Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kỳ vọng xuất khẩu máy tính vượt mốc 20 tỷ USD
Minh Nhung - 04/03/2017 10:01
 
Năm 2017, kỳ vọng sẽ có thêm một mặt hàng nữa là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vượt qua mốc 20 tỷ USD.
.
.

Từ năm 2000 trở về trước, ít ai nghĩ Việt Nam có thể xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch hàng tỷ USD. Năm 2004, lần đầu tiên mặt hàng này vượt qua mốc 1 tỷ USD, năm 2015 đã vượt qua mốc 15,6 tỷ USD và năm 2016 đã đạt xấp xỉ 19 tỷ USD.

So với năm 2000 thì năm 2016, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn gấp 24 lần, bình quân tăng gần 22%/năm - cao hơn nhiều so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong cùng thời gian.

Tháng 1/2017, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 18,7%, cao hơn tốc độ tăng 5,7% của tổng số. Tính từ đầu năm đến ngày 15/2 đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 40,4% - cao hơn nhiều tốc độ tăng 18,5% của tổng số. Nếu những tháng còn lại của năm 2017 duy trì được tốc độ tăng như thời gian qua, thì cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sẽ vượt qua mốc 20 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 22,5 tỷ USD, nằm trong 3 mặt hàng có kim ngạch vượt qua mốc 20 tỷ USD.

Mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam có mặt tại 35 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, năm 2016 có 26 thị trường đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 5 thị trường đạt trên 1 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất với 4,06 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 2 với gần 2,9 tỷ USD, chiếm gần 15,3% tổng số. Hà Lan đạt trên 1,75 tỷ USD, chiếm 9,3%. Hồng Công đạt gần 1,57 tỷ USD, chiếm 8,3%. Hàn Quốc đạt gần 1,26 tỷ USD, chiếm trên 6,6%.

Chỉ với 5 thị trường này đã đạt 11,54 tỷ USD, chiếm gần 60,9% tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam.

Việc gia tăng tốc độ và đạt quy mô lớn của kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kim ngạch xuất khẩu theo hướng tích cực (tỷ trọng hàng chế biến, hàng có kỹ thuật - công nghệ cao tăng lên, tỷ trọng hàng nguyên liệu thô, nông sản chưa qua chế biến giảm xuống).

Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử ở 25 thị trường, lớn nhất là Hàn Quốc (trên 8,67 tỷ USD), Trung Quốc (5,92 tỷ USD), Đài Loan (3,16 tỷ USD), Nhật Bản (2,81 tỷ USD), Hoa Kỳ (2,24 tỷ USD).

Tuy nhiên, về xuất/nhập khẩu mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện hiện cũng có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Về cơ cấu loại hình kinh tế, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối (97,5%) tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trên. Khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Nhập khẩu nhóm mặt hàng trên tăng cao và lớn hơn kim ngạch xuất khẩu (năm 2010 là 5,27 tỷ USD, năm 2015 là 23,12 tỷ USD, năm 2016 là 29,56 tỷ USD). Nhập siêu tính riêng cho mặt hàng trên ở mức rất cao và tăng lên (năm 2010 là 1,68 tỷ USD, năm 2015 là 7,51 tỷ USD, năm 2016 là 10,6 tỷ USD). Đây là hậu quả của việc chậm phát triển công nghiệp hỗ trợ, tính lan tỏa của đầu tư nước ngoài đối với khu vực kinh tế trong nước còn yếu.

Mục tiêu thu 18 tỷ USD từ xuất khẩu da giày, túi xách: Đường đi còn khúc khuỷu
Tăng trưởng xuất khẩu ở mức một chữ số của ngành da giày trong năm 2016 tiếp tục là phép thử để hoàn thành chỉ tiêu 18 tỷ USD cho xuất khẩu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư