Sinh năm 1940 tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nuôi giấc mơ làm kỹ sư chế tạo máy với mong muốn giúp người dân xứ Nghệ bớt vất vả, nhọc nhằn, nhưng cuộc đời lại đưa đường, dẫn lối để ông Nguyễn Đình Lương trở thành nhà đàm phán quốc tế có kiến thức sâu rộng, chuyên nghiệp, đầy bản lĩnh, sự kiên cường, mềm dẻo, cương nhu linh hoạt, tận tâm, cần mẫn và đáng tin cậy.
Hơn 2 thập kỷ là người đàm phán thương mại cấp Chính phủ, ông Nguyễn Đình Lương đã trực tiếp tham gia đàm phán các hiệp định với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, với Singapore, Canada, Na Uy, Thụy Sỹ… và sau cùng là Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) kéo dài suốt 5 năm từ năm 1995 -2000.
Hiệp định BTA được ký kết ngày 13/7/2000, có hiệu lực từ ngày 10/12/2001, đã góp phần giúp Việt Nam làm vỡ tảng băng trì trệ của nền kinh tế bao cấp; làm nghiêng đổ những chiếc cột đồng chống đỡ nền kinh tế “xin - cho”; bẻ gãy chiếc then cài cổng cho gió WTO thổi vào từng phòng họp, hội trường, từng giảng đường, thư viện; tháo tung chiếc hộp pháp lý được sản xuất bằng chất liệu “độc quyền” và “phân biệt đối xử”.
Đồng thời, mở ra con đường mới của sự hòa ái, hữu nghị và phát triển cho Việt Nam. Một trang sử mới đã bắt đầu, khi những cựu thù trở thành đối tác và dần dần làm bạn tốt theo cách nhân dân hai nước cùng có lợi, khép lại quá khứ, nắm lấy tương lai, tha thứ và hòa giải.
Đặc biệt, cánh cửa hội nhập đã rộng mở cho Việt Nam sau khi BTA được ký kết, mở đường cho Việt Nam đàm phán và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương khác.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng hơn 240 lần từ khi bình thường hóa quan hệ. Từ 451 triệu USD (năm 1995) lên hơn 123 tỷ USD vào năm 2022. Nhờ hợp tác làm ăn với Hoa Kỳ và thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi. Năm 1995, GDP của Việt Nam chỉ khoảng 33 tỷ USD, nhưng nay đã lên trên 400 tỷ USD.
Nhân sự kiện kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm Việt Nam ngày 10 - 11/9/2023, chúng tôi đã tìm đến ông Nguyễn Đình Lương để nghe những câu chuyện của người trong cuộc về tác động của BTA và cả những quan sát về quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ trong quá khứ, hiện tại, tương lai.
Một buổi chiều thu Hà Nội nắng vàng ươm như trải mật, trong tư gia giản dị, an yên của nhà đàm phán kỳ cựu Nguyễn Đình Lương trên phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội, đối lập với phố xá ồn ào và tiếng bán mua của những hàng trái cây ngoài cổng, bằng chất giọng ấm áp, sôi nổi xứ Nghệ, ông luôn khiêm nhường tự nhận mình chỉ là “người thợ cày” cần mẫn trên cánh đồng BTA, với khát khao duy nhất là mang lại lợi ích cho đất nước, để Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, hội nhập và phát triển, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Vóc người thấp đậm, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt nheo nheo như cười khi trò chuyện với những câu từ minh triết, trí tuệ và đầy hóm hỉnh, nhà đám phán bậc thầy ngẫm lại hành trình gập ghềnh, gian khó đã qua. Ông bảo, nếu không sinh ra từ vùng đất nắng gió xứ Nghệ, không được rèn giũa bản lĩnh trong sự kiên cường, khó nhọc từ thuở ấu thơ, có lẽ, ông khó lòng vượt qua tầng tầng, lớp lớp khó khăn để đi đến cái kết có hậu như mơ, nơi đầy ắp hoa trái ngọt lành.
(CÒN NỮA)