Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Mặt trái của tấm huân chương xuất siêu, lạm phát thấp
Minh Nhung - 09/07/2014 07:21
 
() Vừa là sự thể hiện, vừa tác động đến mức sống của người tiêu dùng, tiêu thụ trong nước là một trong những yếu tố quan trọng và cũng là mặt trái của tấm huân chương xuất siêu, lạm phát thấp.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lạm phát "phập phồng" với thương mại Việt - Trung
Lạm phát 6 tháng đầu năm 2014 chỉ 1,38%
Lưu ý đằng sau thành công kiểm soát lạm phát
Nhận diện tiêu thụ trong nước

Diễn biến tổng mức bán lẻ (TMBL) hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm cho thấy tác động kép của tiêu thụ trong nước đối với việc chuyển đổi cơ chế, đối với tăng trưởng và mức sống của người tiêu dùng.

   
  Tiêu thụ trong nước là một trong những yếu tố quan trọng và cũng là mặt trái của tấm huân chương xuất siêu, lạm phát thấp  

Trong các nội dung tạo thành tổng cầu của nền kinh tế, thì tiêu dùng cuối cùng chiếm tỷ trọng lớn nhất, liên tục trong nhiều năm đều ở mức trên 70% GDP. Tiêu dùng cuối cùng ở đây có thể được coi là tiêu thụ trong nước, bao gồm tiêu dùng thông qua việc mua bán trên thị trường (thể hiện qua chỉ tiêu TMBL) và tiêu dùng sản phẩm tự túc, tự cấp.

Trong đó, TMBL là bộ phận chiếm tỷ trọng lớn nhất và ngày một tăng lên, cùng với sự chuyển đổi cơ chế từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường; phần tự túc, tự cấp chiếm tỷ trọng nhỏ và ngày một giảm. Xét ở góc độ này thì tiêu thụ trong nước vừa là sự thể hiện, vừa có tác động đối với việc chuyển đổi sang cơ chế thị trường.

Do tiêu dùng cuối cùng, TMBL là nội dung lớn nhất của tổng cầu, nên tiêu thụ trong nước là động lực của tăng trưởng kinh tế. Thời gian trước đây, do gia tăng tích lũy - đầu tư, mặc dù tỷ lệ so với GDP của chỉ tiêu này cũng chỉ bằng một nửa tỷ lệ của tiêu dùng cuối cùng so với GDP, nhưng đã gây ra bất ổn vĩ mô, trong đó có nhập siêu lớn, gia tăng nhanh nợ công, gia tăng bội chi ngân sách, lạm phát cao và lặp đi lặp lại, từ mấy năm nay phải đưa ra mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Việc giảm xuống của tỷ lệ đầu tư/GDP với tốc độ khá cao và liều lượng quá đột ngột (tới gần 1/3 tỷ lệ, từ dưới 40% GDP xuống trên dưới 30% GDP), cộng hưởng với sự giảm xuống của tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/GDP do người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”; những người có “bát ăn bát để” thì không đầu tư trực tiếp cho sản xuất - kinh doanh, mà dồn gửi tiết kiệm ngân hàng, là một trong những nguyên nhân làm cho tiền gửi trong mấy năm cao gấp rưỡi, đặc biệt trong 6 tháng này gấp tới gần 3 lần tốc độ tăng dư nợ tín dụng.

Tiêu thụ tăng chậm, tồn kho tăng cao... là một trong những yếu tố góp phần làm cho nợ xấu tăng cao, làm cho doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất - kinh doanh kéo dài, sản xuất khó phục hồi tăng trưởng.

Diễn biến TMBL 6 tháng đầu năm được nhận diện trên một số góc độ như sau.

Thứ nhất, tốc độ tăng TMBL so với cùng kỳ năm trước tính theo giá thực tế là 10,7%; nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước (4,77%), thì đã tăng 5,66%, cao hơn tốc độ tăng của năm 2011 (4,6%), của năm 2012 (4,3%) và thấp hơn của năm 2013 (5,7%), nhưng cao hơn tốc độ tăng của GDP trong 6 tháng năm nay (5,18%). Theo đó có thể thấy, từ năm 2013 đến nay, tốc độ tăng TMBL đã cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và đây là một trong những yếu tố làm cho tăng trưởng kinh tế cao lên.

Tuy nhiên, tốc độ tăng cao hơn do 2 yếu tố, trong đó chủ yếu là do tỷ lệ tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường tăng lên, chứ chưa phải hoàn toàn là do tiêu dùng bình quân đầu người tăng cao hơn. Chính đây là yếu tố, tuy góp phần làm cho xuất siêu và lạm phát được kiềm chế, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn trong khó khăn, chưa thoát khỏi vùng trũng.

Thứ hai, theo loại hình kinh tế, TMBL của khu vực nhà nước tăng thấp hơn tốc độ chung (8,4% so với 10,7%), nên tỷ trọng trong tổng số kỳ này bị giảm so với cùng kỳ năm trước (10,3% xuống 10,1%). Khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất (86,4%), nhưng do tốc độ tăng thấp hơn tốc độ chung (10,4% so với 10,7%), nên tỷ trọng cũng bị giảm so với cùng kỳ năm trước (86,6%). Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng thấp nhất (3,5%), nhưng do tốc độ tăng cao nhất (27,2%), nên tỷ trọng đã cao hơn so với cùng kỳ năm trước (3,0%).

Thứ ba, theo ngành hoạt động, chi tiêu cho tiêu dùng của người dân vẫn tập trung chủ yếu cho hàng hóa thông thường (chiếm 75,6% tổng số); các dịch vụ khác (dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ du lịch lữ hành và dịch vụ khác) còn chiếm tỷ trọng thấp (24,4%, trong đó du lịch lữ hành chỉ chiếm 1%). Điều đó chứng tỏ, trong điều kiện thu nhập còn thấp, thì chi tiêu nói chung, đặc biệt là các chi tiêu cho dịch vụ cao cấp đã được tiết giảm.

Thứ tư, TMBL tuy là động lực của tăng trưởng, nhưng chưa thể kích cầu tiêu dùng, mà cần tập trung cho hai nội dung lớn. Trước hết là, hơn lúc nào hết, cần ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước, tiết giảm tiêu dùng hàng ngoại nhập, nhất là trong điều kiện nhập khẩu, nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn (6 tháng lên đến 20,4 tỷ USD, tăng tới 21,1% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp đôi tốc độ tăng 11% của tổng kim ngạch nhập khẩu và chiếm tới 29,3% tổng kim ngạch nhập khẩu). Sau nữa là đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, giảm tính gia công lắp ráp, để hạn chế tình trạng “xuất khẩu giùm, tiêu thụ hộ”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư