Thứ Năm, Ngày 08 tháng 05 năm 2025,
Làn sóng tiếp theo của công nghệ di động
Ngành công nghiệp di động đang đứng trước cơ hội có một không hai để tạo nên một cuộc thay đổi mang tính chuyển đổi.
.
Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam.

Năm 2023, công nghệ và dịch vụ di động đã đóng góp 5,4% vào GDP toàn cầu. Hơn 95% dân số thế giới hiện sống trong vùng phủ sóng của mạng băng rộng di động và hầu hết đang truy cập Internet thông qua thiết bị di động.

Di động là một trong những công nghệ phát triển nhanh nhất lịch sử và 5G được kỳ vọng sẽ có tốc độ mở rộng vượt trội so với các thế hệ trước, trở thành công nghệ truy cập di động có lượng thuê bao thống trị toàn cầu vào năm 2029. Cùng với đó, quá trình số hóa của xã hội và doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Quá trình này được thúc đẩy bởi các cải tiến liên tục trong công nghệ kết nối, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán và hạ tầng đám mây, phản ánh nhu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nếu không có di động, cả điện toán đám mây lẫn AI đều khó có thể mở rộng quy mô thực sự.

Khi kết hợp với nhau, các công nghệ này sẽ thúc đẩy hiệu quả và năng suất vượt trội, đồng thời tạo điều kiện phát triển các dịch vụ kỹ thuật số thân thiện với người dùng, trải nghiệm hòa nhập và các giải pháp bền vững hơn. Những năm gần đây, công nghệ mạng di động đã có những bước phát triển quan trọng, hướng tới kiến trúc mở, khả năng lập trình, đồng thời tăng cường công suất và hiệu suất hoạt động. Đây là kết quả từ quá trình chuyển đổi sâu rộng trong toàn ngành nhằm thay đổi cơ bản cách chúng ta xây dựng mạng - hướng đến những hệ thống mạng tự động hóa, thuần đám mây, dễ quản lý và có khả năng lập trình mở linh hoạt.

Đóng vai trò là cầu nối giữa các nhà đổi mới sáng tạo toàn cầu với các ngành công nghiệp, mạng 5G mở, có thể lập trình sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của một hệ sinh thái kỹ thuật số mới. Các chuỗi giá trị, hệ sinh thái và mô hình kinh doanh hiện tại sẽ được mở rộng và nâng cấp, thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ và khai phá những nguồn giá trị mới. Đây chính là “làn sóng di động tiếp theo”.

Trong một bài viết gần đây, ông Börje Ekholm, Chủ tịch, kiêm CEO Ericsson đã chia sẻ, trong những năm tới, làn sóng di động tiếp theo sẽ không chỉ tái định hình mô hình doanh nghiệp, mà còn khai phá những giá trị mạng mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên mọi lĩnh vực. Ngành công nghiệp di động đang đứng trước cơ hội có một không hai để tạo nên một cuộc thay đổi mang tính chuyển đổi. Ericsson đang dẫn dắt chuyển đổi toàn diện trong ngành, định nghĩa lại cách thức xây dựng, triển khai và quản lý hệ thống mạng di động, cũng như cách kết nối được sử dụng và tạo ra giá trị trong kỷ nguyên số.

Ericsson đang thay đổi cách các nhà đổi mới sáng tạo, doanh nhân và doanh nghiệp khai thác triệt để các tính năng độc đáo của mạng. Dù mạng di động là nền tảng công nghệ lớn nhất mà thế giới từng có, nhưng từ trước đến nay, nó chỉ vận hành theo một chiều - từ mạng đến người dùng. Chúng tôi muốn chuyển đổi mạng di động thành một nền tảng hai chiều, nơi các nhà phát triển có thể tương tác trực tiếp với mạng và sử dụng những tính năng riêng biệt của nó để đổi mới sáng tạo.

Ericsson đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi mang tính nền tảng này thông qua các giao diện lập trình ứng dụng mạng (Network APIs). Những giao diện chuẩn hóa này không chỉ mở ra khả năng kết nối mạnh mẽ, mà còn trao quyền cho các nhà phát triển, giúp họ dễ dàng truy cập các tài nguyên mạng quan trọng như chất lượng dịch vụ, tốc độ, độ trễ và vị trí, tất cả chỉ bằng một lệnh đơn giản.

Mục tiêu của Ericsson là hỗ trợ hàng triệu nhà phát triển ứng dụng công nghệ 5G thử nghiệm, đổi mới và phát triển những ứng dụng mang tính đột phá, thay đổi cuộc chơi.

Năm ngoái, Ericsson công bố một loạt quan hệ đối tác mới với một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu thế giới. Các nhà mạng này sẽ mở hệ thống mạng của mình để cung cấp những tính năng tiên tiến thông qua một nền tảng Network API toàn cầu, từ đó tạo nên các use case (trường hợp sử dụng) mới cho lĩnh vực ngân hàng, logistics, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác mà chúng ta chưa từng tưởng tượng. Ví dụ, Network API sẽ hỗ trợ tăng cường bảo vệ chống giả mạo trực tuyến. Amazon Web Services đang phối hợp với Vonage và Ericsson để tận dụng các API nhằm tăng cường bảo mật di động, thông qua các tính năng như phát hiện thay đổi SIM và xác thực an toàn, tất cả đều được hỗ trợ bởi công nghệ AI tạo sinh.

Các ứng dụng và use case mới sẽ mở ra một giai đoạn tăng trưởng mới cho công nghệ di động. Dựa trên hạ tầng mạng hiện có, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội tăng trưởng với nhiều use case mới trong thời gian tới. Nhiều use case sẽ tận dụng sự kết hợp giữa thiết bị đầu cuối thế hệ mới và dịch vụ kết nối chuyên biệt, trong khi một số khác sẽ tiếp tục phát triển cùng các dịch vụ kết nối mới trong tương lai. Những use case như truy cập không dây cố định, phát sóng 5G và công nghệ nhập vai (Immersive Technologies) được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị vượt trội cho ngành viễn thông trong những năm tới. Đồng thời, việc ra mắt các thiết bị RedCap kết hợp cùng 5G Advanced sẽ bùng nổ một làn sóng thiết bị 5G sáng tạo mới, có khả năng mở rộng nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực với độ phức tạp tối thiểu.

Tại Việt Nam, 5G có tiềm năng trở thành nhân tố làm thay đổi cuộc chơi trong nhiều ngành công nghiệp, từ tự động hóa, thúc đẩy công nghiệp 4.0, cải thiện năng suất, cho đến tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Các lĩnh vực như sản xuất, logistics và thành phố thông minh sẽ là những ngành hưởng lợi nhiều nhất. Đặc biệt, mạng Private 5G sẽ giúp doanh nghiệp sáng tạo và giảm chi phí vận hành, đồng thời mở ra cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng.

Có thể nói, 5G sẽ đóng vai trò then chốt trong hành trình hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, với kinh tế số dự kiến đóng góp 30% GDP vào năm 2030.

Đã đến lúc mở khóa tiềm năng công nghệ 5G
Công nghệ 5G sẽ mở ra một “siêu xa lộ số” để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư