Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Liên kết trồng lúa giúp nông dân Cà Mau "ăn ngon ngủ yên"
Như Loan - 11/12/2017 12:21
 
Mới thành lập hơn 3 năm nay, nhưng Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân nâng cao thu nhập, yên tâm sản xuất.
Xã viên HTX Kinh Dớn phấn khởi vì giá lúa hè thu năm nay được bao tiêu với giá cao hơn thị trường
Xã viên Hợp tác xã Kinh Dớn phấn khởi vì giá lúa hè thu năm nay được bao tiêu với giá cao hơn thị trường

Cùng mua chung, bán chung

Được thành lập tháng 9/2014, Hợp tác xã Kinh Dớn lúc đầu chỉ có 27 thành viên với diện tích 49,5 ha, đến nay Hợp tác xã đã thu hút 47 thành viên với diện tích sản xuất 72 ha. Lợi nhuận mỗi thành viên thu về từ 20 - 30 triệu đồng/năm.

Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Trường Đời cho biết, xuất phát từ ban đầu gia đình chỉ có 5 công đất ruộng. Mỗi năm đến vụ thu hoạch, ông Đời phải chạy đôn chạy đáo đi kiếm thương lái, nhưng họ đều không chịu thu mua vì lúa ít quá, chi phí đi lại tốn kém. Thấy vậy, ông Đời rủ thêm vài người trong xóm hùn lại để bán lúa chung cho thương lái.

“Thấy cách này được, tôi nhen nhóm ý tưởng về 1 Hợp tác xã trong đầu. Sau khi thành lập Hợp tác xã, tôi lần mò tìm công ty thu mua lúa gạo ở Cà Mau rồi đến nhiều nơi để ký kết hợp đồng. May mắn mỉm cười với chúng tôi, Hợp tác xã đã thành công với việc ký kết bao tiêu lúa giống RVT cho năng suất khá cao và đầu ra đảm bảo. Cụ thể như vụ hè thu năm nay, tôi đã ký hợp đồng bao tiêu với giá 5.700 đồng/kg lúa tươi. Bây giờ nông dân ở đây đâu còn sợ thương lái ép giá nữa. Giá lúa ngoài thị trường hiện đang xuống còn 5.400 đồng/kg lúa tươi, nhưng xã viên đều bán được với giá 5.700 đồng”, ông Đời vui vẻ cho biết.

Ngoài liên kết sản xuất, Hợp tác xã còn cung các dịch vụ hậu cần như cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ làm đất, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm...

Trong thu hoạch lúa, Hợp tác xã ký hợp đồng với 5 chủ máy cắt thu hoạch vụ lúa cho thành viên trong Hợp tác xã với tổng diện tích 300 ha và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên và bà con lân cận. Vào lúc cao điểm thu hoạch lúa, các thành viên không phải chạy đôn chạy đáo để kiếm máy cày, máy cắt. Ðầu ra sản phẩm ổn định vì được các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và giá lại cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg lúa thương phẩm.

Ðối với dịch vụ cung ứng giống vật tư nông nghiệp, Hợp tác xã lựa chọn các sản phẩm phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật có uy tín, chất lượng để cung ứng cho các thành viên theo phương thức thoả thuận trên cơ sở đảm bảo bình ổn giá thị trường.

Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã cung ứng từ 6 - 7 tấn giống lúa các loại, 200 - 300 tấn phân bón các loại. Các loại phân, thuốc bảo vệ  thực vật, Hợp tác xã cung ứng giá thấp hơn ở các đại lý từ 5.000 - 10.000 đồng.

Từ khi tham gia vào HTX Kinh Dớn, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã viên được áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất
Từ khi tham gia vào Hợp tác xã Kinh Dớn, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã viên được áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất

Tích cực kết nối với các doanh nghiệp

Gần đây, Hợp tác xã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Đạm Cà Mau nhằm chuyển giao kỹ thuật canh tác, kiến thức bón phân, chăm sóc cây trồng nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong trồng lúa.

Mới đây, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã gắn với sơ kết 01 năm thực hiện đề án thí điểm về củng cố và phát triển hợp tác xã kiểu mới vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” tại Khách sạn Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/3/2016, với mục tiêu xây dựng 300 Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, gắn kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra có thế mạnh về tiêu thụ nông sản. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau).

“Với hình thức liên kết này, xã viên được cán bộ kỹ thuật của công ty về tận ruộng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa. Lúa bón đạm hạt đục Cà Mau có độ xanh bền hơn, tiết kiệm lượng phân bón nhờ phân giải chậm, năng suất tăng nên xã viên rất ưa chuộng và tin dùng”, ông Đời cho biết.

Anh Ðàm Văn Phiên là người đầu tiên tham gia, với diện tích 1,5 ha làm lúa, mỗi năm sản xuất 2 vụ. Trước khi tham gia, anh sản xuất lúa đạt từ 16 - 17 tấn/năm, khi vào Hợp tác xã sử dụng giống RVT năng suất lúa tăng thêm từ 2-2,5 tấn/năm.

Anh Phiên cho biết: “Giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mình không cần lo vì có Hợp tác xã cung cấp mà giá lại rẻ hơn các đại lý bên ngoài, rồi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Lúa mình làm ra được bao tiêu sản phẩm, không bị cò ép giá, máy cày, máy cắt cũng không cần phải lo nên rất yên tâm”.

Vì không biết Hợp tác xã làm ăn như thế nào, nên khi mới thành lập anh Trần Hoàng Kha ngại không tham gia. Nhưng qua thời gian hoạt động hiệu quả, anh Kha đã tự nguyện viết đơn xin vào.

Anh Kha bộc bạch: “Tham gia Hợp tác xã tôi thấy có nhiều cái lợi cho thành viên như: sạ lúa cùng lúc nên giảm chi phí sản xuất, giống lúa Hợp tác xã cung cấp đều là giống tốt. Mặt khác, việc Hợp tác xã đứng ra kết nối với các doanh nghiệp uy tín như Đạm Cà Mau vận chuyển phân bón đến tận nhà, giá lại thấp hơn so với các điểm mua bán khác nên xã viên chúng tôi rất phấn khởi”.

FrieslandCampina và nông dân Hà Lan tập huấn về chăn nuôi cho nhà nông Việt
Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) vừa phối hợp cùng FrieslandCampina tổ chức các buổi giao lưu, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư