Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lâm Đồng “điểm mặt” loạt vụ vi phạm hồ thủy lợi Báo Đầu tư vừa phản ánh
Linh Đan - 22/08/2022 17:38
 
Các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc xử lý dứt điểm các hành vi, vi phạm, lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi, hành lang bảo vệ đập, hồ chứa, công trình thủy lợi.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa cho hay, theo báo cáo ngày 8/8/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua còn nhiều trường hợp vi phạm hành lang công trình thủy lợi nổi cộm, chưa được xử lý dứt điểm, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, san gạt, đổ đất lấp hồ, công trình thủy lợi chưa được xử lý, ngăn chặn triệt để, điển hình như việc vi phạm ở hồ P’róh (huyện Đơn Dương); hồ Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm); hồ Đạ Hàm (huyện Đạ Tẻh); các hồ Bồng Lai, Đa Me (huyện Đức Trọng); các hoạt động du lịch của Công ty TNHH LiMi trên mặt hồ Xuân Hương (TP. Đà Lạt).

Trong đó, hồ P’róh; hồ Lộc Thắng; hồ Đạ Hàm; các hoạt động du lịch của Công ty TNHH LiMi trên mặt hồ Xuân Hương là những vị trí diễn ra các hành vi vi phạm mà Báo Đầu tư đã phản ánh trong thời gian qua.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi, vi phạm, lấn chiếm, san gạt đất, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi, hành lang bảo vệ đập, hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn và theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng thời, chính quyền các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc có trách nhiệm tuyên truyền, vận động và yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

“Trường hợp các tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành thì tiến hành tổ chức cưỡng chế theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật; rà soát các hợp đồng đã ký chưa phù hợp khi cho thuê dịch vụ thủy lợi, trường hợp đồng không đúng quy định của pháp luật thì thu hồi”, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh, chính quyền các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện kịp thời để xử lý ngay từ cơ sở các trường hợp vi phạm; chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách huyện, thành phố, nguồn được phân cấp để triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định; định kỳ trước ngày 20 của tháng cuối quý, gửi báo cáo tình hình, tiến độ và kết quả xử lý trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi và tổng hợp.

Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác công trình thủy lợi Lâm Đồng xây dựng chương trình, kế hoạch phân công và giao nhiệm vụ cụ thể để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý vận hành, quản lý hành lang bảo vệ đập, hồ chứa, công trình thủy lợi theo phân cấp; phối hợp với chính quyền địa phương sở tại kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ cơ sở các trường hợp vi phạm theo quy định; có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, rà soát các hoạt động trong hành lang, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hoạt động vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, hoạt động trái phép, không phép theo quy định, không đảm bảo quy định; kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, giám sát, tổng hợp, báo cáo tình hình vi phạm và xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vụ vi phạm nghiêm trọng; định kỳ hàng quý, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30 của tháng cuối quý.

Lâm Đồng: Doanh nghiệp đề xuất dự án thủy điện ở khu vực có 98 ha rừng tự nhiên
Công ty Hưng Hải đề xuất Dự án Thuỷ điện tích năng Đạ Tẻh 2, nhưng khu vực nghiên cứu có đến 98,06 ha rừng tự nhiên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư