Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Liên kết đầu tư vào Tây Bắc
Thùy Liên - 29/03/2013 14:29
 
Điểm khác biệt của Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội khu vực Tây Bắc được tổ chức ngày 3/4 tới đây là sự cam kết mạnh mẽ của các ngân hàng về việc đồng hành với các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Bắc.
TIN LIÊN QUAN

Ngân hàng hứa cho vay

Theo ông Lê Khả Đấu, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, khu vực Tây Bắc có nhiều lợi thế về đặc sản nông nghiệp, tài nguyên khoáng sản, du lịch, công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, đến nay, do cơ sở hạ tầng hạn chế, thu hút đầu tư vào Tây Bắc vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều năm qua, dù tăng trưởng GDP của khu vực Tây Bắc luôn cao hơn so với mức trung bình của cả nước (GDP của Tây Bắc năm 2012 là 9,4%), nhưng thực tế, khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu vốn.

Cơ sở hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến vùng Tây Bắc khó thu hút vốn đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, đến cuối năm 2012, huy động vốn trên địa bàn Tây Bắc đạt hơn 76.000 tỷ đồng, tăng khoảng 38% so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động tại chỗ mới đáp ứng được khoảng 69% dư nợ cho vay trên địa bàn.

Tuy vậy, tiềm năng phát triển kinh tế của Tây Bắc đang thể hiện rõ khi những năm qua, tăng trưởng tín dụng của địa bàn này đạt trung bình 16% - 20%. Riêng năm 2012, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng 16,34% so với cuối năm 2011, cao hơn mức trung bình của cả nước. Trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 40%. Dù tăng trưởng tín dụng ở mức cao, nhưng chất lượng dư nợ tín dụng của khu vực vẫn khá tốt. Nợ xấu trung bình của cả khu vực này đến cuối năm 2012 chỉ chiếm 1,46% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào Tây Bắc, dự kiến, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội khu vực Tây Bắc sắp tới, các ngân hàng đã cam kết sẽ cho vay ít nhất 20.588 tỷ đồng và 35 triệu USD cho các dự án đầu tư vào Tây Bắc.

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, một trong những điểm mới của Hội nghị năm nay là cam kết mạnh mẽ của ngân hàng, sẵn sàng đồng hành cùng với các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Tây Bắc.

Được biết, khu vực này hầu như mới chỉ có sự tham gia của 4 ngân hàng quốc doanh (BIDV, Agribank, Vietinbank và Vietcombank). Hy vọng rằng, khoản vốn các ngân hàng cam kết đầu tư vào Tây Bắc sắp tới sẽ như khoản vốn mồi, để từ đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp và ngân hàng tham gia đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc. Không chỉ cam kết hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng sẽ tài trợ gần 400 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội của vùng.

Tạo liên kết vùng để hấp dẫn đầu tư

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Tây Bắc đạt kết quả khá khả quan. Cụ thể, đến tháng 2/2013, toàn vùng đã thu hút được 243 dự án FDI, với tổng vốn là 2,47 tỷ USD. Tuy nhiên, do một số dự án hoạt động không hiệu quả, bị rút giấy phép, nên hiện tại, vốn FDI vào Tây Bắc chỉ còn 2,2 tỷ USD. Lào Cai, Phú Thọ và Hòa Bình là 3 tỉnh nằm trong tốp đầu về thu hút FDI của vùng.

Tuy vốn FDI vào Tây Bắc tăng khá mạnh qua từng năm, song vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của 14 tỉnh Tây Bắc.

Ông Lê Khả Đấu cũng nhìn nhận, cơ sở hạ tầng chính là một trong những lý do khiến Tây Bắc khó thu hút vốn đầu tư. Vì lẽ đó, để tạo sức cạnh tranh với các vùng kinh tế khác, những năm qua, các tỉnh Tây Bắc tập trung cải thiện môi trường đầu tư. Năm 2012, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của nhiều tỉnh Tây Bắc đã được thăng hạng. Tiêu biểu là Lào Cai được xếp thứ 3 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết vùng cũng được coi là đột phá để thu hút đầu tư của Tây Bắc thời gian tới.

“Điểm mới của Hội nghị lần này là, bên cạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh của vùng, các địa phương kỳ vọng sẽ thiết lập mô hình liên kết, hợp tác cụ thể, bền chặt theo vùng, lĩnh vực, như liên kết giữa các địa phương; giữa vùng Tây Bắc với các trung tâm phát triển trong nước; giữa các địa bàn sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm…”, ông Đấu hy vọng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư