BÀI, ẢNH: NGÂN DƯƠNG   |   TRÌNH BÀY: HỒ HẠ

 

LỜI TÒA SOẠN

 

Giữa bao la đất trời, biển cả như người mẹ vĩ đại chở che đàn con. Và nơi vùng biển thiêng liêng thể hiện chủ quyền của dân tộc, những cái tên như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Cô Lin, Đá Thị vẫn sừng sững hiên ngang, minh chứng hùng hồn về một Việt Nam bất khuất trong quá khứ, ngời lên sức sống mãnh liệt hôm nay và trường tồn mãi về sau.

 

 

Những bữa cơm gia đình ấm nóng trên tàu KN390 mà chúng tôi được trải nghiệm trên hải trình tiến về Trường Sa chứa chất những giọt mồ hôi của các chiến sỹ - đầu bếp tay ngang.

 

 

Trong những câu chuyện về Trường Sa, về biển đảo, nhà giàn, những người có may mắn được đến thăm Trường Sa trên chuyến tàu KN 390 của đoàn công tác số 5 có lẽ sẽ không bao giờ quên được những giây phút quây quần bên mâm cơm ấm áp, thơm ngon, nóng hổi, đủ dinh dưỡng và chuẩn vị cơm nhà mà các chiến sỹ trên tàu KN 390 đã chuẩn bị.

 

Để làm ra những bữa cơm ấy là cả công sức, sự vất vả, nhọc nhằn của những chiến sỹ - đầu bếp tay ngang như cách nói mà đoàn chúng tôi hay nói mỗi khi nhắc về các anh.

 

Bếp trưởng Hoàng Tiến Sĩ

 

Nhắc một chút về hành trình đi biển mà ai đã trải nghiệm đều hiểu rằng, chỉ cần ngồi không thôi thì những con sóng bạc đầu trên biển những lúc sóng to, gió lớn sẽ hành hạ bất kỳ ai. Vậy mà, những người đầu bếp không chuyên ấy phải đi lại thoăn thoắt quanh căn bếp nhỏ để nấu cho đại biểu trên tàu những bữa cơm ngọt lành.

 

4 bữa ăn gồm sáng, trưa, chiều, tối của gần 300 đại biểu được chuẩn bị chỉ bởi vỏn vẹn có 5 nhân lực trong nhà bếp, gồm 3 người nấu chính và 2 người phụ bếp. Theo lời đầu bếp trưởng Hoàng Tiến Sĩ, trong một không gian thoải mái, rộng rãi, việc nấu 4 bữa ăn/ngày cho 300 người đã rất áp lực, vậy mà với các anh, công việc ấy lại được tiến hành trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, với căn bếp nhỏ và luôn bập bềnh chực ngã do sóng biển gây ra.

 

 

Điều đặc biệt hơn nữa các đầu bếp ở đây không được đào tạo chuyên nghiệp về nấu ăn mà đều là “tay ngang”. Nhưng dù là “tay gang” thì khi đã được giao nhiệm vụ, với bản lĩnh người lính, không nhiệm vụ nào không hoàn thành, không khó khăn nào không vượt qua, các anh đã nỗ lực từng giây, từng phút để đưa lên bàn ăn những món ngon chất lượng.

 

Bếp trưởng Sĩ đã có hơn 30 năm phục vụ trong quân đội, anh quê ở Hà Tĩnh, nhưng gia đình đang sống ở Đà Nẵng. Thời gian về thăm nhà trong năm ngắn chẳng tày gang, nhưng anh luôn tâm niệm một khi đã lựa chọn con đường quân nhân, thì phải chấp nhận hy sinh vì một sứ mệnh cao cả mà quân đội giao phó.

 

Anh kể, có những hôm biển động, vừa nấu bếp các anh vừa say sóng, nhưng trên hết, anh và các đồng đội luôn nhắc nhở nhau, dù chỉ ngủ có 3 tiếng/ngày, hay làm việc thâu đêm, thì ưu tiên luôn là sức khỏe của các đại biểu, đại biểu khỏe, đầu bếp mới vui.

 

Trò chuyện với tôi, đầu bếp Ngô Hải Sơn nói rằng, thời gian đầu khi mới được điều động sang nấu bếp trên tàu anh rất lo lắng vì bản thân không có kinh nghiệm. Nhưng sau khi làm việc, được sự trợ giúp của đồng đội cũng như bản lĩnh sẵn có được trang bị của người lính, dần dần anh có được sự tự tin.

 

“Nấu bếp trong tình trạng tay cầm dao không vững, cắt khúc thịt, khúc cá rất khó khăn, hay lúc đồ đạc không nằm im mà xô đẩy loạn lên vì biển động là chuyện thường ngày. Chúng tôi thường tếu táo với nhau rằng, hôm nào biển êm quá lại thấy thiếu thiếu”, anh Sơn hài hước kể.

 

Đầu bếp Ngô Hải Sơn

 

Cũng theo lời đầu bếp Ngô Hải Sơn, có đại biểu vì muốn bớt cảm giác say nên đã xuống bếp nhặt rau hoặc làm các việc vặt để quên cảm giác say, nhưng chỉ cần vài phút ở bếp thì đã không chịu nổi bởi cường độ và sự chóng mặt do các con sóng lớn gây ra.

 

Không chỉ vất vả khi nấu ăn, mà khâu chuẩn bị đồ ăn, phục vụ đại biểu trên tàu cũng là một hành trình gian nan. Theo thiết kế trên tàu, có một khoảng không rộng gọi là sân bay, đây là nơi để tổ chức các buổi tiệc liên hoan quy mô toàn tàu.

 

Do ở ngoài không gian thoáng, nên gió biển rất mạnh. Có lúc vừa dọn bàn ra thì gió to quá làm đổ ập cả mâm thức ăn. Có hôm sóng lớn, đại biểu khi ăn thay nhau đứng giữ chân bàn bởi biển động, sóng to, tàu lắc, bàn ăn không thể đứng yên khiến thức ăn có thể đổ vãi ngay lập tức, vậy là bao công sức bị bỏ đi. Tuy vậy, mâm cơm này đổ thì mâm khác lại được dọn lên, những cán bộ này không khi nào để đại biểu phải bụng đói mà rời bàn ăn.

 

 

 

Công việc dù vất vả, áp lực là vậy, song điều đặc biệt ấn tượng mà đoàn chúng tôi cảm nhận đó là chưa khi nào thấy các đầu bếp không chuyên này có thái độ không niềm nở.

 

Với họ, lúc làm việc trong bếp thì nghiêm túc, chỉn chu và nhanh nhẹn, khi phục vụ các bàn ăn thì luôn cân cần, nhẹ nhàng, đúng mực. Trên tàu, gió biển lạnh là vậy, đại biểu chúng tôi thì phải khoác áo len, vậy mà trên trán các anh, những giọt mồ hôi vẫn lăn dài.

 

 

Nhiều đại biểu tham gia hải trình phải thốt lên rằng, bữa liên hoan ấm tình quân dân trên đảo thực sự là bữa cơm chứa đầy ân tình, bao hàm toàn bộ mỹ vị nhân gian, mỗi món ăn, mỗi bát canh, bát cơm chứa đựng mồ hôi, công sức của các chiến sỹ.

 

Ở đất liền, có thể dễ dàng thưởng thức bữa ăn với của ngon vật lạ, nhưng khi lênh đênh trên biển, vẫn được ăn bữa cơm nhà khiến cho ai cũng xúc động và không ngớt lời cảm ơn các chiến sỹ.

 

Sự chuyên nghiệp, chăm sóc chu đáo cho đại biểu còn thể hiện ở việc, do đặc trưng đi tàu, nên nhiều đại biểu nữ, hoặc đại biểu sức khỏe kém bị say sóng, các chiến sỹ đã đi gõ cửa từng phòng để hỏi thăm và chuyển thức ăn đến phòng cho đại biểu.

 

Nếu đại biểu có yêu cầu riêng về thức ăn khác, cũng đều được các chiến sỹ vui vẻ đồng ý. Có đại biểu nữ bị say sóng, muốn ăn các thức ăn thanh đạm như ngô và khoai luộc liền được tức tốc đáp ứng. Hay bữa sáng, dù quy định một món chính để tiện cho công tác chuẩn bị, nhưng nếu đại biểu có yêu cầu khác, vẫn nhận được cái gật đầu và nụ cười đồng tình của các đầu bếp.

 

Dù bộn bề công việc, áp lực nấu ăn cho 300 người không hề nhỏ, nguồn nhân lực lại ít, song các anh không ngần ngại nấu riêng cho đại biểu theo khẩu vị và yêu cầu, ví như với món mỳ tôm trứng, có người yêu cầu trứng phải lòng đào, người khác lại yêu cầu trứng chín kỹ. Chính bởi như vậy, nên nhìn các đầu bếp quay như chong chóng trong căn phòng bếp chật chội, nhiều người không khỏi cay nơi khóe mắt.

 

 

Đôi khi, tình quân dân, đồng đội, đồng chí không phải là những gì xa xôi hay sách vở, đó là hành động, cử chỉ quan tâm thân tình của những người chung một chuyến tàu, hướng về Trường Sa thân yêu - máu thịt của Tổ quốc.

 

Chị Nguyễn Thị Thu Quỳnh, giảng viên Đại học Hàng hải Hải Phòng nói rằng, mỗi lần xuống bếp ăn cơm là chị lại cảm động trước những vất vả của người lính - vua đầu bếp trên biển. Những bữa cơm chị đã ăn trong suốt hải trình ra Trường Sa đều là mỹ vị nhân gian, khiến cả đời không quên.

 

Còn theo lời chị Nguyễn Thị Thanh Lanh, chuyên viên chính Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, mỗi khi ngồi trước bữa cơm do các đầu bếp trên tàu chuẩn bị chị đều không giấu được sự biết ơn.

 

Chị cảm ơn các anh, những chiến sỹ thầm lặng đã không quản ngại vất vả, khó khăn để chăm sóc sức khỏe cho các đại biểu của đoàn công tác. Các anh dù mệt mỏi, dù đôi mắt thâm quầng, dù bụng có đau hay chân có mỏi thì vẫn là những chú ong cần mẫn mang tới cho đại biểu bữa cơm ấm lòng nơi biển khơi bao la.

 

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 2 TẠI ĐÂY

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 3 TẠI ĐÂY

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 4 TẠI ĐÂY

 

NGÂN DƯƠNG THỰC HIỆN 29/04/2024 09:00
Back To Top