BÀI, ẢNH: NGÂN DƯƠNG   |   TRÌNH BÀY: HỒ HẠ

 

Giữa bao la đất trời, biển cả như người mẹ vĩ đại chở che đàn con. Và nơi vùng biển thiêng liêng thể hiện chủ quyền của dân tộc, những cái tên như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Cô Lin, Đá Thị vẫn sừng sững hiên ngang, minh chứng hùng hồn về một Việt Nam bất khuất trong quá khứ, ngời lên sức sống mãnh liệt hôm nay và trường tồn mãi về sau.

 

 

Sự sống đang nảy mầm, sinh sôi nơi biển cả bão tố cùng với tiếng cười nói giòn tan của con trẻ, khuôn mặt rám nắng của những ngư dân bám biển và hình ảnh kiêu hùng, chắc tay súng giữ vững biên cương của chiến sĩ Hải quân.

 

 

Hướng về Song Tử Tây trong hành trình thăm quần đảo Trường Sa trên con tàu hiện đại nhất của Kiểm ngư Việt Nam -  tàu KN 390, trong tim mỗi người trong Đoàn công tác số 5 đều chung sự hồi hộp và mong ngóng khôn nguôi. Giữa đại dương bao la và lớp lớp con sóng bạc đầu, nhiều người không tránh khỏi cảm giác say sóng khó chịu, nhưng trên hết, sự háo hức về biển cả, về cuộc sống của quân và dân trên đảo đã lấn át tất cả.

 

Ngồi trên mạn tàu, nhìn những cơn sóng giữ lớp lớp vỗ vào mạn tàu, khuôn mặt thì bỏng rát vì gió mang theo muối biển quất vào từng đợt, quần áo đôi chỗ sẽ trắng xóa bởi vị mặn của muối theo những con sóng xô mạn thuyền bắn tung tóe lên, nhưng ai nấy đều thấy vui sướng và coi như trải nghiệm đặc biệt trong cuộc đời.

 

 

Sau hai ngày lênh đênh trên biển, khi bình minh vừa ló dạng thì cũng là lúc đoàn công tác số 5 có mặt tại đảo Song Tử Tây trong tiếng vỗ tay chào đón nhiệt thành của quân và dân trên đảo.

 

Trên đường từ bến cảng vào đảo, ngắm nhìn hàng cây phong ba, bão táp to nhỏ được trồng xen kẽ nhau ở khắp nơi với những chùm hoa trắng xinh được chiếu rọi bởi ánh mặt trời xanh ngát cho mỗi người một cảm giác bình yên đến lạ.

 

 

Suy nghĩ chợt đến trong tôi đó là phong ba, bão táp dù chỉ là tên hai loại cây, nhưng đã nói hết được những vất vả, khó khăn, gian nan mà quân và dân trên đảo phải đối diện hàng ngày, hàng giờ.

 

Một loại cây khác là bàng vuông - biểu tượng của Trường Sa cũng đang mùa đơm hoa, kết trái nơi đây. Những chùm hoa với sắc tím mong manh được bao quanh bởi các cánh hoa màu trắng đã tạo ra một bức tranh tuyệt mỹ, như hình ảnh pháo hoa đêm giao thừa ở đất liền khiến cho bất kỳ ai nhìn thấy đều phải xúc động, vì cánh hoa dù mỏng manh, nhưng tràn đầy nhựa sống ấy. Bàng vuông chỉ nở về đêm và màu tím của hoa cũng thể hiện cho tình yêu son sắc, thủy chung của người lính Hải quân với biển đảo thiêng liêng.

 

 

Lá bàng vuông ngoài việc tạo bóng mát còn dùng để gói bánh chưng ngày Tết. Bàng vuông đơm quả tầm cuối năm, màu xanh, hình đèn lồng 4 hoặc 5 cạnh vuông. Một thứ quả đặc biệt nơi biển cả mà ai đặt chân đến cũng muốn mang về làm quà cho đất liền như một biểu tượng của Trường Sa.

 

Trên đảo, loài cây với tên gọi khá đặc biệt là cây tra với tán lá xanh và những chùm quả xanh mơn mởn đang vào mùa cũng thu hút sự chú ý của tôi.

 

Cây tra tán rộng và cao hơn cây bàng, không chỉ cho bóng mát, làm nên màu xanh cho đảo. Cùng với bàng vuông, phong ba, bão táp làm sắc đảo thêm xanh, cây tra còn có một sứ mệnh thật đặc biệt khác đó là hiện diện trên bàn ăn của quân và dân trên đảo.

 

 

Lá cây tra được sử dụng như một loại rau xanh thông dụng trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt khiến các loại rau xanh khó sinh trưởng. Trung tá Đặng Văn Tài, Chính trị viên phó Đảo Song Tử Tây nói rằng, quân dân trên đảo thường sử dụng lá tra non hoặc bánh tẻ để ăn sống hay ăn kèm với cá hấp, thịt luộc. Lá tra sau khi hái trên cây về rửa sạch, để ráo nước. Khi ăn, trải lá ra đĩa rồi cho thịt, cá, rau cải mầm, giá đỗ vào quấn, chấm với nước mắm pha tỏi, ớt.

 

Lá và quả tra ra quanh năm. Vì quả tra gần giống với quả nho nên được quân dân trên đảo quen gọi là nho Trường Sa. Khi được bà con trên đảo cho nếm thử vị của loại quả này khi còn xanh và khi đã chín thực sự là những trải nghiệm khác biệt.

 

Cảm giác khi nếm quả tra còn xanh là vị chát nơi đầu lưỡi, nhưng lâu dần lại cảm nhận được vị thanh mát. Thưởng thức quả tra khi còn xanh cũng giống như thẩm một tách trà nóng, có sự chát đắng ban đầu và thanh ngọt về sau.

 

 

Còn quả tra khi chín thì lại có vị đặc biệt hơn rất nhiều. Một thứ mùi vị mằn mặn, nhưng lại ngòn ngọt khó tả. Phải chăng, chính vị mặn của muối biển thấm đẫm những giọt mồ hôi và tình cảm của của người dân miền biển đã tạo ra một thứ quả đặc biệt, hơn cả mỹ vị nhân gian khiến ai có may mắn thưởng thức đều thấy mê mẩn. Có một chị trong đoàn nói hình ảnh rằng, đây là loại quả tra thương nhớ vào trong tim mỗi lữ khách phương xa.

 

Giữa bao la cát trắng cằn cỗi với muối biển mặn chát, ánh mặt trời thiêu đốt và gió thì không ngừng thổi, những hàng cây ấy vẫn hiên ngang giữ màu xanh cho đảo, vẫn bật dậy với sức sống mãnh liệt giữa sóng cồn, bão giật.

 

 

Từ những loại điển hình như tra, bàng vuông, phong ba, bão táp đến những vạt rau xanh do quân và dân trên đảo tự trồng, luống hoa muống biển hay những gốc hoa giấy, hoa champa rực rỡ đều muốn nói rằng sự khắc nghiệt của thời tiết không làm mất đi sức sống mãnh liệt của chúng và khiến đảo nhỏ thêm xanh.

 

Không còn là những hòn đảo chỉ toàn cát trắng và san hô, Trường Sa hôm nay đã thay da đổi thịt. Xen giữa những công trình mái ngói đỏ tươi là hàng ngàn cây xanh đâm chồi, nảy lộc vươn mình trong nắng gió mặn mòi của biển cả. Sau những giờ huấn luyện trên thao trường, cán bộ, chiến sỹ trên đảo đều dành thời gian chăm sóc cây xanh, tăng gia sản xuất.

 

 

Ở Trường Sa, không phải cây nào trồng xuống cũng phát triển. Vì thế, chiến sỹ và ngư dân nơi đây luôn coi cây xanh như người bạn thân thiết. Việc chăm sóc cây xanh ở Trường Sa rất tỉ mỉ và tốn nhiều công sức hơn trong đất liền.

 

Với đặc thù về thổ nhưỡng ở Trường Sa chủ yếu là cát, san hô nên khả năng giữ nước rất hạn chế. Đất được mang từ đất liền ra, nhưng do không khí có nồng độ muối cao, nên chỉ sau một thời gian trồng cây, đất cũng bạc màu, nghèo dinh dưỡng.

 

Theo Thiếu tá Lý Quý Cường, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn, giữa mênh mông trùng dương, khí hậu rất khắc nghiệt, không phải loại rau xanh nào cũng trồng được. Vào mùa hè, chỉ trồng các loại rau ngắn hạn, qua tháng 6 mới triển khai việc trồng cây dài hạn phục vụ nhu cầu thực phẩm của đơn vị.

 

 

Trên đảo thiếu nước ngọt, các chiến sỹ phải làm giàn che để bảo vệ sóng dâng đập vào vườn rau. Ngoài ra, phải tận dụng nước rửa rau, rửa bát để tưới cây. Mỗi chiến sỹ đều trân trọng từng bao đất, hạt giống từ đất liền mang ra và chăm bón để trở thành luống rau xanh ngon nhất. Để một cây giống từ đất liền cắm rễ sâu giữa lòng biển đảo, để có một màu xanh giữa trùng khơi là cả sự nỗ lực không mệt mỏi với sự kiên trì.

 

Nhìn sắc xanh tại Trường Sa hôm nay mới thấy rõ hơn những vất vả cũng như hy sinh nhưng đầy màu sắc tươi sáng của quân và dân trên đảo, không chỉ chắc tay súng giữ bờ cõi, mà còn phủ xanh Trường Sa bằng nỗ lực phi thường.

 

Đại tá Phạm Văn Kim, Phòng Chính sách quân chủng Hải quân hội ngộ cùng con trai Phạm Quang Phú, hiện đang công tác tại đảo Sinh Tồn.

 

Đang mải mê nghĩ về sự đặc biệt của những loài cây nơi đây với sắc tím hoa bàng, vị mặn ngọt của trái nho Trường Sa, sự rực rỡ của những gốc hoa giấy, hoa champa, gốc bàng vuông, rặng phi lao, tôi bất chợt chứng kiến cuộc hội ngộ của người cha và con trai nơi đảo xa.

 

Dưới gốc bàng vuông, chen lẫn khuôn mặt rắn rỏi của người lính đảo là đôi mắt ngấn lệ của một người cha già nơi miền Trung nắng gió. Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh - đang đóng quân tại đảo Song Tử Tây vui mừng khôn xiết khi gặp lại người cha yêu dấu của mình.

 

Bác Nguyễn Văn Long, bố của thiếu tá Vinh xúc động nói rằng, ông vô cùng biết ơn khi được có mặt trên chuyến tàu KN 390 của đoàn công tác số 5 thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1. Với ông, 18 tháng Vinh xa nhà là 18 tháng gia đình sống trong nhớ mong, nhưng cũng rất tự hào về con.

 

Cuộc hội ngộ của bố con Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh.

 

Khuôn mặt với đầy những nếp nhăn nơi khóe mắt, nhưng ánh lên niềm hạnh phúc rạng ngời của người cha xứ Nghệ đã khiến mọi người xung quanh xúc động nghẹn ngào.

 

Ngắm nhìn con trai mạnh khỏe, rắn rỏi với nụ cười rạng rỡ, bác Long nắm chặt tay con dặn dò không phải ai cũng vinh dự được ra Trường Sa làm việc, vậy nên, dù vất vả, nhọc nhằn hay gian khó, đó đều là vinh dự và sứ mệnh của một người lính bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong chuyến công tác tại Trường Sa.

 

Khi không khí xúc động đang bao trùm quanh bàn trà nhỏ dưới gốc bàng vuông thì nụ cười giòn tan của con trẻ cất lên khiến mọi người hướng ra với ánh mắt hạnh phúc, rộn ràng. Cách đó không xa là người phụ nữ trẻ có làn da rám nắng, nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng, dắt tay hai bé trai với tiếng cười giòn tan tiến lại gần chúng tôi.

 

Trong câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thị Lơ kể, chị ra đảo sinh sống từ giữa năm 2023, đến nay đã gần 1 năm quen với sóng gió và vị mặn mòi biển cả. Hai con với cái tên Phạm Nhật Huy và Phạm Nhật Hoàng mà anh chị đặt cho con từ khi còn ở đất liền mang theo khát vọng về một cuộc sống rực rỡ ở tương lai, nhưng khi trải nghiệm cuộc sống bình yên trên đảo chị lại thấy yêu vô cùng.

 

Gia đình hạnh phúc của chị Nguyễn Thị Lơ.

 

Chị vui và hạnh phúc khi chứng kiến con lớn lên mạnh mẽ cùng biển khơi. Và dù được mệnh danh là quần đảo bão tố với những cơn bão lớn, gió giật mạnh từng cơn như muốn cuốn phăng mọi thứ đi làm cho cây cối khó sinh trưởng, hay những dịp cuối năm gió mùa đông bắc thổi mạnh, đập vào bờ rồi tung bọt trắng xóa lên đảo khiến nơi đây bị bao phủ bởi màu trắng mặn mòi của muối biển cộng với điều kiện sinh hoạt còn đó nhiều thiếu thốn, nhưng hơn hết tình quân dân ấm nồng nơi đây đã cho chị thêm nhiều động lực.

 

“Sự quan tâm, động viên của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây giúp gia đình tôi và nhiều hộ dân khác trên đảo thêm vững tin. Và dù thiếu thốn vật chất là khó tránh, nhưng tình cảm dạt dào và tiếng cười luôn vang rộn. Thiếu rau xanh thì chúng tôi nỗ lực trồng thêm, lớp này không sinh sôi thì chúng tôi lại trồng lớp khác. Cứ như vậy, ngư dân chúng tôi truyền cho nhau một niềm tin, sự lạc quan và an vui”, chị nói thêm trong sự tin tưởng.

 

Ông Nguyễn Tuấn, Phó chánh Văn phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (bên trái) và nhà báo Ngân Dương, phóng viên Báo Đầu tư tại đảo Sinh Tồn.

 

Khi câu chuyện còn đang dang dở thì tiếng gọi học trò của cô giáo Trường Mầm non Song Tử Tây như nốt bổng trong bài hát đưa chúng tôi đến một miền ký ức khác. Nơi đây, những mần non của đất nước đang đâm chồi nẩy lộc cùng với màu xanh của cây cối, vị mặn mòi của biển cả.

 

Rời Song Tử Tây, trong tim tôi là hình ảnh anh dũng, tinh thần quật khởi vượt mọi gian khó để giữ vững từng tấc đất, chủ quyền biển đảo của dân tộc của quân và dân nơi đây. Nhìn về Song Tử Tây, tôi tin rằng, nơi mảnh đất này sẽ bừng lên nhiều nhựa sống mãnh liệt trong tương lai để lớp lớp người Việt mỗi khi đặt chân đến đều thêm tự hào.

 

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 2

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 3

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 4

 

NGÂN DƯƠNG THỰC HIỆN 30/04/2024 10:10
Back To Top