Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Lên nhanh xuống nhanh như cổ phiếu HAG
Duy Bắc - 20/08/2024 08:47
 
Hậu “game” phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu, cổ phiếu HAG có dấu hiệu thoái trào khi Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn nhiều thách thức về chậm trả lãi và gốc trái phiếu, cũng như lỗ lũy kế.

Cổ phiếu đảo chiều và có dấu hiệu thoái trào

Giai đoạn đầu năm 2024, với câu chuyện tăng vốn, cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã bùng nổ và tăng khá mạnh, chạm đỉnh 15.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ ngày 3/6 đến 13/8, cổ phiếu HAG liên tục bị bán mạnh, giảm giá tới 30,3% từ đỉnh về 10.450 đồng/cổ phiếu và chưa có dấu hiệu chạm đáy.

Trên lý thuyết, một cổ phiếu khi đã giảm giá quá 20% từ đỉnh, thì đã kết thúc xu hướng tăng và đang bước vào chu kỳ giảm giá. Trường hợp của cổ phiếu HAG còn khá đặc biệt khi đã giảm 30,3% từ đỉnh, đồng thời phá vỡ vùng tích lũy dài hạn 11.500 đồng/cổ phiếu và xuất hiện phiên bán tháo ngày 8/8, với việc cổ phiếu giảm kịch sàn 6,93% và thanh khoản lên tới 34,8 triệu cổ phiếu (trung bình chỉ khớp 7,4 triệu cổ phiếu/phiên giao dịch).

Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nhận định, cổ phiếu HAG nhiều khả năng đã bước vào chu kỳ thoái trào khi giá cổ phiếu đã giảm quá 20% từ đỉnh. Đồng thời, cổ phiếu giao dịch dưới đường MA 200 khi vùng hỗ trợ dài hạn 11.500 đồng/cổ phiếu đã bị phá vỡ, cổ phiếu đang trong giai đoạn dò đáy. Vì vậy, việc bắt đáy khi cổ phiếu đang dò đáy sẽ rủi ro cho nhà đầu tư hơn là chờ cổ phiếu thiết lập xong đáy.

Thực tế, cổ phiếu HAG giảm giá trở lại khi Hoàng Anh Gia Lai thiếu câu chuyện hỗ trợ mới, sau câu chuyện tăng vốn thực hiện trong tháng 4/2024. Theo đó, Công ty đã phát hành thành công 130 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.300 tỷ đồng.

Trước khi đợt phát hành riêng lẻ thành công, từ ngày 25/9/2023 đến 30/1/2024, giá cổ phiếu HAG đã bật tăng 99,1%, từ 7.510 đồng lên 14.950 đồng/cổ phiếu. Việc cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá đã bật tăng lên trên mệnh giá và cao hơn giá phát hành riêng lẻ là 10.000 đồng/cổ phiếu đã tăng sức hấp dẫn cho đợt phát hành riêng lẻ và cũng là một trong những động lực giúp đợt chào bán riêng lẻ thành công.

Như vậy, gần 4 tháng kể từ khi phát hành riêng lẻ thành công, các nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ từ chỗ lãi lớn nhờ chênh lệch giá thị trường cao hơn nhiều giá mua, đã chỉ còn lãi nhẹ khi cổ phiếu lao dốc trở lại hậu tăng vốn và cũng không loại trừ trường hợp cổ phiếu HAG tiếp tục giảm về dưới vùng giá chào bán riêng lẻ.

Lợi nhuận cải thiện, nhưng còn nhiều vấn đề

Nếu chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai, nhà đầu tư có thể thấy dấu hiệu tích cực. Trong đó, năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 26,1%, lên 6.442,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 47,4%, lên 1.663,97 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2024, dù doanh thu giảm 12,3%, về 2.759,07 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vẫn tăng 26,8%, lên 484,79 tỷ đồng, chủ yếu do cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 20% lên 35,8%.

Nhưng nếu nhìn vào chất lượng dòng tiền và tỷ lệ đòn bẩy, Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện. Trong đó, cuối năm 2023, Công ty chỉ sở hữu 41,8 tỷ đồng tiền mặt, nhưng tổng nợ vay lên tới 7.869 tỷ đồng, bằng 117,8% tổng vốn chủ sở hữu. Cuối quý II/2024, Hoàng Anh Gia Lai chỉ sở hữu tiền mặt là 136 tỷ đồng, nhưng tổng nợ vay lên tới 7.041,9 tỷ đồng, bằng 83,5% tổng vốn chủ sở hữu.

Về cơ cấu nợ, riêng với khoản nợ trái phiếu mã HAGLBOND16.26, Hoàng Anh Gia Lai cho biết, tại thời điểm 30/6/2024, đã chậm thanh toán gốc và lãi lên tới 4.364,4 tỷ đồng.

Chia sẻ về vấn đề chậm trả lãi và gốc trái phiếu, bà Hồ Thị Kim Chi, Phó tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai cho biết: “Do chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (đã thoả thuận lộ trình trả nợ ba bên) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của Công ty”.

Bên cạnh việc phát sinh chậm trả lãi và gốc trái phiếu kéo dài, tính tới cuối quý II/2024, Hoàng Anh Gia Lai vẫn lỗ lũy kế 903,77 tỷ đồng, bằng 8,55% vốn điều lệ; và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 769,8 tỷ đồng (nợ ngắn hạn là 9.096,9 tỷ đồng, nhưng tài sản ngắn hạn chỉ 8.327,1 tỷ đồng), tức sử dụng 769,8 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn dưới 1 năm tài trợ cho tài sản dài hạn với kỳ hạn hơn 1 năm.

Rõ ràng, nếu nhìn sâu vào chất lượng tài sản, nguồn vốn, doanh nghiệp này vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ việc sở hữu lượng tiền mặt hạn chế, nợ vay lớn và đang có dấu hiệu tiếp tục mất cân đối cơ cấu nguồn vốn khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn.

Con gái Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức vừa lướt sóng 2 triệu cổ phiếu HAG
Vừa bán ra 2 triệu cổ phiếu ngày 15/2, con gái Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức quay lại mua 2 triệu cổ phiếu CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG - sàn HoSE).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư