Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Lạm phát 9 tháng năm 2021 tăng thấp nhất kể từ năm 2016
Nhã Nam - 29/09/2021 11:49
 
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, khiến CPI bình quân 9 tháng chỉ còn tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.


Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước.

Dễ hiểu vì sao CPI tháng này giảm sâu như vậy. Giãn cách xã hội vẫn được áp dụng trên diện rộng; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm. Thêm nữa, ngay cả giá điện cũng được giảm, để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Với mức giảm của CPI tháng 9/2021 thì 9 tháng, CPI bình quân tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 9 tháng các năm từ 2016 trở lại đây lần lượt tăng 2,07%; 3,79%; 3,57%; 2,5%; 3,85%; và tăng 1,82%.

Sau 9 tháng, lạm phát tăng thấp như vậy nên khả năng đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là hoàn toàn có thể.

Trở lại với diễn biến CPI tháng 9/2021, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 5 nhóm giảm giá so với tháng trước, 6 nhóm tăng giá.

Trong 5 nhóm hàng giảm giá, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,99%, làm CPI chung giảm 0,37 điểm phần trăm. Nhóm này giảm mạnh như vậy chủ yếu do giá tiền thuê nhà giảm để hỗ trợ người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Cùng với đó, giá điện giảm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và thời tiết sang thu nên nhu cầu tiêu dùng điện, nước sinh hoạt giảm so với tháng trước cũng đã góp phần làm CPI nhóm hàng này giảm.

Trong khi đó, trái với lệ thường, dù là tháng bắt đầu năm học mới, nhưng CPI Nhóm giáo dục trong tháng 9/2021 lại giảm 2,89% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,18 điểm phần trăm. Việc một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022 đã giúp CPI nhóm này giảm.

Các nhóm còn lại, thì Nhóm giao thông giảm 0,16%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16%; Nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,06%.

Ngược lại, Nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 9/2021 có mức tăng khá cao so với tháng trước, với 0,17%, chủ yếu do giá thuốc lá tăng khi chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung hạn chế.

Trong khi đó, Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,03%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,11%.

Các nhóm hàng khác có mức giá tháng Chín tăng không đáng kể so với tháng trước, là Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,02%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,01%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,02%).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 0,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, Chỉ số giá vàng tháng 9/2021 giữ ổn định so với tháng trước; giảm 1,64% so với tháng 12/2020 và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Còn Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2021 giảm 0,48% so với tháng trước; giảm 1,14% so với tháng 12/2020 và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài.

CPI tăng thấp, nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi không nhiều
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,64% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 (năm tính CPI bình quân).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư