NỘI DUNG, TRÌNH BÀY: HỒ HẠ  |   ẢNH: HỒ HẠ, NVCC

 

 

 

Thủ đô Hà Nội đang trong những ngày thu lịch sử kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

 

Thời điểm này, khúc chuyển mùa ở Hà Nội như một bức tranh đa chiều sống động, dung dị, quyến rũ, đài các khiến người dân Thủ đô tràn đầy cảm xúc tự hào, còn những vị khách phương xa không khỏi thổn thức, say lòng.

 

Nắng thu ở Hà thành thật đặc biệt, có khi trong veo như mắt trẻ thơ, có khi quyến luyến như ánh mắt người đang yêu, có khi sắc ánh như chuốt từ óng ánh của tre đằng ngà, có khi dư dả đậm đà hương sắc, có khi vắt ngang hao gầy nỗi nhớ, có khi sóng sánh như mật ngọt ủ đầy yêu thương.

 

Nắng ủ ngọt cho trái sấu chín căng tròn. Nắng hong khô bức tường rêu phố cổ đẫm sương đêm. Nắng tô hồng đôi má trẻ thơ đang vui đùa. Nắng chan hòa trên những mái tóc hoa râm thể dục buổi sáng. Nắng ghé thăm những quán hàng tấp nập người bán mua. Nắng mơn man những đôi chân trên phố. Nắng thắp sáng cho cụ già đọc báo. Nắng phủ kín những tán bàng đang chuyển màu lá. Nắng đọ sắc với lá cơm nguội vàng. Nắng thẩn thơ hòa vào khúc nhạc trữ tình nơi góc quán. Nắng thanh tao điểm tô cho những công trình cổ kính… Thu Hà Nội tạc vào lòng người màu nắng non tơ, muôn lá mơ màng, thân hình cỏ cây lãng mạn cho con người mặc sức say mê.

 

“Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, “Thủ đô anh hùng”, “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”… là những danh hiệu được thế giới chứng thực, được UNESCO và Nhà nước Việt Nam dành tặng cho Hà Nội - Thủ đô hơn ngàn năm văn hiến, với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố.

 

Sau 70 năm hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là từ khi bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, Hà Nội luôn luôn xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

 

Là nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai, giữa Đông và Tây, giữa bề dày văn hiến và sự năng động phát triển thấm đẫm hơi thở thời đại, Hà Nội hôm nay như một thực thể sống, có lắng đọng, có hân hoan, náo nức, có “chất riêng” và một “tâm hồn” khác biệt, thật dung dị, quyến rũ, đài các, mê động lòng người. Đó là sức hút khó cưỡng, khiến không ít người con của xứ sở khác phải lòng, yêu đắm say ngay từ lần đầu đặt chân đến, để rồi gắn bó dài lâu và coi Hà Nội là nhà, là quê hương, là nơi họ thuộc về. Và trong trái tim họ luôn có một “tổ ấm” mang tên Hà Nội.

 

 

Với Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam Saadi Salama và Đại sứ Hữu nghị vì hòa bình của thành phố Hà Nội Saleem Hammad, Hà Nội không phải nơi để đến, mà là nơi để trở về. Đều là người Palestine, nhưng từ trong trái tim và tâm hồn, họ thực sự giống như một người Hà Nội.

 

 

Là một trong số ít những người nước ngoài đã sống và dõi theo những bước phát triển của Hà Nội 44 năm qua, từ năm 1980 đến nay, ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam đã bị Thủ đô hơn ngàn năm văn hiến mê hoặc. Hà Nội âm thầm đi sâu vào trong trái tim, tâm trí, lý trí, biến ông thành một người mang tâm hồn Hà Nội. Như ông chia sẻ: “Tôi sống không khác gì một giai phố cổ”.

 

Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam khẳng định, tròn 70 năm Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã phát triển nhanh ngoài sức tưởng tượng. Nếu nhìn ra, so sánh với Thủ đô của những quốc gia mà ông đã từng làm việc, từng sống ở đó như Ghana, Yemen và một số quốc gia khác ở châu Phi, thì sự thành công, những thành quả của Hà Nội đã đi xa hơn rất nhiều.

 

Đại sứ Saadi kể, từ khi còn là cậu học sinh 10 tuổi, ông đã rất quan tâm đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nên luôn chú ý tìm hiểu về Việt Nam. Ông lý giải: “Bởi chúng tôi coi những thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của chính mình, nó biểu trưng cho một nền độc lập, tự do và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân Palestine”. Thế nên, khi đạt được học bổng của nhiều nước, chàng thanh niên Saadi lập tức chọn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (Việt Nam) và theo học về lịch sử, văn hóa Việt.

 

Lần đầu đến Hà Nội năm 1980, chàng thanh niên Palestine thấy Thủ đô của Việt Nam xinh đẹp, hiền hoà, yên bình. “Phương tiện ở Hà Nội khi đó chủ yếu là xe đạp, nhà cao nhất không quá 5 tầng. Từ sân bay Nội Bài phải đi vòng vèo mất ba tiếng đồng hồ mới vào được trung tâm thành phố”, ông hồi tưởng và cười bảo: “Còn bây giờ, với cầu Nhật Tân và đại lộ Võ Chí Công, chỉ mất hơn nửa tiếng để vào trung tâm”.

 

Đại sứ Saadi còn nhớ, năm 2000 trở lại Hà Nội sau 9 năm xa cách, ông thấy những dòng người nườm nượp di chuyển nhanh trên đường phố bằng xe máy Nhật Bản hiện đại, thay cho dòng xe máy Đông Âu với những chiếc Simson, Babeta, Minsk... Đồng thời Hà Nội có thêm một số tòa cao ốc, nổi bật là hai khách sạn 5 sao sang trọng Hà Nội Daewoo 18 tầng, và Melia 22 tầng.

 

Ở lần trở lại Hà Nội năm 2007, lần đầu tiên ông được nếm mùi tắc đường- thứ “đặc sản” tất yếu ở những thành phố đang phát triển. Nhưng từ trên tầng cao, trước mắt ông là một Hà Nội đẹp hiện đại, với những tòa nhà và những trục đường lớn, buổi đêm tràn ngập ánh sáng từ các cao ốc, biển quảng cáo, đèn đường.

 

“Tôi hiểu Hà Nội đã rất khác so với thời bao cấp, cũng như giai đoạn mở cửa mà tôi có dịp trải nghiệm cuối thập niên 1980. Đó là một thành phố hiện đại, đang vươn mình để trở thành một điểm đến quan trọng trên bản đồ khu vực và thế giới”, ông cười hạnh phúc.

 

Và giờ đây, khi nhìn vào những con số Hà Nội đạt được, ông Saadi bày tỏ: “Tôi tin mọi người dân Hà Nội và Việt Nam, trong đó có tôi vô cùng tự hào với những gì Hà Nội đã và đang làm được”.

 

 

Theo Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam, vượt qua những thử thách khắc nghiệt, chưa có tiền lệ, ứng phó linh hoạt, kịp thời trước những biến động nhanh, liên tục, khó lường của thế giới, dẫu trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương giảm, Hà Nội vẫn giữ vững sự phát triển ổn định với nhiều chỉ số kinh tế quan trọng.

 

Từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người những ngày đầu giải phóng, đến nay, Hà Nội có quy mô dân số hơn 8 triệu người và không ngừng phát triển.

 

Hà Nội cũng là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn ngàn năm tuổi và được biết đến là “Thành phố di sản”, là nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa, văn minh, nơi có bề dày trầm tích văn hóa với số lượng di sản lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc với 5.922 di tích được kiểm kê; 1.350 làng nghề, gần 1.700 lễ hội dân gian, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

 

Văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích không ngừng được chú trọng đầu tư phát triển. Năm 2023, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch trong nước tăng 19,1%.

 

Năm 2023, GRDP của Hà Nội đạt 6,27%; thu nhập bình quân của người dân được cải thiện với 150 triệu đồng/người/năm. Hai năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa với 302.917 tỷ đồng năm 2022 và 381.000 tỷ đồng năm 2023. Đặc biệt, năng suất lao động đều đặn tăng trung bình 7%/năm.

 

Đặc biệt, Hà Nội luôn đứng trong top 2 thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.

 

Sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội đã trở thành “ngọn hải đăng” cho sự thay đổi thần kỳ trong công tác đối ngoại, cũng như thay đổi vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…

 

Đại sứ Saadi khẳng định, Hà Nội là một Thủ đô năng động, có tốc độ phát triển nhanh ngoài sức tưởng tượng. “Ngày 10/10/1954, cách đây 70 năm Thủ đô Hà Nội mới hoàn toàn giải phóng, kinh tế chỉ thực sự phục hồi từ năm 1986 đến nay, thế mà Hà Nội đã có những thành quả như tôi vừa kể. Nếu nhìn ra, so sánh với Thủ đô của những quốc gia mà tôi đã từng làm, từng sống ở đó như Ghana, Yemen và một số quốc gia khác ở châu Phi, thì rõ ràng sự thành công, những thành quả của Hà Nội đã đi xa hơn rất nhiều”, ông phân tích.

 

 Đại sứ Saadi Salama thường xuyên đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm để chiêm ngưỡng những khoảnh khắc "độc nhất vô nhị".

 

 

Đại sứ Saadi cho biết, ông yêu thái độ, phong cách, lối sống và nề nếp của người Hà Nội. “Người Hà Nội nói riêng, người dân Việt Nam nói chung có lòng yêu nước, có niềm tự hào to lớn về lịch sử của đất nước mình và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ”, ông nhận định và cho biết đã thấu hiểu điều đó rõ nhất khi chứng kiến Đại lễ kỷ niệm thành phố Hà Nội tròn 1000 tuổi năm 2010.

 

Trên thế giới không có nhiều Thủ đô hơn 1000 năm tuổi. Riêng ở vùng Đông Nam Á, chỉ duy nhất Hà Nội là thành phố chạm tới cột mốc này. Bản thân con số ấy đã cho thấy bề dày văn hóa, lịch sử của Việt Nam với Thăng Long - Hà Nội là lăng kính hội tụ. Ở đó, người ta không chỉ tìm thấy những câu chuyện về truyền thống, phong tục, nếp sống... của người dân nơi đây trong suốt một thiên niên kỷ. Mà hơn thế, Thủ đô của Việt Nam cũng là nơi gánh những sứ mệnh lớn lao mà lịch sử luôn trao cho một kinh đô.

 

Trong hơn 10 thế kỷ đó, rất nhiều lần, vùng đất này trở thành chiến trường của những cuộc chiến tranh vệ quốc. Cũng rất nhiều lần, người dân Thăng Long- Hà Nội phải tự tay phóng hỏa đốt ngôi nhà của mình, rồi vừa ngày ngày sống trong lòng giặc, vừa lặng lẽ thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại để viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. 

 

Hà Nội đang hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Đó là một dấu ấn xúc động không quên, một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới, nhân dân lao động được làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bước vào xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.

 

Đại sứ Saadi còn chứng kiến tinh thần đoàn kết vượt trội của Hà Nội vào đầu năm 2018, khi Việt Nam đạt kỳ tích đặc biệt với Huy chương Bạc tại Giải vô địch U23 châu Á. “Những đêm đó, mọi con đường của Hà Nội tràn ngập một màu đỏ. Từ già tới trẻ, từ những người bình thường tới các lãnh đạo cấp cao, người Hà Nội đổ xuống đường với băng rôn, áo đỏ và lá cờ tổ quốc trên tay. Một cách tự nhiên, biển người ấy phất cờ, hát quốc ca và hồ hởi reo vang hai chữ Việt Nam. Khu vực gần hồ Gươm nơi tôi ở rộn rã suốt đêm vì sự cuồng nhiệt ấy.

 

 

Ngày đội tuyển U23 trở về, hàng chục ngàn người nối nhau đứng kín hai bên cung đường 30 km từ sân bay Nội Bài vào trung tâm thành phố, với cờ hoa và sự hân hoan để chào đón những tuyển thủ. Phải mất 5 tiếng đồng hồ, chiếc xe chở các cầu thủ Việt Nam mới có thể đi hết quãng đường. Tôi cũng ra đường và chụp nhiều tấm ảnh kỷ niệm gửi cho các bạn Palestine để họ hiểu tinh thần yêu nước của người Hà Nội, người Việt Nam như thế nào.

 

Tôi hiểu sự cuồng nhiệt ấy. Chỉ là một môn thể thao, nhưng đằng sau chiến thắng của bóng đá Việt Nam lại là khát vọng được khẳng định mình của cả một dân tộc. Dân tộc ấy đã bền bỉ chờ đợi, đã nung nấu ước vọng bước ra thế giới bên ngoài từ quá lâu và rồi khi sự tự tin được củng cố bằng kỳ tích của bóng đá. Một cách tự nhiên, họ vỡ òa, phất cờ và gọi tên Tổ quốc mình trong phút giây hạnh phúc”, Đại sứ Saadi kể với ánh mắt hân hoan.

 

Và trong những năm đại dịch Covid-19 hoành hành, Đại sứ Saadi được chứng kiến nhiều hình ảnh và khoảnh khắc đầy xúc động của người Hà Nội trong bệnh dịch. Ở đó, những điều tưởng như có thể bị cuốn đi theo những lo toan của cuộc sống thường nhật bỗng được đề cao và trở thành trọng yếu như phẩm giá con người và trách nhiệm với cộng đồng.

 

 

“Được sống và làm việc ở Hà Nội là niềm hạnh phúc của tôi. Tôi đã kết hôn khi mới 23 tuổi với một cô gái Hà thành nền nã, đoan trang và một “tình yêu sét đánh” đủ độ chín. Giờ tôi đã có “khối tài sản ròng” gồm 1 vợ và 4 con đã thành đạt”, đôi mắt ông hạnh phúc.

 

Một ngày đẹp trời mùa thu tháng 9, chàng trai Trung Đông đã trở thành “chàng rể Hà Nội” và cuộc đời ông chính thức bước sang một trang mới. “Hà Nội, Việt Nam, nơi tôi hướng tới trong suốt những năm tuổi thơ, giờ đây đã thực sự trở thành quê hương của tôi, chiếm vị trí quan trọng trong trái tim tôi. Kể từ đây, tôi đã “nhập gia tùy tục”, học cách sống của người Hà thành, học văn hóa Tràng An. Nhà tôi ở phố Huế, tôi đã sống như một giai phố cổ và thật hạnh phúc vì người dân nơi đây chấp nhận, đối đãi với tôi như một người bản địa, Đại sứ bộc bạch.

 

 

Điểm khác biệt rất rõ mà ông nhận thấy là ở Hà Nội, người vợ thường đi chợ, lo liệu cơm nước. Người chồng ít khi đi chợ và có vẻ cũng không muốn đi chợ. Nhưng, đàn ông Palestine thì vẫn đi chợ như thường. Vợ chỉ cần liệt kê những thứ muốn mua, chồng sẽ đi chợ, mang về hết.

 

Đại sứ Saadi rất thích đi chợ. Gần như tuần nào ông cũng đi chợ Hôm ở gần nhà, vừa để mua sắm vừa tìm hiểu, tiếp xúc và nói chuyện với những người bán hàng. “Bật mí với nhà báo, tôi là khách quen của rất nhiều người bán hàng ở chợ Hôm. Họ luôn để dành và chọn cho tôi những thực phẩm chất lượng nhất, với giá hợp lý”, ông cười hóm hỉnh.

 

Đặc biệt, Đại sứ Saadi chỉ nấu món Palestine khi có khách đến nhà, vì muốn giới thiệu ẩm thực Palestine cho họ. Còn khi không có khách, chủ yếu gia đình ông nấu và ăn món Hà Nội. “Tôi rất thích ăn những món phở, bún, miến. Hằng tuần, ít nhất tôi phải dùng một tô phở, không thì không chịu được”, ông cho biết bữa sáng vừa mới ăn một tô phở Thìn.

 

Theo Đại sứ, ở Hà Nội người dân và du khách muốn ăn món gì cũng có, cả ẩm thực Việt Nam và thế giới. Điều đó làm cho người nước ngoài tới đây khó có thể không hài lòng vì đồ ăn. “Tôi từng nói đùa với những người bạn, nếu họ không đủ sức giữ tôi lại Hà Nội thì hàng chục món ăn truyền thống sẽ thay họ làm điều ấy”, Đại sứ cười tủm tỉm.

 

Đại sứ Saadi Salama trò chuyện với tác giả Hồ Hạ, Báo Đầu tư. Ảnh: Chí Cường

 

 

Bước chân của một nhà ngoại giao đã đưa Đại sứ Saadi tới rất nhiều thành phố trên thế giới, nhưng ông vẫn thấy: “Hà Nội rất khác biệt và đẹp hơn nhiều so với những thành phố lớn của Đông Nam Á. Ở Hà Nội, ẩn sau sắc thái của một thành phố ngàn năm tuổi là một lớp trầm tích văn hóa độc đáo, phong phú và rất khó để tìm hiểu hết chỉ trong một vài ngày. Tôi cũng như người dân Hà Nội xứng đáng được tự hào về nơi mình đang sốngvà làm việc”.

 

Giờ đây, khi sự nghiệp đã ở vào thời điểm chín muồi, hạnh phúc với Đại sứ Saadi chỉ đơn giản là trải nghiệm những điều nhỏ bé hằng ngày như ghé những quán bình dân, ngồi vỉa hè thưởng thức một bát phở hay tô bún;hay đưa bạn bè người nước ngoài tới quán chả cá ở phố Trần Hưng Đạo để vừa hướng dẫn họ cách thưởng thứcmắm tôm với chả cá nóng hổi, vừa xem và kể cho họ nghe về lịch sử Thăng Long - Hà Nội dựa theo những tấm ảnh Hà Nội xưa treo trên tường.

 

Nhà của đại sứ Saadi nằm ở trung tâm Thủ đô, nên nếu không có công việc quan trọng vào buổi tối, ông thường mặc đồ thể thao và đi ba vòng quanh hồ Gươm. Đó không chỉ là hoạt động thể dục, mà là cách để ông chiêm nghiệm về bản thân mình, về cuộc sống. “Tôi nghĩ khu vực quanh hồ Gươm là nơi đẹp nhất của Hà Nội. Bất kỳ ai tới Hà Nội mà chưa đi dạo hồ Gươm thì coi như chưa tới. Hồ Gươm chính là tâm hồn của Thủ đô Hà Nội”, ông chắc nịch.

 

Phở Thìn, số 61 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội là một trong những hàng phở yêu thích của Đại sứ Saadi Salama.

 

Sắp tới, Đại sứ Saadi sẽ nghỉ hưu, nhưng ông cho biết thời gian sống tại Hà Nội vẫn sẽ chiếm phần nhiều: “Hà Nội là nơi tôi trải qua tuổi trẻ và những năm đẹp nhất trong cuộc đời mình, là nơi tôi tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, là nơi tôi bắt đầu sự nghiệp. Và hơn thế, từ trong suy nghĩ, tôi thấy mình luôn là một người Hà thành với những mối quan hệ, cách tư duy và cả thói quen trong sinh hoạt hằng ngày”.

 

Đại sứ Saadi bật mí, kể cả khi chấm dứt công việc của một nhà ngoại giao, ông vẫn còn rất nhiều kế hoạch tại Hà Nội. Với thời gian tự do, ông sự định theo đuổi những ý tưởng mà sự ràng buộc của công việc bây giờ chưa cho phép. Một trong số đó là thành lập Trung tâm trao đổi, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước Ả Rập, để cả hai phía cùng có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ và xích lại gần nhau hơn, như ước nguyện đang có ở mỗi quốc gia.

 

Ông muốn hình ảnh và những câu chuyện về Hà Nội, về Việt Nam có thể được kể nhiều hơn, rộng hơn và chạm tới trái tim cũng như tâm trí của mỗi người Ả Rập giống như ông đã được chiêm nghiệm trong cuộc đời mình. Bởi, như ông nói, “khi có sự chia sẻ và đồng cảm về văn hóa, lịch sử, chúng ta sẽ có sự hợp tác tích cực hơn nhiều so với trước, cả về khoa học, giáo dục, du lịch hay kinh tế...”.

 

Đại sứ Saadi Salama cho biết, ông có nhiều người bạn Việt Nam hơn người Palestine.

Đại sứ Saadi Salama sinh năm 1961, tại tỉnh Hebron, miền Nam Palestine. Năm 19 tuổi, ông nhận được học bổng đi du học và chọn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông đã công tác tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Palestine ở Việt Nam, Lào, Yemen, Ghana…

 

Ông nói tiếng Việt thành thạo như tiếng mẹ đẻ và là một chuyên gia người Ả Rập về Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Nam Á nói chung. Ông đã dịch và hiệu đính một số tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập.

 

Quá trình làm việc của ông Saadi Salama tại Việt Nam:

+ Năm 1982 – 1983, là Bí thư phụ trách về thông tin của Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Việt Nam.

+ Năm 1989 - 1991, là Phó đại sứ tại Đại sứ quán Nhà nước Palestine tại Việt Nam.

+ Từ năm 2009 đến nay, là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam.

+ Từ 2019 đến nay, là Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam.

 

Anh Saleem Hammad, Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của thành phố Hà Nội yêu nét thanh lịch của người Tràng An, yêu mùa thu Hà Nội quên cả lối về. Anh luôn khát khao quảng bá văn hóa Hà Nội ra thế giới.

 

 

Khi đang học tại Học viện Cảnh sát ở quê nhà, anh Saleem đạt được học bổng của Trường Đại học Hà Nội (Việt Nam). “Khi tôi gọi điện về nhà hỏi ý kiến bố mẹ, họ dứt khoát nói: “Nhất định con phải tới Việt Nam. Bố mẹ tự hào vì điều đó”. Bố mẹ tôi đã khen ngợi tinh thần anh hùng, dũng cảm của Việt Nam rất nhiều và muốn tôi đến đây để học hỏi từ chính người Việt”, anh kể và cho biết, đã rất bất ngờ vì trước đó từng đạt học bổng của Đức, Ukraina, Trung Quốc, nhưng gia đình không cho đi du học.

 

“Đến giờ, khi đã gắn bó với Hà Nội 12 năm, tôi hiểu vì sao bố mẹ lại tự hào khi có con du học ở Việt Nam. Palestine- đất nước của tôi rất khao khát nền hòa bình và người Palestine luôn nhìn vào Việt Nam như một tấm gương sáng, một nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine. Việt Nam là một đất nước hình mẫu, chuẩn mực, đã để lại rất nhiều bài học mà nhân loại cần học theo, trong đó có nhân dân Palestine”, anh Saleem đặt tay lên ngực trái xúc động.

 

Đến Hà Nội năm 18 tuổi, Saleem đã ấn tượng mạnh với mùa hoa sữa nơi đây. “Đó là ngày 25/11/2011, từ sân bay về trường, trên đường Thanh Niên với hai hàng cây xanh biếc giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, bác tài xế bảo tôi hạ kính xuống. Khoảnh khắc ấy, một hương thơm ngào ngạt tràn vào, bác tài xế bảo đó là mùi hoa sữa”, anh say sưa kể.

 

Và từ đó đến nay, Saleem đều mong ngóng tận hưởng những ngày thu Hà Nội với tiết trời tuyệt đẹp, dễ chịu, thanh mát khiến lòng người nhẹ nhàng, tươi vui. Và hương hoa sữa nồng nàn trong gió thoảng như khơi gợi về những hoài niệm cũ. Càng gắn bó lâu với Hà Nội, anh lại càng thấy yêu mùa thu thật nhiều, càng có thể cảm nhận rõ nét sự độc đáo chỉ có ở mùa thu Hà Nội.

 

“Trong không khí mùa thu, chỉ cần dạo bước trên phố Phan Đình Phùng, ngắm những xe hoa rực rỡ trên chiếc xe đạp cũ dưới nắng thu thì mọi u sầu, lo toan đều tan biến”, Saleem tả.

 

 

Nhưng với Saleem, điều khiến anh không thể rời xa Hà Nội 12 năm qua là vì mê nghệ thuật ăn nói của người Hà Nội. Anh bảo: “Người Hà Nội rất khéo léo. Sự linh hoạt luôn gắn liền với đời sống của mỗi người dân nơi đây, chứ không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao cây tre mà Việt Nam đang áp dụng. Tôi có thể tóm tắt nó trong hai chữ “thanh” và “lịch”. Người Việt có câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Tôi thích ngữ điệu êm ái, dùng từ tinh tế, áp dụng nhiều văn thơ của người Hà Nội khi nói chuyện”.

 

Đôi khi có người đánh giá người Hà Nội hay nói chuyện vòng vèo, nhưng Saleem lại thích như thế: “Sự thẳng thắn trong công việc rất tốt, nhưng trong đời sống hàng ngày đôi lúc lại làm đau người nghe. Tôi tôn trọng và đánh giá cao sự khéo léo của người Hà Nội khi họ nói một cách dễ nghe nhất có thể. Vì kể cả khi họ từ chối bạn, nhưng bạn vẫn cảm thấy vui và không bị tự ái. Và tôi đã bị mê hoặc bởi nét thanh lịch vượt trội ấy”.

 

Rồi thì, càng giỏi tiếng Việt, Saleem càng yêu Hà Nội hơn khi biết người Hà Nội thích gì, nghĩ gì. Tiếng Việtcũng giúp các công việc phân tích truyền thông cho Đại sứ quán Qatar tại Việt Nam và làm MC, người mẫu, diễn viên, Youtuber, Tiktoker của anh thuận lợi để phát triển sự nghiệp và xây dựng một tương lai tốt đẹp; giúp anh trở thành cầu nối gắn kết tình hữu nghị giữa Palestine với Hà Nội, với Việt Nam, và ngược lại.

 

Anh Saleem Hammad giành Giải Nhất cuộc thi tìm kiếm Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của TP. Hà Nội, năm 2019.

 

 

Với Saleem, giờ đây, Thủ đô Hà Nội là quê hương thứ hai, là nơi anh thuộc về, đến mức, “khi nghe hai tiếng “Hà Nội” là như có gì đó chạm vào con tim tôi, khiến nó thổn thức và rung động lạ thường” như anh thổ lộ.

 

Saleem kể: “Sau khi tốt nghiệp Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội vào tháng 6/2016, tôi đã quay trở về Palestine để làm việc, nhưng 9 tháng ở quê nhà, tâm hồn tôi như chia làm hai nửa, một nửa ở Palestine và một nửa ở Hà Nội. Sau 9 tháng nhớ Hà Nội da diết, tôi mới biết rằng tình yêu tôi dành cho Hà Nội lớn đến nhường nào. Do vậy, tôi đã quyết định quay lại Hà Nội và gắn bó với Hà Nội lâu hơn nữa. Đến thời điểm hiện tại, tôi có thể chắc chắn khẳng định rằng: Hà Nội chính là quê hương thứ hai của mình”.

 

Saleem không phải người Hà Nội theo cách là người được sinh ra và lớn lên tại nơi đây. Nhưng Hà Nội cất giữ cho riêng anh những kỷ niệm của thanh xuân và trưởng thành. Anh thường hẹn hò bè bạn ngồi cà phê bên con đường ven hồ Tây để cùng chuyện trò và ngắm cảnh. Anh thích xuống chân cầu Long Biên, ngồi bên bờ sông Hồng, ngắm nhìn những ánh đèn của các tòa nhà cao tầng phía bên kia sông, nhìn những dòng xe trên cầu đi lại.

 

“Có những hôm tôi được ngắm cả đoàn tàu chạy vút qua cây cầu trăm tuổi, rồi nhìn vào dòng nước cuộn trôi, nghe tiếng sóng vỗ bờ dào dạt. Quả thật, Hà Nội như hiểu tôi muốn gì và đã dành tặng riêng tôi một không gian riêng tư và tuyệt vời đến thế!”, Saleem đã yêu Hà Nội từ những điều bình dị nhất.

 

Đặc biệt, Saleem thích lái xe máy khám phá phố xá nên có thể thuộc gần hết đường phố Hà Nội. Anh rất ấn tượng về văn hóa chợ cóc ở Hà Nội vì giá vừa rẻ vừa tươi, và còn có thể giao lưu và được mua hàng với giá ưu đãi nhờ nói được tiếng Việt.

 

Về ẩm thực, Saleem khó lòng thể thưởng thức được hết đặc sản tiêu biểu của Hà Nội vì không ăn được thịt lợn. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, anh đã nghĩ ra cách tự chế biến ở nhà và thay thế thịt lợn bằng thịt bò. “Chẳng hạn, khi làm và thưởng thức món nem rán, tôi vẫn cảm nhận được hương vị thơm ngậy, ngon ngọt đậm đà”, Saleem kể và cho biết vô cùng thích món ngon này.

 

Anh Saleem Hammad tự tay chế biến món nem rán bằng thịt bò.

 

Ngoài ra, Saleem cũng thường ghé Bát Đàn để ăn bún riêu cua, đến Phùng Hưng để ăn phở bò, rồi ăn phở gà trộn ở phố Hàng Hòm, nộm bò khô ở phố Hồ Gươm hay tụ tập bạn bè ăn uống thì sẽ đến Thi Sách để quây quần bên nồi lẩu bò nhúng dấm. Anh còn rất thích cốm, một món quà của lúa non có vị đồng điệu với một món ăn được làm từ lúa mì non ở Palestine. Chúng có chung vị thơm thơm, dẻo dai, ngọt béo. “Hà Nội “nhỏ nhưng có võ” với bao nhiêu đặc sản như níu giữ vị giác của con người, khiến thực khách khi đã ăn là sẽ không thể nào quên được”, Saleem quả quyết.

 

 

Với vốn tiếng Việt tinh tế, sự am tường về văn hóa, lịch sử Hà Nội và Việt Nam, năm 2019, khi tham gia cuộc thi tìm kiếm Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của TP. Hà Nội, Saleem đã giành được Giải Nhất, trở thành nam vương của cuộc thi và đạt được danh hiệu Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của TP. Hà Nội. “Lúc đó, tôi đã khẳng định rằng, tôi yêu Hà Nội và Việt Nam, Việt Nam và Hà nội cũng yêu tôi. Tôi hay nói là đất nước Việt Nam có hình chữ S và tên Saleem bắt đầu bằng chữ S, nên hai chữ S có duyên với nhau”, anh tự hào.

 

Saleem tâm sự: “Hiện tại, không nơi đâu, không quốc gia nào xứng đáng và khao khát nền hòa bình bằng dân tộc Palestine. Khi thành phố Hà Nội trao tặng tôi danh hiệu Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của thành phố Hà Nội, tôi nghĩ họ cũng biết rằng, người Palestine đã khao khát sự hòa bình như thế nào. Đồng thời, tôi thấy mình như một đứa con của dân tộc Palestine mang tinh thần và tâm hồn như một người Hà Nội. Palestine là nơi tôi sinh ra, còn Hà Nội là nơi tôi thuộc về. Cũng như tình yêu với Palestine, tình yêu của tôi với Hà Nội, với Việt Nam xuất phát từ lòng yêu nước”.

 

Saleem cho rằng, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung hiện có rất nhiều mặt hàng và tiềm năng cũng như những nhiều điều kiện để có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Vì thế thời gian tới, anh sẽ sản xuất thêm nhiều video bằng tiếng Ả Rập để giới thiệu Việt Nam đến với thế giới Ả Rập liên quan đến văn hóa, du lịch, thương mại, đầu tư… Đồng thời, anh sẽ làm song song nội dung bằng tiếng Việt giới thiệu về thế giới Ả Rập cho người Việt Nam và cả nội dung bằng tiếng Ả Rập, giới thiệu Việt Nam cho người Ả Rập.

Anh Saleem Hammad sinh năm 1993 tại Palestine. Năm 2011, anh đến Hà Nội theo học bổng tại Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội. Saleem từng được trang Arabianbusiness.com bình chọn là một trong 100 người Ả Rập có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới năm 2017. Anh vượt qua hơn 1.000 thí sinh để trở thành Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của thành phố Hà Nội 2019. Năm 2022, anh đoạt Giải Nhất cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi”. 12 năm qua, Saleem tham gia nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật quảng bá Hà Nội và Việt Nam.

Đại sứ Saleem Hammad và tác giả Hồ Hạ trong chương trình Đối thoại với chủ đề "Việt Nam - Nơi tôi thuộc về" do Báo Đầu tư thực hiện. Ảnh: Chí Cường

 

(CÒN NỮA)

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 2

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 3

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 4

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 5

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 6

 

HỒ HẠ 10/08/2024 10:10
Back To Top