Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lừa góp vốn bán vé máy bay “giải cứu”, chiếm đoạt hơn 51 tỷ đồng
Huệ Nguyễn - 29/03/2024 18:33
 
Với thủ đoạn kêu gọi một số cá nhân góp vốn để kinh doanh vé máy bay, vé “giải cứu, hồi hương” vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Lê Thị Vũ lừa đảo, chiếm đoạt của 6 bị hại, với số tiền hơn 51 tỷ đồng.

Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức rủ góp vốn đầu tư vé máy bay hồi hương, giải cứu công dân về nước trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19.

Theo đó, bị cáo Lê Thị Vũ (sinh năm 1987, trú tại TP.HCM) bị đưa ra xét xử trước cáo buộc chiếm đoạt hơn 51 tỷ đồng từ các bị hại.

Bị cáo Lê Thị Vũ bị tuyên án chung thân về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 51 tỷ đồng qua hình thức góp vốn kinh doanh vé máy bay "giải cứu".

Theo cáo trạng, Vũ là nhân viên bán vé máy bay. Với mục đích chiếm đoạt tiền, Vũ đã đưa ra thông tin gian dối về việc đầu tư vé máy bay “giải cứu, hồi hương” để đưa những công dân từ các quốc gia có dịch Covid-19 về Việt Nam.

Vũ “vẽ” ra rằng việc đầu tư sẽ sinh lời cao, do giá vé giải cứu từ châu Âu, Mỹ... về Việt Nam khoảng 175 triệu đồng (bao gồm vé máy bay, thủ tục nhập cảnh, phí cách ly y tế), sau 1 tháng sẽ có lợi nhuận từ 17 triệu đến 47 triệu đồng/vé.

Còn các vé bay hồi hương từ châu Á có giá mỗi vé khoảng 70 triệu đồng, sẽ có lợi nhuận từ 4 đến 8 triệu đồng sau từ 1 đến 3 tuần đầu tư.

Cùng với đó, Vũ cũng vào mạng xã hội để tải công văn của Cục Hàng không về việc thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước; công văn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 gửi các bộ, ngành liên quan, sau đó gửi cho các bị hại để tạo niềm tin, rủ góp tiền để đầu tư.

Bằng thủ đoạn trên, Vũ đã lừa của chị Ngô Thị Phương D., là bạn học cùng đại học. Theo đó, Vũ giới thiệu là Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần VE24H.VN, có địa chỉ tại phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Ban đầu, Vũ rủ chị D. tham gia đầu tư tiền kinh doanh vé máy bay, được trả lợi nhuận 3%/tháng. Chị D. chỉ việc đưa tiền, còn việc kinh doanh thế nào Vũ sẽ tự lo.

Đến tháng 4/2021, Vũ nói sẽ đầu tư mua vé máy báy “giải cứu, hồi hương” để có lợi nhuận cao hơn, nên chị D. đã cùng góp vốn.

Cơ quan tố tụng xác định, từ 23/4/2021 đến 13/10/2021, chị D. đã chuyển tổng cộng gần 233 tỷ đồng để “góp vốn” cùng Vũ, sau đó nhận lại gần 167 tỷ đồng tiền gốc và hơn 42 tỷ đồng “lợi nhuận”.

Ngoài ra, trong giai đoạn trước đó, Vũ và chị D. cũng chốt nợ, thể hiện Vũ chưa trả gần 29 tỷ đồng tiền gốc.

Với thủ đoạn tương tự, Vũ lừa của chị Hoàng Thị L. (trú tại huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội hơn 10 tỷ đồng và của ông Nguyễn Văn Đ., trụ trì chù Sùng Quang, hơn 7 tỷ đồng.

Kết quả điều tra xác định, tổng số tiền Vũ đã lừa đảo, chiếm đoạt của 6 bị hại (sau khi trừ các khoản “lợi nhuận” Vũ đã thanh toán) là hơn 51,7 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cho biết, đến nay đã nộp khắc phục được số tiền 1,2 tỷ đồng; số tiền còn lại, bị cáo không có khả năng khắc phục.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, cùng lời khai của bị cáo Lê Thị Vũ và lời khai của các bị hại, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt bị cáo mức án chung thân; đồng thời buộc phải bồi thường cho các bị hại số tiền còn thiếu là hơn 50 tỷ đồng.

Quá trình điều tra cũng xác định, chị Nguyễn Thị H. (trú tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) góp gần 32 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh với Lê Thị Vũ, sau đó đã được trả gốc và lợi nhuận là gần 11 tỷ đồng, còn lại chưa trả hơn 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi khởi kiện đến Tòa án Nhân dân quận Gò Vấp, TP.HCM, chị H. đã có đơn xin rút tố giác.
Phúc thẩm “chuyến bay giải cứu”: Bác kháng cáo, y án chung thân với 3 bị cáo
Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, tuyên y án chung thân đối với Phạm Trung Kiên, cựu cán bộ Bộ Y tế; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư