Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Loạt quốc gia sắp áp thuế tối thiểu toàn cầu: Cấp tốc tìm giải pháp ứng phó
Thanh Thuỷ - 21/07/2023 21:11
 
Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu trở thành vấn đề cấp thiết cần sớm đưa ra các giải pháp ứng phó khi nhiều đối tác đầu tư lớn của Việt Nam sẽ áp dụng quy định này từ ngày 1/1/2024.

Cấp tốc chuẩn bị khi nhiều quốc gia sắp áp thuế tối thiểu toàn cầu

Ngày 21/7, Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chủ trì tổ chức buổi hội thảo về Thu hút đầu tư trong bối cảnh áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, với sự tham gia thực hiện của Đoàn thanh niên Cục Đầu tư nước ngoài phối hợp với Đoàn thanh niên Liên chi đoàn VIII (Vụ Pháp chế, Vụ Quản lý Khu kinh tế, Cục Kinh tế hợp tác).

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là nội dung thứ 2 trong hai trụ cột chính của Dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do OECD đã khởi xướng và được nguyên thủ các quốc gia G20 thông qua.

Cụ thể, BEPS quy định mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (hay 800 triệu USD và tương đương khoảng 19.500 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Ước tính thu được khoảng 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu hằng năm, thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia.

Đồng chí Tống Đức Long, Bí thư Chi đoàn Cục Đầu tư nước ngoài báo cáo về tổng quan quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu 

Cập nhật đến thời điểm hiện tại, ông Tống Đức Long, Bí thư Chi đoàn Cục Đầu tư nước ngoài cho biết đã có 142 quốc gia đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI). Việt Nam cũng đã chính thức trở thành thành viên từ tháng 2/2022.

Đối với các nước chủ yếu có vốn đầu tư ra nước ngoài, Thuế tối thiểu toàn cầu cơ bản sẽ áp dụng từ năm 2024. Theo kế hoạch được công bố, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông áp thuế tối thiểu toàn cầu kể từ ngày 1/1/2024, Singapore và một số đối tác đầu tư lớn khác của Việt Nam sẽ thực hiện sau 1 năm.

Còn với các nước chủ yếu nhận vốn đầu tư nước ngoài, như Việt Nam, việc cần làm hiện nay là nghiên cứu đưa ra chính sách ứng phó. Trong đó có việc áp dụng quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn. Đây là quy định cần thiết để tránh việc nộp thuế bổ sung về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính. Đồng thời, theo ông Tống Đức Long, nhiều nước đang nghiên cứu giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các doanh nghiệp FDI và thu hút các nhà đầu tư mới.

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và các chính sách ưu đãi đang được “cấp tốc” nghiên cứu để trình thông qua khi cột mốc 1/1/2024 đang đến gần. Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhấn mạnh đây là vấn đề cấp thiết và cơ quan này đang cấp tốc chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Từ “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi sang cạnh tranh giảm chi phí

Việc áp dụng thuế toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài. Các quốc gia phát triển có thể là bên hưởng lợi nhiều hơn từ thuế tối thiểu toàn cầu. Trong khi đó, việc áp dụng loại thuế này có thể làm chi phí đầu tư toàn cầu tăng lên, khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu (FDI) có những xáo trộn trong ngắn hạn.

Khi có hiệu lực, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có một số tác động nhất định (cả tích cực và tiêu cực) tới Việt Nam. Việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu có thể góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam và cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Thuế tối thiểu toàn cầu cũng được kỳ vọng góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Hiện các nội dung về Thuế tối thiểu toàn cầu đã được thống nhất về mặt nguyên tắc song một số nội dung vẫn được bảo lưu và chưa được quy định hay hướng dẫn chi tiết. Do đó, điều này có thể khiến hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng.

Cùng đó, sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi. Châu Á hiện nay là khu vực có mức thuế suất thấp nhất so với các khu vực trên thế giới và dự kiến có thể chịu tác động nhiều nhất khi các doanh nghiệp đa quốc gia phân bổ lại hoạt động, đầu tư của mình nhằm tối ưu về thuế.

Vấn đề đặt ra cho Việt Nam, theo ông Nguyễn Đức Anh - Phó trưởng phòng phòng đầu tư nước ngoài Cục Đầu tư nước ngoài, là cần đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư, đồng thời cần chọn lọc, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, có tác động tối thiểu đến ngân sách nhà nước. Cùng đó, các chính sách khi xây dựng cũng cần ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, phù hợp tiêu chuẩn của OECD và đảm bảo khả thi, dễ thực hiện.

Ông Trần Anh Sơn, Phó giám đốc tư vấn thuế Deloitte Việt Nam chia sẻ về chính sách ưu đãi đang được một số quốc gia trên thế giới sử dụng

Theo ông Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam cũng đã và đang nghiên cứu các giải pháp ưu đãi để ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu, hoặc thậm chí đã có những chính sách có lợi từ trước khi quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu ra đời. Ấn Độ đã đi trước trong việc ban hành chính sách ưu đãi theo chi phí từ năm 2020 như khuyến khích liên kết sản xuất điện tử quy mô lớn (PLI), hỗ trợ chi phí đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công nghệ, và nghiên cứu phát triển hay hỗ trợ tài chính liên quan đến hạ tầng, quỹ đất. Trung Quốc trước đây cũng đã có tiền lệ về ưu đãi trợ cấp chi phí sản đối với lĩnh vực ưu tiên là sản xuất xe điện. Thái Lan cũng vốn đã có chính sách trợ cấp tiền mặt (kèm theo các ưu đãi khác) cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới và phát triển công nghệ và phát triển nhân lực.

Trong khi đó, Việt Nam chưa có tiền lệ ưu đãi dựa trên giảm chi phí. Đứng dưới góc nhìn từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều FDI đánh giá Việt Nam có nhiều thế mạnh về sự ổn định chính trị, vị trí địa lý, độ mở nền kinh tế, khả năng liên kết chuỗi giá trị giá trị toàn cầu. Việc tối đa hóa tiềm năng gồm chi phí sản xuất và khả năng liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị toàn cầu là mối quan tâm hàng đầu của nhóm nhà đầu tư FDI có động cơ đầu tư tìm kiếm hiệu quả. Cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia hiện nay đã chuyển dịch từ “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi sang cạnh tranh giảm chi phí. Các giải pháp ứng phó cần sớm thực hiện để để thu hút đầu tư trong bối cảnh áp dụng quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu.

Hội thảo với chủ đề: “Thu hút đầu tư trong bối cảnh áp dụng quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội, thách thức và đóng góp của thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào công tác xây dựng chính sách” do Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Đoàn Thanh niên Cục Đầu tư nước ngoài phối hợp với Đoàn Thanh niên Liên Chi đoàn VIII (Vụ Pháp chế, Vụ Quản ký khu kinh tế, Cục Kinh tế hợp tác) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong, phát huy tinh thần xung kích của thanh niên.

Đoàn viên, thanh niên các đơn vị tham gia Hội thảo


Ghi nhận sự nỗ lực của các cơ sở đoàn và đánh giá cao hoạt động này, đồng chí Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài mong muốn thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kết nối, trau dồi chuyên môn, tham gia vào công tác xây dựng chính sách, mà sát sườn là các nội dung về giải pháp ứng phó với việc áp thuế tối thiểu toàn cầu cấp bách hiện tại.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Đề xuất và khuyến nghị cải cách chính sách
Với khung giải pháp 2 trụ cột bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đặc biệt là Trụ cột 2 về Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư