Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
McDonald’s có đủ sức hút để trở thành điểm đến yêu thích của người dân Hà Nội?
Anh Hoa - 17/12/2017 09:06
 
Sau hơn 3 năm có mặt tại TP.HCM, McDonald’s đã chính thức đặt chân tại Hà Nội với màn chào sân ấn tượng. Ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành của McDonald’s Việt Nam chia sẻ về dấu ấn chiến lược này.
TIN LIÊN QUAN

Ông cho biết lý do McDonald’s Việt Nam lựa chọn thời điểm này để ra mắt tại Hà Nội?

Ngay từ ngày đầu mới vào Việt Nam, chúng tôi đã xác định chiến lược mở rộng hệ thống một cách chắc chắn, đảm bảo mỗi điểm mở ra hoạt động hiệu quả. Thực tế là chúng tôi đã đi nhanh. Hiện McDonald’s đã có 16 nhà hàng ở TP.HCM, càng về sau tốc độ càng nhanh hơn so với thời gian đầu, và mục tiêu mở 100 nhà hàng trong khoảng 10 năm là khả thi. Quan trọng nhất với chúng tôi không phải chỉ là số lượng nhà hàng, mà còn là chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Chúng tôi luôn tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ nhân viên, đào tạo bài bản để có thể thực hiện tốt nhất mục tiêu này. 

Ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam tại nhà hàng McDonald’s đầu tiên ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam tại nhà hàng McDonald’s đầu tiên ở Hà Nội.

Từ khi McDonald’s có mặt tại TP.HCM, đã có nhiều khách hàng ở Hà Nội mong muốn McDonald’s nhanh chóng ra Hà Nội. Trên khía cạnh mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu thì chúng tôi mong muốn có thể mở ra thị trường này sớm nhất có thể. Nhưng chúng tôi cần thời gian để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Một trong những lý do khiến McDonald’s đến muộn là phải tìm được vị trí phù hợp. Địa điểm ở Hà Nội khó tìm hơn TP.HCM, thường diện tích nhỏ hơn, chỗ để xe không được thoải mái.

Bên cạnh đó, McDonald’s muốn dành thêm thời gian đào tạo nhân viên và giải quyết bài toán hậu cần. Hiện tại, toàn bộ thực phẩm thịt, cá của McDonald’s được nhập khẩu từ nước ngoài, còn nguồn cung ở Việt Nam là trứng, rau, sữa, bánh. Giải quyết bài toán nhập khẩu, vận chuyển, bảo quản thực phẩm, xây dựng hệ thống hậu cần, kho chứa cần thời gian.

Đến nay, McDonald’s đã nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị đầy đủ các yếu tố trên, đây cũng là thời điểm hợp lý để McDonald’s tiến ra thị trường Hà Nội. Chúng tôi rất tự hào vì điều này.

Nhà hàng đầu tiên của McDonald’s tại Hà Nội sở hữu những ưu điểm vượt trội nào, thưa ông?

Nhà hàng McDonald’s Hồ Gươm có địa điểm ở khu vực trung tâm, nằm ở mặt tiền hai con phố lớn Hàng Khay và Hàng Bài, với thiết kế nội thất mang đậm phong cách truyền thống và hiện đại. Nhà hàng sẽ đem lại một không gian trải nghiệm độc đáo với góc nhìn toàn cảnh Hồ Gươm cho các thực khách Thủ đô ngắm khung cảnh phố đi bộ vào cuối tuần.

Nhà hàng McDonald’s đầu tiên tại Hà Nội trong ngày khai trương 2/12/2017.
Nhà hàng McDonald’s đầu tiên tại Hà Nội trong ngày khai trương 2/12/2017.

Đến với McDonald’s, bạn sẽ tận hưởng không gian kết nối thực sự với gia đình, người thân, bạn bè và an tâm với chất lượng món ăn, chất lượng dịch vụ.

Nhà hàng mới tại Hà Nội giữ được những nét truyền thống của McDonald's toàn cầu như thế nào và làm gì để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng địa phương?

Ở bất cứ thị trường nào, McDonald’s cũng giới thiệu tới thực khách những sản phẩm làm nên tên tuổi của thương hiệu, đồng thời đưa ra các sản phẩm phù hợp với địa phương. Sản phẩm địa phương nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của thương hiệu McDonald’s.

Để làm được điều này, các nhà cung cấp của McDonald’s cần trải qua quá trình kiểm soát chất lượng riêng. Chúng tôi có đơn vị kiểm định chất lượng độc lập, được chứng nhận theo chuẩn của tập đoàn. Trước khi trở thành nhà cung cấp thực phẩm cho McDonald’s, họ phải thông qua quy trình kiểm định và chứng nhận, toàn bộ quy trình kiểm định chất lượng có thể kéo dài từ 6 đến 18 tháng. Thực sự tuân thủ theo tiêu chuẩn toàn cầu của McDonald’s không quá khó khăn, nhưng cũng yêu cầu phải hết sức tập trung, tính chuyên nghiệp rất cao.

Nhiều khi vì tiêu chuẩn tương đối khắt khe, nên không phải chúng tôi muốn đưa sản phẩm nào vào trong thực đơn cũng được. Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ làm sao đưa ra sản phẩm phù hợp với địa phương như việc làm bánh mỳ có pate, có rau thơm, hay thịt, trứng theo kiểu làm của Việt Nam, nhưng phải cân nhắc rất nhiều vì yêu cầu liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn của McDonald's.

Tuy nhiên, khó không có nghĩa là chúng tôi không làm. Hiện tại McDonald’s đã bán sản phẩm cà phê Việt Nam. Tất cả các sản phẩm cà phê pha máy của McDonald’s như cappucino, latte… vẫn dùng hạt Arabica, nhưng riêng món cà phê Việt Nam, chúng tôi pha từ hạt Rubusta giống với hương vị cà phê Việt Nam. Việt Nam là thị trường cà phê lớn, McDonald’s đưa ra sản phẩm này để mang tới cho khách hàng sản phẩm hợp với gu địa phương.

Ngoài cà phê, chúng tôi cũng bán thí điểm bánh mỳ, cơm trong TP.HCM. Các sản phẩm này vẫn mang tính thử nghiệm để dần hoàn thiện cho phù hợp với hương vị của người Việt. Tỷ lệ những sản phẩm này chiếm rất khiêm tốn, vì mỗi thương hiệu chỉ làm tốt nhất ở một số sản phẩm. Điều này lý giải vì sao, khi nghĩ đến McDonald’s là khách hàng nghĩ ngay đến chiếc hamburger Big Mac, McNuggets, khoai tây chiên.

Với chiến lược thận trọng và nhiều tính toán như vậy, tình hình kinh doanh của McDonald’s ở Việt Nam ra sao, thưa ông?

McDonald’s là người tới sau so với nhiều thương hiệu cùng ngành nên không chủ trương giành thị phần, mà tập trung để thương hiệu được mọi người yêu thích và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho thực khách. Nhà hàng không chỉ bán thức ăn, mà dịch vụ cũng phải rất chuyên nghiệp từ phong cách, giao tiếp của nhân viên, bảo vệ tới trang trí, không khí trong nhà hàng.

Chúng tôi cố gắng từng ngày để trở thành điểm đến yêu thích của người dân Thủ đô. Vì số vốn đầu tư ban đầu lớn nên mỗi địa điểm chúng tôi phải thuê với thời hạn đủ lâu để kinh doanh hiệu quả.

Về kinh doanh, đến thời điểm này McDonald's đang hoạt động khả quan. Tốc độ tăng trưởng trung bình của McDonald’s đạt 30 - 40%/năm.

Sự phát triển của thị trường fastfood Việt Nam mang lại những cơ hội gì cho McDonald’s?

Hiện tại, ngành thức ăn nhanh ở Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số. McDonald’s có lẽ là một trong các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng đó. 

Tổng chi tiêu chung dành cho ăn uống tại Việt Nam tăng đều, dân số gần 100 triệu người, hơn một nửa nằm ở nhóm có thu nhập trung bình, hơn 60% dưới 35 tuổi. Thị trường nhiều tiềm năng. Việc làm thế nào chinh phục thị trường, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng phụ thuộc vào chiến lược riêng của mỗi thương hiệu.

Cách McDonald’s làm là muốn địa điểm mở ra đầu tiên phải đúng. Tức là, từ khâu lựa chọn địa điểm, chỗ đậu xe ra sao, thiết kế sao cho vừa mang đặc trưng riêng của thương hiệu, phù hợp với văn hoá địa phương. Đặc biệt, diện tích tối thiểu mỗi nhà hàng phải phù hợp.

Vậy kế hoạch mở rộng chuỗi nhà hàng tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc khác trong tương lai gần thế nào, thưa ông?

Tại TP.HCM, năm đầu tiên McDonald’s mở 3 nhà hàng, chúng tôi mong điều tương tự sẽ xảy ra ở Hà Nội. Tuy nhiên, như tôi đã chia sẻ ở trên, McDonald's luôn làm từ từ, chắc chắn, luôn để ý đến nhu cầu và mức độ chấp nhận của thực khách. Các điểm tiếp theo ở Hà Nội không nhất thiết phải gần nhau, điểm ban đầu là flagship cần làm tốt việc giới thiệu và xây dựng thương hiệu.

Chúng tôi mong muốn việc bước chân vào thị trường Hà Nội sẽ giúp gia tăng thị phần, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đồng thời tạo cơ hội làm việc trong một môi trường năng động cho các bạn trẻ, đem đến một không gian gắn kết mọi người, một địa điểm được khách hàng yêu thích.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư