mới, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Kinh tế chia sẻ cũng mở ra những cơ hội đầu tư mới cho người dân.

Tuy nhiên, do hình thức quá mới, nhìn chung hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, kinh doanh của Việt Nam chưa có quy định liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ.

Khá nhiều giải pháp đã được đưa ra cho việc cải tiến hành lang pháp lý liên quan tới mô hình kinh tế chia sẻ. Có 2 luồng quan điểm chính:

Một là, cởi mở và đề xuất cởi trói mạnh mẽ cho các mô hình kinh doanh mới, coi đó là “biểu hiện rõ ràng nhất” của cách mạng công nghiệp 4.0.

Hai là, mở nhưng phải đảm bảo nguyên tắc căn bản, nền tảng của quản lý nhà nước, đó là đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp tham gia cuộc chơi, dù là trong nước hay nước ngoài, truyền thống hay nền tảng; đảm bảo sự hài hòa lợi ích của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp.

Gần đây, thuật ngữ sandbox đang được nhắc tới nhiều như là “lời giải” cho cuộc cách mạng 4.0 và các bài toán đặt ra.

Cho phép thí điểm, nhưng cần thận trọng

Tuy sandbox có thể giúp thúc đẩy sáng tạo và gỡ khó phần nào cho các nhà hoạch định chính sách, song do cách tiếp cận thí điểm này rất mới, nên tác dụng và hiệu quả của nó cũng chưa được chứng thực, phụ thuộc nhiều vào môi trường pháp lý và khung thể chế của từng quốc gia.

Theo khuyến nghị của Liên hợp quốc, các chính phủ cần “cân nhắc thận trọng” khi lựa chọn các công nghệ, dịch vụ cho phép sandbox. Ngoài việc dự đoán trước tiềm năng thành công của dịch vụ đó, các nhà quản lý còn cần “xác định rõ mục tiêu cần đạt được và những thách thức sẽ phát sinh” trong quá trình thí điểm. Họ cũng phải dành nguồn lực đáng kể cho việc giám sát các doanh nghiệp triển khai thí điểm để đảm bảo không có tình trạng “xé rào”, vượt rào xảy ra.

Căn cứ trên những khuyến nghị, thì một điểm có thể thấy rõ là để sandbox có thể phát huy được hiệu quả cao nhất, nhưng vẫn giảm thiểu những rủi ro luôn đi kèm với mô hình thí điểm, thì chúng ta rất cần xây dựng được một bộ quy định hoàn thiện, một bộ khung hoàn thiện về sandbox trước đó.

Bộ quy định này cần giải đáp được những vấn đề then chốt nhất của sandbox như tiêu chí nào để một doanh nghiệp, sản phẩm, công nghệ được tham gia thí điểm, số lượng doanh nghiệp được tham gia thí điểm tối đa và tối thiểu; phạm vi và thời hạn thí điểm tối đa, tránh tình trạng có những doanh nghiệp được thí điểm tới 2 năm, mà với tốc độ phát triển vũ bão của công nghệ hiện nay thì 2 năm là quá đủ để phá nát các quy hoạch và tạo ra những hệ lụy.

Đặc biệt, điều quan trọng là Bộ khung pháp lý sandbox cần xác định rõ những lĩnh vực, ngành nghề nào được phép thí điểm, bởi một số lĩnh vực nếu cho phép sandbox sẽ tạo ra rủi ro cao về an ninh chính trị, an ninh tiền tệ, an ninh dữ liệu, điều tiết kinh tế vĩ mô như ngân hàng, thanh toán, tín dụng, năng lượng, báo chí thông tin…

Việc sớm có một khuôn khổ, một quy chuẩn cho sandbox là rất cần thiết, để tránh nguy cơ phát sinh các vấn đề vượt tầm kiểm soát, khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong việc xử lý. Cơ quan quản lý nhà nước cần có tầm nhìn xa, lường trước những rủi ro và hệ lụy có thể nảy sinh từ sandbox, từ đó chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và những phương án cần thiết một cách chủ động. Điều này đặc biệt cần thiết ở những lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, tiền tệ...

Theo tài liệu của Tổ tư vấn đặc biệt về tín dụng toàn diện cho Tổng thư ký Liên hợp quốc (UNSGSA), regulatory sandbox, thuật ngữ đầy đủ của sandbox, là khung thể chế thí điểm cho phép một số ít doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm dưới sự giám sát của các nhà quản lý. Các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có thể chạy thử “theo một bộ nguyên tắc cụ thể, tuân thủ những yêu cầu giám sát cụ thể và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp”.
Kinh tế chia sẻ: Mới mẻ nhưng không cấm
Dù trong thực tế quản lý, nhiều Bộ, ngành vẫn còn khá lúng túng, thậm chí khá thận trọng khi xây dựng những quyết sách liên quan đến các mô hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư