LỜI TÒA SOẠN
Vượt qua những thử thách khắc nghiệt, chưa có tiền lệ, ứng phó linh hoạt, kịp thời trước những biến động nhanh, liên tục, khó lường của thế giới, Việt Nam đã giữ vững được sự ổn định với nhiều chỉ số kinh tế quan trọng tiếp tục tăng trưởng và khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong trung và dài hạn.
Phân tích về dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024, trang BNN Breaking viết: Hãy tưởng tượng về một quốc gia đã từng qua chiến tranh giờ đây đang đứng trước một sự chuyển đổi kinh tế chưa từng có. Đó là câu chuyện của Việt Nam - ngọn hải đăng về năng lực sản xuất toàn cầu. Con đường tới thịnh vượng không thể tránh khỏi những thách thức. Tuy nhiên, thành tích tăng trưởng GDP mạnh mẽ của quốc gia này, gần gấp đôi GDP bình quân đầu người trong thập kỷ qua, đã củng cố niềm tin vào khả năng vượt qua những thách thức một cách thành công.
“Việt Nam đang củng cố vị thế là một trung tâm sản xuất toàn cầu, khi trở thành địa bàn trọng điểm sản xuất của các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia. Đây là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú USD”, ông Andrew Amoils, nhà phân tích của New World Wealth nhận định.
Cũng theo ông Andrew Amoils, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự ổn định chính trị. Theo Chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI), Việt Nam ở thứ hạng khá tốt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này thúc đẩy nhiều công ty thiết lập các hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Trong khi đó, Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey ghi nhận: “Vị trí chiến lược” của Việt Nam là chia sẻ biên giới đất liền với Trung Quốc và gần các tuyến hàng hải thương mại lớn, có chi phí lao động thấp, cùng cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu - tất cả đã biến Việt Nam thành “điểm đến hàng đầu” cho đầu tư quốc tế. Chỉ 10 năm trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 2.190 USD, nay tăng gần gấp đôi lên 4.100 USD, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới.
Còn ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư VinaCapital Group chia sẻ với Đài CNBC: “Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi”.
“Vào năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy từ quá trình công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm trọng tâm. Với 3 làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 3 thập kỷ qua, và hiện nay Việt Nam đang đứng trước làn sóng thứ tư”, chuyên gia kinh tế và Phó chủ tịch Maybank Brian Lee đúc kết.
Quả thực, kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986, những cải cách về kinh tế và mở lối cho kinh tế thị trường đã trở thành “ngọn hải đăng” cho sự thay đổi thần kỳ trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác đối ngoại, ngoại giao cũng như thay đổi vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Việt Nam còn không ngừng thăng hạng nhanh chóng trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới thường niên (World Happiness Report) - thước đo hạnh phúc được xuất bản bởi cơ quan Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UN Sustainable Development Solutions Network). Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 54 trong tổng số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát, tăng 11 bậc so với xếp hạng năm 2023. Trước đó, năm 2023, Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo này so với năm 2012, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65.
Theo Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó chủ tịch Hội Việt-Mỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Nhân dân, Vụ trưởng Vụ Tây Âu-Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc: “Chỉ số Hạnh phúc Toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng hàng chục bậc trong báo cáo của Liên hợp quốc hai năm liền là một đánh giá rất khách quan, tích cực, bởi vì nó là chỉ số tổng hợp, biểu thị chung cho tất cả những chỉ số khác”.
Còn với nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, với họ, được sống, làm việc, trải nghiệm hàng ngày tại đất nước hình chữ S là niềm hạnh phúc. Việt Nam hội đủ tiềm năng, cơ hội để phát triển bản thân, là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế. Một Việt Nam mà trái tim họ đã lựa chọn. Một Việt Nam hạnh phúc không chỉ là nơi để đến, mà là nơi để trở về.
Khởi nguồn từ tình yêu quê hương, đất nước, ông Saadi Salama và anh Saleem Hammad đã vượt ngàn dặm xa xôi từ Palestine đến Việt Nam để sống với tinh thần như một người Việt. Một người đã gắn bó với Việt Nam 44 năm, một người tròn một giáp.
Với vốn tiếng Việt tinh tế, tình yêu, sự am tường về đất nước, lịch sử, văn hóa Việt Nam, bất cứ ai quen biết hai người đàn ông Trung Đông lịch lãm này đều tin rằng, trong họ có một phần Việt Nam rất lớn. Với họ, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung không phải là nơi để đến, mà là nơi để trở về. Dù đều là người Palestine, thế nhưng, từ trong trái tim và tâm hồn, họ thực sự giống như một người Việt.
Năm 1980, ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam mới 19 tuổi đã có cơ duyên đến Việt Nam. Ông vẫn luôn thầm cảm ơn cơ duyên đã đưa mình tới đây và Việt Nam luôn được ông đặt ở một vị trí thiêng liêng trong tâm khảm. Như ông chia sẻ: “Dần dần, tôi trở thành một người có tâm hồn Việt Nam và Việt Nam đã đi vào sâu bên trong trái tim tôi, tâm trí tôi, lý trí của tôi, trở thành quê hương thứ hai của tôi, không khác gì đất nước Palestine”.
Đại sứ Saadi Salama kể, khi còn là cậu học sinh 10 tuổi ở Palestine, ông đã rất quan tâm đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nên hay chú ý tìm hiểu về Việt Nam qua truyền hình, sách, báo. “Tôi nhớ rất rõ cảm xúc phẫn nộ khi được biết về chiến dịch Linebacker II, không quân Mỹ ồ ạt tiến công trên toàn bộ miền Bắc (Việt Nam). Đến khi Việt Nam giành thắng lợi, hoàn toàn thống nhất đất nước vào năm 1975, không chỉ cá nhân tôi, mà nhân dân Palestine đều vui mừng khi thấy lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam tung bay trên Dinh Độc Lập của Sài Gòn, nay là TP. HCM.
Chúng tôi coi những thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của chính mình, bởi vì thắng lợi đó biểu trưng cho một nền độc lập, tự do và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân Palestine. Chúng tôi càng củng cố thêm niềm tin vào tương lai, vào con đường độc lập dân tộc giống như con đường Việt Nam đã chọn và đã chiến thắng. Mặc dù chưa từng nghĩ sẽ có cơ hội đến Việt Nam, nhưng Việt Nam đã ở trong trái tim tôi từ những ngày đó”, ánh mắt nhà ngoại giao trở nên long lanh.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chàng thanh niên Saadi may mắn nhận được học bổng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. “Tôi đã lập tức chọn Việt Nam và theo học về lịch sử, văn hóa Việt Nam bởi sự khao khát được hiểu về tư duy, tính cách, ý chí và nhân phẩm của một dân tộc đã tiến hành những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong lịch sử, luôn hướng tới một nền độc lập và hòa bình”, Đại sứ chia sẻ cơ duyên đến Việt Nam.
Lần đầu đến Việt Nam năm 1980, chàng thanh niên Palestine thấy Thủ đô Hà Nội rất xinh đẹp, hiền hoà, yên bình, nhưng cũng cảm nhận được, nhân dân Việt Nam sống vất vả. Phương tiện chủ yếu là xe đạp, nhà cao nhất không quá 5 tầng. Chuyến xe từ sân bay Nội Bài đã phải đi vòng vèo mất ba tiếng đồng hồ để theo Quốc lộ 3 qua cầu Đuống, cầu Long Biên để về trung tâm thành phố. Còn bây giờ, với cây cầu Nhật Tân vắt qua sông Hồng và đại lộ Võ Chí Công, chỉ mất hơn nửa tiếng để vào trung tâm.
Thêm một minh chứng nữa cho sự thay đổi là năm 2000, những dòng người nườm nượp di chuyển nhanh trên đường phố. Họ đa phần ngồi trên những chiếc xe máy Nhật Bản hiện đại - một minh chứng cho sự phát triển của nền kinh tế trong khi dòng xe máy Đông Âu với những Simson, Babeta, Minsk... đã lùi dần vào quá khứ. Thủ đô của Việt Nam đã có thêm một số tòa cao ốc mà nổi bật nhất là hai khách sạn quốc tế sang trọng mới được xây dựng: Daewoo cao 18 tầng, nằm cạnh công viên Thủ Lệ và khách sạn Melia 22 tầng trong khu phố Pháp cũ.
Đại sứ Saadi cho biết, ở lần trở lại Việt Nam năm 2007, lần đầu ông được nếm mùi tắc đường - thứ “đặc sản” tất yếu ở những thành phố đang phát triển. Nhưng từ trên tầng cao, trước mắt ông là một Hà Nội đẹp hiện đại, với những tòa nhà và những trục đường lớn đang mọc lên khắp thành phố. Không gian buổi đêm của Hà Nội tràn ngập ánh sáng với muôn sắc màu từ các cao ốc, biển quảng cáo, đèn đường.
“Tôi hiểu Hà Nội đã rất khác so với thời bao cấp, cũng như giai đoạn mở cửa mà tôi có dịp trải nghiệm cuối thập niên 1980. Đó là một thành phố hiện đại, đang vươn mình để trở thành một điểm đến quan trọng trên bản đồ khu vực và thế giới”, ông cười hạnh phúc.
Với Đại sứ Saadi, Hà Nội hiện là một thành phố năng động, có tốc độ phát triển cao và quy mô lớn hơn trước rất nhiều về cả diện tích và dân số. Hà Nội của thế kỷ XXI là một Hà Nội đa sắc màu, muôn hình muôn vẻ. Đây là Thủ đô và cũng là trung tâm kinh tế phía Bắc của một Việt Nam đang liên tục đạt được những thành công trên lộ trình phát triển kinh tế và khẳng định vị thế quốc gia. Từ đất nước phải nhập gạo của nước ngoài, chủ yếu là gạo Ấn Độ với 5% tấm, những năm 1980. Việt Nam giờ có khi là thứ nhất, có khi là thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, tùy thuộc vào mùa vụ và đóng góp vào việc đảm bảo an ninh toàn cầu khi xuất khẩu nhiều nông sản nhất thế giới, nếu nhìn về cà phê, điều, hồ tiêu…
Cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, khu chế xuất... nối nhau mọc lên ở khắp mọi nơi trên mảnh đất hình chữ S. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài liên tục đổ về đây, gắn với hàng loạt tên tuổi lớn của các ngành công nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Đức, Pháp... Đó rõ ràng là sự thành công rất rực rỡ.
“Chỉ gần 38 năm đổi mới từ năm 1986 đến nay, mà Việt Nam đã có những thành quả đó. Nếu nhìn ra, so sánh với những quốc gia mà tôi đã từng làm, từng sống ở đó như Ghana, Yemen và một số quốc gia khác ở châu Phi, thì rõ ràng sự thành công, những thành quả của Việt Nam đã đi xa hơn rất nhiều. Nếu phải lựa chọn một câu duy nhất để nói về sự thay đổi ấy, tôi sẽ nói rằng Việt Nam thay đổi với tốc độ ngoài sức tưởng tượng!”, Đại sứ khẳng định.
Đặc biệt, Đại sứ Saadi cho rằng, việc Việt Nam tăng 11 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2024, tăng 12 bậc trong Báo cáo này năm 2023 trước tiên cho thấy hạnh phúc là một trong 3 trụ cột phản ánh bản chất tươi đẹp của xã hội Việt Nam được khẳng định và kiên định phấn đấu kể từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945). Đó là "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc".
Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2024 cho thấy chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc so với năm 2023, đứng thứ 54 thế giới và thứ 6 khu vực châu Á chỉ sau các nước có trình độ phát triển hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Nhât Bản, Singapore.... Đây là bước nhảy vọt đáng kể ngay sau đại dịch Covid-19 cho thấy quá trình vận hành về mọi mặt nhất là về kinh tế- xã hội theo các trụ cột của chỉ số này hoàn toàn đúng hướng, phù hợp với ý nguyện và hạnh phúc của nhân dân.
Dưới góc độ kinh tế xã hội, điều đó phản ánh bản chất tươi đẹp của xã hội mặc dù thu nhập trung bình thấp nhưng hạnh phúc được vun đắp không ngừng, không ai bị bỏ lại phía sau. Sự thăng hạng nhanh chóng cho thấy những nhân tố hay lực lượng đi ngược với hạnh phúc nhân đang giảm xuống so với các nhân tố hay lực lượng phục vụ hạnh phúc nhân dân.
Người dân trở thành trung tâm và chủ thể của sự phát triển và hạnh phúc của nhân dân là hạnh phúc trong sáng và cao đẹp nhất. Một giá trị quốc gia là hạnh phúc như được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi đề cập đến hệ giá trị quốc gia được tích lũy hiệu quả, được đánh giá khách quan bởi cộng đồng quốc tế. Đây cũng là chỉ số đánh giá góp phần làm tăng uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
Có được kết quả đáng trân trọng này cần kể đến một quá trình nỗ lực không ngừng của tăng trưởng, bảo đảm tuổi thọ, sự bao dung xã hội, việc đấu tranh quyết liệt với tham nhũng để xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Chỉ số hạnh phúc tăng cũng cho thấy lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý cao của Chính phủ, sự đồng lòng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ quốc tế, hài hòa lợi ích, tình nghĩa đồng bào được duy trì và phát huy. Đây là động lực để tăng sự đoàn kết xã hội, có thể tạo ra một giai đoạn phát triển mới có trình độ và phạm vi lớn hơn. Đây là một tín hiệu góp phần thôi thúc từng người dân lao động hăng say, quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại sứ Saadi nhận định, người Việt Nam là kiến trúc sư của mọi thắng lợi: “Ngay từ những ngày đầu đến Việt Nam, tôi đã được chứng kiến vẻ đẹp của tình người, của tinh thần đoàn kết, của sự lạc quan luôn đầy ắp trong bất cứ người dân nào.
Sống giữa một thế hệ vừa bước ra khỏi chiến tranh, bước đầu tham gia công việc trong lĩnh vực ngoại giao, tôi đã có ý thức về con đường phát triển của mình cũng như bắt đầu giấc mơ trở thành cây cầu nối giữa Việt Nam và Tổ quốc Palestine. Tôi thực sự bị mê hoặc bởi thái độ, cách suy nghĩ, phong cách, cách sống và cuộc sống nề nếp của người Việt”.
Với ông, người dân Việt Nam có lòng yêu nước, có niềm tự hào to lớn về lịch sử của đất nước mình và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ. Ông thấu hiểu điều đó rõ nhất khi chứng kiến Đại lễ kỷ niệm thành phố Hà Nội tròn 1000 tuổi vào năm 2010.
Trên thế giới không có nhiều Thủ đô 1000 năm tuổi. Riêng ở vùng Đông Nam Á, chỉ duy nhất Hà Nội là thành phố chạm tới cột mốc này. Bản thân con số ấy đã cho thấy bề dày văn hóa, lịch sử của Việt Nam với Thăng Long - Hà Nội là lăng kính hội tụ. Ở đó, người ta không chỉ tìm thấy những câu chuyện về truyền thống, phong tục, nếp sống... của người dân nơi đây trong suốt một thiên niên kỷ, hơn thế, Thủ đô của Việt Nam cũng là nơi gánh những sứ mệnh lớn lao mà lịch sử luôn trao cho một kinh đô.
Trong hơn 10 thế kỷ đó, rất nhiều lần, vùng đất này trở thành chiến trường của những cuộc chiến tranh vệ quốc. Cũng rất nhiều lần, những người dân Thăng Long - Hà Nội phải tự tay phóng hỏa đốt ngôi nhà của mình, rồi vừa ngày ngày sống trong lòng giặc, vừa lặng lẽ thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại để viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Đại sứ Saadi còn chứng kiến một lần chuyển mình đặc biệt nữa của Hà Nội vào đầu năm 2018. Đó là thời điểm bóng đá Việt Nam tạo một kỳ tích đặc biệt tại Giải vô địch U23 châu Á. Hàng chục năm trước đó, bóng đá Việt Nam có thành tích khá khiêm tốn, chỉ duy nhất một lần vô địch Đông Nam Á vào năm 2008 và gần như chưa để lại dấu ấn gì đặc biệt trong những lần bước ra ngoài khu vực. Thế nhưng, ở Giải U23 châu Á lần này, đội tuyển Việt Nam bất ngờ chơi xuất thần, thắng hàng loạt đối thủ mạnh như Australia, Iraq, Quatar và giành Huy chương Bạc sau khi lọt vào tới trận chung kết.
“Những đêm đó, mọi con đường của Hà Nội tràn ngập một màu đỏ. Từ già tới trẻ, từ những người bình thường tới các lãnh đạo cấp cao, người Hà Nội đổ xuống đường với băng rôn, áo đỏ và lá cờ tổ quốc trên tay. Một cách tự nhiên, biển người ấy phất cờ, hát quốc ca và hồ hởi reo vang hai chữ Việt Nam. Khu vực gần hồ Gươm nơi tôi ở rộn rã suốt đêm vì sự cuồng nhiệt ấy.
Chưa hết, ngày đội tuyển U23 trở về, câu chuyện được lặp lại với một cảnh tượng chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Suốt quãng đường 30 cây số từ sân bay Nội Bài vào trung tâm thành phố, hàng chục ngàn người nối nhau đứng kín hai bên đường với cờ hoa và sự hân hoan để chào đón những tuyển thủ. Phải mất 5 tiếng đồng hồ, chiếc xe chở các cầu thủ Việt Nam mới có thể đi hết quãng đường. Tôi cũng ra đường và chụp nhiều tấm ảnh kỷ niệm gửi cho các bạn Palestine để họ hiểu tinh thần yêu nước của người Việt Nam như thế nào.
Tôi hiểu sự cuồng nhiệt ấy. Chỉ là một môn thể thao, nhưng đằng sau chiến thắng của bóng đá Việt Nam lại là khát vọng được khẳng định mình của cả một dân tộc. Dân tộc ấy đã bền bỉ chờ đợi, đã nung nấu ước vọng bước ra thế giới bên ngoài từ quá lâu và rồi khi sự tự tin được củng cố bằng kỳ tích của bóng đá, một cách tự nhiên, họ vỡ òa, phất cờ và gọi tên Tổ quốc mình trong phút giây hạnh phúc”, Đại sứ Saadi kể với ánh mắt hân hoan.
Và trong những năm đại dịch Covid-19 hoành hành, Đại sứ Saadi được chứng kiến nhiều hình ảnh và khoảnh khắc đầy xúc động của người Việt Nam trong bệnh dịch. Ở đó, những điều tưởng như có thể bị cuốn đi theo những lo toan của cuộc sống thường nhật bỗng được đề cao và trở thành trọng yếu như phẩm giá con người và trách nhiệm với cộng đồng.
“Được sống và làm việc tại Việt Nam là niềm hạnh phúc của tôi. Đối với tôi, Việt Nam là một quốc gia đáng đến và đáng sống. Tôi đã kết hôn khi mới 23 tuổi với một cô gái Hà thành nền nã, đoan trang và một “tình yêu sét đánh” đủ độ chín. Giờ tôi đã có “khối tài sản ròng” gồm 1 vợ và 4 con đã thành đạt. Tôi đã phá vỡ kế hoạch hóa gia đình đấy! Nhưng, với người Palestine thì càng có nhiều con càng tốt. Vì chúng tôi hiểu là con đường của chúng tôi còn dài. Tôi nghĩ rằng, Palestine cần có nhiều dân số để phục vụ cho nhu cầu của đất nước mình”, ánh mắt Đại sứ Saadi rưng rưng.
Một ngày đẹp trời mùa thu tháng 9, chàng trai Trung Đông đã trở thành “Chàng rể Việt Nam” và cuộc đời ông chính thức bước sang một trang mới. “Mảnh đất hình chữ S, nơi tôi hướng tới trong suốt những năm tuổi thơ, giờ đây đã thực sự trở thành quê hương của tôi, là tổ quốc thứ hai của một người đàn ông Palestine, nơi được tôi dành cho một vị trí quan trọng trong trái tim mình. Thêm nữa, như câu “nhập gia tùy tục” của Việt Nam, tôi sẽ phải học cách sống để người dân nơi đây chấp nhận mình như một người bản địa. Một người khách đến từ phương xa có thể được thông cảm nếu vô tình thất lễ, nhưng sự trông đợi dành cho một chàng rể Việt Nam tất nhiên sẽ khác”, Đại sứ bộc bạch.
Ông tự hào kể: “Vợ tôi, một phụ nữ Hà Nội xưa, chịu thương, chịu khó, chăm lo cho gia đình, đã giúp các con hiểu được văn hóa truyền thống của Việt Nam và Palestine. Tôi thường giới thiệu với bạn bè đây là tinh hoa của quan hệ thông gia giữa Palestine - Việt Nam. Nói cách khác, hai đất nước đã kết mối nhân duyên cho vợ chồng tôi.
Khi người ta hỏi là “đã đến từ đâu?” thì các con tôi luôn trả lời: “Tôi là người nửa Palestine, nửa Việt Nam”. Mà đối với những người hiểu về Palestine và Việt Nam, khi nghe câu trả lời ấy, người ta thường nói: “Ôi trời ơi, hai dân tộc anh hùng, hai dân tộc đấu tranh không mệt mỏi, hai dân tộc sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc mình, vì độc lập, vì tự do”.
Điều đó làm các con tôi rất tự hào về hai quốc gia cùng sinh ra chúng và tạo động lực cho các con tôi tiếp xúc, giao lưu với bạn bè quốc tế. Đồng thời, tạo cho chúng thế mạnh để trở thành công dân toàn cầu”.
Đại sứ Saadi cho biết, rất ủng hộ và cổ vũ những giá trị gia đình truyền thống của người Việt Nam. Khi đến các gia đình Việt Nam ăn cơm, ông thấy những người ít tuổi không bao giờ cầm đũa ăn mà không mời những thành viên lớn tuổi hơn mình. Trong gia đình, người ít tuổi làm bất cứ điều gì cũng phải xin phép người lớn tuổi. Điều đó thật quý giá trong xã hội hiện đại ngày nay nên cần giữ gìn và phát huy.
Điểm khác biệt rất rõ mà ông nhận thấy là ở Việt Nam, người vợ thường đi chợ, lo liệu cơm nước. Người chồng ít khi đi chợ và có vẻ cũng không muốn đi chợ. Nhưng, đàn ông Palestine thì vẫn đi chợ như thường. Vợ chỉ cần liệt kê những thứ muốn mua, chồng sẽ đi chợ, mang về hết.
Đại sứ Saadi rất thích đi chợ. Gần như tuần nào ông cũng đi chợ Hôm ở gần nhà, vừa để mua sắm vừa tìm hiểu, tiếp xúc và nói chuyện với những người bán hàng. “Bật mí với nhà báo, tôi là khách quen của rất nhiều người bán hàng ở chợ Hôm. Họ luôn để dành và chọn cho tôi những thực phẩm chất lượng nhất, với giá hợp lý”, ông cười hóm hỉnh.
Đặc biệt, Đại sứ Saadi chỉ nấu món Palestine khi có khách đến nhà, vì muốn giới thiệu ẩm thực Palestine cho họ. Còn khi không có khách, chủ yếu gia đình ông nấu và ăn món Việt Nam.
“Món ăn Palestine cũng rất ngon, tôi cũng rất thích, nhưng chúng không tốt cho sức khỏe bằng những món ăn của Việt Nam. Hơn nữa, cách ăn dùng đũa của người Việt Nam cũng giúp giảm lượng thức ăn đưa vào miệng hơn là dùng thìa của người Palestine. Cá nhân tôi rất thích ăn những món bún, miến, đặc biệt là phở Việt Nam. Hằng tuần, ít nhất tôi phải dùng một tô phở bò hoặc phở gà, không thì không chịu được”, ông chia sẻ và cho biết bữa sáng vừa mới ăn một tô phở Thìn ở phố Lò Đúc.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, khi mới sang Việt Nam, chàng thanh niên Saadi lại thấy mùi nước mắm thật kinh khủng khiếp, đến mức thà chịu đói chứ không ăn các món có nêm nước mắm, nhưng giờ, nếu một tuần không ăn đồ ăn có nước mắm thì sẽ cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Thậm chí, rất nhiều lần khi trở về Palestine, ông đã phải mang theo nước mắm và những gia vị truyền thống gây “nghiện” của Việt Nam để có thể tự nấu nướng cho mình.
“Hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, người dân và du khách muốn ăn món gì cũng có, cả ẩm thực Việt Nam và thế giới. Điều đó làm cho người ta cảm thấy cuộc sống thật tuyệt vời và hiếm người nước ngoài nào sinh sống ở đây cảm thấy không hài lòng vì đồ ăn”, nhà ngoại giao kỳ cựu đúc kết.
Chia sẻ về lựa chọn đến Việt Nam, Đại sứ Saadi xúc động: “Tôi chọn Việt Nam, bởi đó là một cái tên đi vào trong giấc mơ của tôi ngay từ tuổi lên mười. Tôi chọn cuộc sống giữa những con người mà do sự sắp đặt của lịch sử sẽ luôn là những người đồng chí của dân tộc Palestine. Không bao giờ, tôi ân hận về sự lựa chọn ấy, khi đã bỏ ra hai phần ba cuộc đời để có thể hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam và hơn thế, thật sự trở thành một người Việt Nam từ trong suy nghĩ”.
Bước chân của một nhà ngoại giao đã đưa Đại sứ Saadi tới rất nhiều thành phố trên thế giới, nhưng ông vẫn thấy: “Hà Nội rất khác và với tôi là đẹp hơn nhiều so với những thành phố lớn của Đông Nam Á. Ở Hà Nội, ẩn sau sắc thái của một thành phố ngàn năm tuổi là một lớp trầm tích văn hóa độc đáo, phong phú và rất khó để tìm hiểu hết chỉ trong một vài ngày. Người dân Hà Nội xứng đáng được tự hào về nơi mình đang sống”.
Giờ đây, khi sự nghiệp đã ở vào thời điểm chín muồi, hạnh phúc với Đại sứ Saadi là một cái gì đó rất bình dị. Hạnh phúc chỉ đơn giản là khi được sống và trải nghiệm những điều nhỏ bé hằng ngày, ở Hà Nội, thành phố gắn liền với những kỷ niệm tuổi trẻ mà ông lưu giữ mãi.
Đại sứ Saadi thích ghé những quán bình dân, ngồi vỉa hè thưởng thức một bát bún. Ông thích ăn những quán chỉ mở một thời gian nhất định trong ngày. Có một quán phở như vậy ở phố Ngũ Xá, nước dùng rất thanh và thịt gà vừa thơm vừa dai. Ăn xong, ông sẽ ngồi ở quán cà phê đối diện quán phở, mà trên tường quán treo nhiều bức tranh và ảnh cũ về Hà Nội rất đẹp.
Khi có bạn bè nước ngoài lần đầu tới thăm Hà Nội, Đại sứ Saadi thường đưa họ tới quán chả cá ở phố Trần Hưng Đạo. Họ vừa thưởng thức món ăn ngon vừa xem những bức ảnh của Hà Nội xưa. Ông sẽ hướng dẫn họ cách ăn mắm tôm với chả cá nướng trên bếp nóng, những điều ấy thật đặc trưng cho Hà Nội, và kể cho họ nghe về lịch sử của Hà Nội dựa theo những tấm ảnh trên tường.
Nhà của đại sứ Saadi nằm ở trung tâm Thủ đô, nên nếu không có công việc quan trọng vào buổi tối, ông thường mặc đồ thể thao và đi ba vòng quanh hồ Gươm. Đó không chỉ là hoạt động thể dục, mà là cách để ông chiêm nghiệm về bản thân mình, về cuộc sống. “Tôi nghĩ khu vực quanh hồ Gươm là nơi đẹp nhất của Hà Nội. Bất kỳ ai tới Hà Nội mà chưa đi dạo hồ Gươm thì coi như chưa tới. Hồ Gươm chính là tâm hồn của Thủ đô Hà Nội. Và tôi tự coi mình là một “giai phố cổ’”, ông chắc nịch.
Sắp tới, Đại sứ Saadi sẽ nghỉ hưu, ông bảo: “Nếu phải chia cuộc sống của tôi giữa Palestine và Việt Nam, thời gian sống tại Việt Nam sẽ chiếm phần nhiều”. Palestine là Tổ quốc, là nơi ông chôn rau cắt rốn và trải qua thời niên thiếu. Những kỷ niệm đó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí và tình cảm của ông suốt quãng đời sau này. Hơn 40 năm gần như sống xa quê, sẽ tới lúc ông phải dành thời gian cho Palestine.
Còn Việt Nam là mảnh đất ông thuộc về và không thể xa rời. “Đó là nơi tôi trải qua tuổi trẻ và những năm đẹp nhất trong cuộc đời mình, là nơi tôi tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, là nơi để tôi bắt đầu sự nghiệp. Và hơn thế, từ trong suy nghĩ, tôi thấy mình luôn là một người Việt Nam với những mối quan hệ, cách tư duy và cả thói quen trong sinh hoạt hằng ngày.
Tôi đã quen với việc sống tại Việt Nam giữa rất nhiều người bạn, nhiều hơn bất cứ nơi đâu trên thế giới. Đó là những người bạn đã có mối thâm giao từ hàng chục năm qua, là những người bạn mới quen và cả những người bạn trong tương lai khi mà mỗi ngày, tôi đều có thể được chào đón ở mọi con đường, mọi góc phố trong vai trò của một ông Đại sứ “giỏi tiếng Việt không kém gì người Việt””, Đại sứ trải lòng và cho biết ông đã quen với những món ăn Việt Nam, tới mức không thể thiếu phở, nước mắm, bún, các loại bánh trái... “Tôi từng nói đùa với những người bạn, nếu họ không đủ sức giữ tôi lại Việt Nam thì hàng chục món ăn truyền thống sẽ thay họ làm điều ấy”, ông đặt tay lên ngực trái trò chuyện với chất giọng ấm áp.
Đại sứ Saadi bật mí, kể cả khi chấm dứt công việc của một nhà ngoại giao, ông vẫn còn rất nhiều kế hoạch tại Việt Nam. Với thời gian tự do, ông sự định theo đuổi những ý tưởng mà sự ràng buộc của công việc bây giờ chưa cho phép. Một trong số đó là thành lập Trung tâm trao đổi, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước Ả Rập, để cả hai phía cùng có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ và xích lại gần nhau hơn, như ước nguyện đang có ở mỗi quốc gia.
Ông muốn hình ảnh và những câu chuyện về Việt Nam có thể được kể nhiều hơn, rộng hơn và chạm tới trái tim cũng như tâm trí của mỗi người Ả Rập giống như ông đã được chiêm nghiệm trong cuộc đời mình. Bởi, như ông nói, “khi có sự chia sẻ và đồng cảm về văn hóa, lịch sử, chúng ta sẽ có sự hợp tác tích cực hơn nhiều so với trước, cả về khoa học, giáo dục, du lịch hay kinh tế...”.
Để kể lại hết những kỷ niệm, suy nghĩ và tình cảm mà ông dành cho Việt Nam trong quãng đời đã qua, sau cuốn “Câu chuyện Việt Nam của tôi”, xuất bản năm 2023, trong tương lai gần, ông còn muốn viết thêm những cuốn sách khác.
Đại sứ Saadi muốn qua đó cảm ơn tất cả những người Việt Nam đã giúp đỡ ông suốt quãng đường đời đã qua trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là các thầy cô giáo Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Những người thầy ấy không chỉ dạy ông những chữ cái đầu tiên khi đặt chân tới Việt Nam, quan trọng hơn, họ đã cho ông những bài học về nhân phẩm và lý tưởng theo ông đến mãi bây giờ.
Ông cũng muốn cảm ơn những người bạn Việt Nam của mình. Bên cạnh tình bạn chân thành, họ luôn có những câu chuyện rất thú vị và hấp dẫn, giúp ông khám phá lịch sử, văn hóa Việt Nam. Và hơn hết, giúp ông hiểu rằng, dù đến từ một nền văn hóa khác, bất cứ ai yêu mến đất nước và con người Việt Nam đều sẽ được đáp lại nhiều hơn thế!
Đại sứ Saadi Salama sinh năm 1961, tại tỉnh Hebron, miền Nam Palestine. Năm 19 tuổi, ông nhận được học bổng đi du học và chọn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông đã công tác tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Palestine ở Việt Nam, Lào, Yemen, Ghana…
Ông nói tiếng Việt thành thạo như tiếng mẹ đẻ và là một chuyên gia người Ả Rập về Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Nam Á nói chung. Ông đã dịch và hiệu đính một số tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập.
Quá trình làm việc của ông Saadi Salama tại Việt Nam:
+ Năm 1982 – 1983, là Bí thư phụ trách về thông tin của Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Việt Nam.
+ Năm 1989 - 1991, là Phó đại sứ tại Đại sứ quán Nhà nước Palestine tại Việt Nam.
+ Từ năm 2009 đến nay, là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam.
+ Từ 2019 đến nay, là Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam.
Với anh Saleem Hammad, Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của TP. Hà Nội, Palestine là nơi anh sinh ra, còn Việt Nam là nơi anh thuộc về. Là MC, người mẫu, diễn viên, Youtuber, Tiktoker nổi tiếng, đồng thời là người phụ trách mảng phân tích truyền thông cho Đại sứ quán Qatar tại Việt Nam, lại nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, thông qua con đường nghệ thuật, anh Saleem khát khao giới thiệu về thế giới Ả Rập cho người Việt Nam và sản xuất nội dung bằng tiếng Ả Rập để giới thiệu vẻ đẹp của Việt Nam ra thế giới.
Anh Saleem Hammad và tác giả Hồ Hạ (nhà báo Hồng Hạnh, Báo Đầu tư) trong chương trình Đối thoại với chủ đề "Việt Nam - Nơi tôi thuộc về.
Nhờ học tập chăm chỉ và đạt nhiều thành tích cao những năm phổ thông, Saleem Hammad đã vinh dự nhận được nhiều học bổng đến từ Đức, Ukraina, Trung Quốc…, nhưng bố mẹ anh không đồng ý. Sau đó, Saleem theo học tại Học viện Cảnh sát ở quê nhà và đạt được học bổng của Việt Nam.
“Hồi đó, tôi chỉ biết đến Việt Nam nhờ ấn tượng về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng những bài học lịch sử trên lớp. Khi tôi gọi điện về nhà hỏi ý kiến bố mẹ, họ dứt khoát nói: “Nhất định con phải tới Việt Nam”. Bố mẹ tôi đã khen ngợi tinh thần anh hùng, dũng cảm của Việt Nam rất nhiều và muốn tôi đến đây để học hỏi từ chính người Việt.
Lúc đó, tôi đã rất bất ngờ vì gia đình ủng hộ mình đến Việt Nam một cách mạnh mẽ và gần như ngay lập tức. Và đặc biệt, bố mẹ tôi rất tự hào vì có con đi du học ở Việt Nam. Bởi trước đó, bố mẹ đã không đồng ý cho tôi du học ở những nơi khác. Đến bây giờ, tôi đã cảm nhận được và hiểu lý do tại sao bố mẹ muốn con mình đến Việt Nam học như vậy. Tôi rất biết ơn quyết định đó của bố mẹ và gia đình”, Saleem kể về cơ duyên năm 18 tuổi, lần đầu đặt chân tới Việt Nam, học ở Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội.
Giờ đây, khi đã gắn bó với Việt Nam 12 năm, anh đã hiểu tại sao bố mẹ cho anh tới đây du học: Palestine - đất nước của tôi rất khao khát nền hòa bình và người Palestine luôn luôn nhìn vào Việt Nam như một tấm gương sáng, một nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine. Tôi khẳng định, mọi người dân Palestine rất yêu Việt Nam và rất ngưỡng mộ tinh thần của người Việt Nam trong cách đấu tranh, giành được độc lập, tự do cho đất nước. Bởi vậy, bố mẹ tôi đã không hề do dự mà đồng ý cho tôi đến Việt Nam để có thể học tập các bạn và áp dụng những gì học tập được với mong muốn lớn lao là giúp ích được cho đất nước của chúng tôi. Và điều này thực sự rất đáng trân trọng và đáng tự hào”.
Saleem khẳng định, Việt Nam là một đất nước hình mẫu, chuẩn mực, một đất nước đáng học hỏi và trong lịch sử. Việt Nam đã để lại rất nhiều bài học mà nhân loại hiện tại đang học theo, trong đó có nhân dân Palestine.
18 tuổi, Saleem đã bị ấn tượng mạnh với Thủ đô Hà Nội nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung ngay từ ngày đầu đặt chân đến đây. Đó là ngày 25/11/2011, chính vào mùa hoa sữa. “Khi xe đang đi trên đường Thanh Niên, tôi còn nhớ rõ khung cảnh hàng cây xanh tươi hai bên đường, cùng với hồ Tây và hồ Trúc Bạch ngay giữa lòng Hà Nội. Bác tài xế lúc ấy bảo tôi hạ kính xuống, một hương thơm ngào ngạt tràn vào xe. Mấy năm sau, tôi mới biết đó chính là mùi hoa sữa”, anh kể và nhắm mặt lại như thể đang muốn tận hưởng mùi hương hoa sữa.
Với 12 năm sinh sống tại Việt Nam, Saleem thấy Việt Nam đã thay đổi rất nhiều so với năm 2011. “Tôi đánh giá rất cao sự phát triển bền vững của Việt Nam trong 12 năm qua”, anh khẳng định và dẫn chứng: “Tôi đã chứng kiến sự phát triển rất nhanh chóng của Việt Nam và thấy rõ sự thông minh, khéo léo của Chính phủ, của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc điều hành cũng như đưa ra những chính sách đối ngoại rất chuẩn mực để đưa đất nước, đưa xã hội Việt Nam phát triển như ngày hôm nay”.
Saleem nhận định, người Việt Nam rất giỏi và rất khéo léo. Và sự linh hoạt luôn gắn liền với đời sống của mỗi người dân Việt Nam, chứ không chỉ trong lĩnh vực chính trị hay ngoại giao. “Tôi gặp một số bạn đến từ Nghệ An và các tỉnh miền Trung rất giỏi. Vùng đất này chịu nhiều thiên tai, bão, lũ lụt. Tuy nhiên, họ vẫn nghị lực vươn lên và xây dựng lại từ đầu. Nói chung là tôi thấy họ rất linh hoạt và rất giỏi, giống y hệt như hình tượng cây tre mà Việt Nam đang áp dụng trong đời sống và hoạt động ngoại giao”, anh bày tỏ.
Theo Saleem, sự phát triển của Việt Nam đã và đang mang lại cuộc sống ấm no, tươi đẹp cho người Việt Nam, một sự tự hào lớn lao cho người Việt Nam: “Tôi chứng kiến lòng yêu nước, sự đoàn kết của người Việt Nam với nhau ngày càng tăng lên. Tôi chứng kiến rõ tình yêu đó trong khuôn mặt, đôi mắt của người Việt Nam, nhất là trong những dịp Việt Nam thắng đá bóng hay là khi Việt Nam đạt được một thành tựu nào đó chẳng hạn… Thế nên, tôi cảm thấy vui cho Việt Nam và chúc mừng người Việt Nam về những điều đáng tự hào đó”.
Khi đến Việt Nam, Saleem chỉ có thể cảm nhận những gì mắt thấy, tai nghe, tay sờ, nhưng để làm được cho trái tim rung động thì chỉ có thể là tình cảm. Điều làm anh rung động chính là tiếng Việt. Càng học tiếng Việt, anh lại càng thêm yêu Việt Nam: “12 năm qua, tôi hiểu hơn người Việt Nam, biết họ thích gì, nghĩ gì. Tình yêu chỉ có thể trọn vẹn khi có sự thấu hiểu. Để người Việt Nam hiểu tôi và tôi hiểu họ, cần phải có một phương tiện để gửi gắm những tâm tư, tình cảm và văn hóa giữa hai bên. Đối với tôi, tiếng Việt chính là công cụ giúp tôi làm được điều đó. Có thể nói, tình yêu với Việt Nam của tôi hình thành từ việc tôi hiểu Việt Nam và Việt Nam cũng hiểu mình”.
Nhờ nói được tiếng Việt, công việc của Saleem rất thuận lợi, có thể giúp được gia đình của mình, có thể xây dựng sự nghiệp và một tương lai tốt đẹp. Và đồng thời anh có thể sử dụng được vốn tiếng Việt để có thể gắn kết tình hữu nghị giữa Palestine với Việt Nam, giữa Việt Nam với thế giới Ả Rập nói riêng, thế giới nói chung.
“Từ trước đến giờ, tôi vẫn luôn cố gắng hết sức để có thể quảng bá hình ảnh tốt đẹp nhất của Việt Nam ra thế giới và quảng bá hình ảnh của Palestine đối với Việt Nam”, Saleem trải lòng.
Chia sẻ về tình yêu với văn hóa Việt, Saleem thích nhất là nghệ thuật ăn nói của người miền Bắc, nhất là của người Hà Nội. “Tôi có thể tóm tắt nó trong hai chữ “thanh” và “lịch”. Người Việt có câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Tôi rất thích sự khéo léo trong lời nói của người Hà Nội. Sự êm ái, thanh lịch, ngữ điệu, cách dùng từ của họ khi nói chuyện nghe rất hay, áp dụng nhiều câu văn, thơ ý nghĩa”, Saleem nói.
Đôi lúc có những đánh giá là người Hà Nội hay đi vòng vèo khi nói chuyện, nhưng Saleem lại thích như thế. Anh lý giải: “Sự thẳng thắn trong công việc thì tốt, nhưng sự thẳng thắn trong đời sống hàng ngày đôi lúc lại làm đau người nghe. Tôi rất tôn trọng và đánh giá cao sự khéo léo của người Hà Nội khi họ nói một cách dễ nghe nhất có thể. Có thể họ muốn từ chối bạn, nhưng cách từ chối rất khéo léo. Nó làm cho mình cảm thấy vui, cảm thấy không bị tự ái. Nên tôi đã bị mê hoặc bởi nét thanh lịch vô cùng khác biệt của người Hà Nội”.
Cùng với nghệ thuật ăn nói, Saleem chỉ tay vào bộ áo dài đang mặc bảo: “Tôi mê áo dài và việc tôi yêu áo dài, mặc áo dài Việt Nam xuất phát từ tình yêu lớn đối với văn hóa truyền thống. Đó là cách tôi thể hiện tình yêu của mình với Việt Nam và tình yêu đó xuất phát từ chính tình yêu mà tôi dành cho Palestine nên tôi thường hay mặc áo dài kết hợp thêm với chiếc khăn truyền thống của Palestine. Đây là một biểu tượng cho hòa bình, sự khao khát hòa bình đối với người Palestine. Với tôi, đây là sự hòa quyện tuyệt vời giữa hai nền văn hóa và tình hữu nghị giữa dân tộc Palestine và Việt Nam”.
Người đàn ông Trung Đông không ngại khen, áo dài Việt Nam thực sự rất đẹp, rất dễ mặc và phù hợp với hầu như tất cả các sự kiện ở Việt Nam. Chiếc áo dài không chỉ phù hợp để mặc trong đời sống thường hàng ngày hay trong đám cưới mà thậm chí cả các sự kiện về ngoại giao nữa.
“Chiếc áo dài chính hộ chiếu hình thức của người Việt Nam”, Saleem khẳng định và say mê nói: từ xa, ở Đức hay Pháp chẳng hạn, nếu thấy một cô gái Việt Nam mặc áo dài, ngay lập tức tôi sẽ biết cô ấy là người Việt Nam và ngay lập tức tôi sẽ chào bằng tiếng Việt. Không cần nói tôi là người Việt Nam, không cần sử dụng ngôn ngữ, không cần sử dụng bất cứ vốn từ hay hộ chiếu. Chỉ cần mặc một chiếc áo dài thì từ xa, mọi người sẽ nhận ra bạn là người Việt Nam.
Cho nên, áo dài chính là hộ chiếu hình thức của người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Vì thế, người Việt Nam nên lan tỏa giá trị truyền thống đó đối với bạn bè quốc tế nhiều hơn nữa, trong tất cả các sự kiện liên quan đến thể thao, kinh tế, ngoại giao, và cả trong đời sống hàng ngày.
Saleem nghĩ rằng, phụ nữ Việt Nam đẹp nhất khi mặc áo dài. Không một trang phục nào có thể thể hiện và làm nổi bật vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam bằng chiếc áo dài. Kể cả hoa hậu người nước ngoài mặc áo dài cũng không thể nào đẹp bằng người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài. Cho nên, áo dài đẹp nhất khi một người phụ nữ mặc chúng và phụ nữ Việt Nam đẹp nhất khi mặc áo dài.
Với Saleem, giờ đây, Thủ đô Hà Nội và Việt Nam không phải nơi để đến mà là nơi để trở về, là quê hương thứ hai của anh. Đến mức, “khi nghe hai tiếng “Hà Nội” là như có gì đó chạm vào con tim tôi, khiến nó thổn thức và rung động lạ thường” như anh thổ lộ.
Saleem kể: “Sau khi tốt nghiệp Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội vào tháng 6/2016, tôi đã quay trở về Palestine để làm việc, nhưng 9 tháng ở quê nhà, tâm hồn tôi như chia làm hai nửa, một nửa ở Palestine và một nửa ở Hà Nội. Sau 9 tháng nhớ Hà Nội da diết, tôi mới biết rằng tình yêu tôi dành cho Hà Nội lớn đến nhường nào. Do vậy, tôi đã quyết định quay lại Hà Nội và gắn bó với Hà Nội lâu hơn nữa. Đến thời điểm hiện tại, tôi có thể chắc chắn khẳng định rằng: Hà Nội chính là quê hương thứ hai của mình”.
Saleem không phải người Hà Nội theo cách là người được sinh ra và lớn lên tại nơi đây. Nhưng Hà Nội cất giữ cho riêng anh những kỷ niệm của thanh xuân và trưởng thành. Anh thường hẹn hò bè bạn ngồi cà phê bên con đường ven hồ Tây để cùng chuyện trò và ngắm cảnh. Anh thích xuống chân cầu Long Biên, ngồi bên bờ sông Hồng, ngắm nhìn những ánh đèn của các tòa nhà cao tầng phía bên kia sông, nhìn những dòng xe trên cầu đi lại.
“Có những hôm tôi được ngắm cả đoàn tàu chạy vút qua cây cầu trăm tuổi, rồi nhìn vào dòng nước cuộn trôi, nghe tiếng sóng vỗ bờ dào dạt. Quả thật, Hà Nội như hiểu tôi muốn gì và đã dành tặng riêng tôi một không gian riêng tư và tuyệt vời đến thế!”, Saleem đã yêu Hà Nội từ những điều bình dị nhất.
Đặc biệt, Saleem thích lái xe máy khám phá phố xá nên có thể thuộc gần hết đường phố Hà Nội. Anh rất ấn tượng về văn hóa chợ cóc ở Hà Nội vì giá vừa rẻ vừa tươi, và còn có thể giao lưu và được mua hàng với giá ưu đãi nhờ nói được tiếng Việt.
Nhận mình là người có tâm hồn Hà Nội, Saleem cũng giống rất nhiều người khác, đều lặng đi khi Hà Nội vào thu, không khí mùa thu ở Hà Nội đặc biệt lạ thường, không giống nơi nào trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tiết trời mùa thu tuyệt đẹp, dễ chịu, thanh mát khiến lòng người cũng nhẹ nhàng, tươi vui, hương hoa sữa nồng nàn trong gió thoảng như khơi gợi và mang chút hoài niệm từ quá khứ trở về. Càng gắn bó lâu với Hà Nội, anh lại càng thấy yêu mùa thu thật nhiều, càng có thể cảm nhận rõ nét sự độc đáo chỉ có ở mùa thu Hà Nội.
“Trong không khí mùa thu mà được dạo bước trên con phố Phan Đình Phùng thì quả thực là một cảm giác hoàn hảo và thật khó để diễn tả nó bằng lời… Trên con phố này, tôi bị thu hút bởi những xe hoa hàng rong, trên chiếc xe đạp nhỏ bé là ngập tràn những bông hoa rực rỡ sắc màu, đua nhau khoe mình trong nắng thu… Tôi là người rất yêu hoa và thường mua hoa về cắm trong nhà hàng tuần, điểm thú vị ở Hà Nội là mỗi mùa lại có một loài hoa đặc trưng, và điều này còn được thể hiện rõ trong lời bài hát “Hà Nội - 12 mùa hoa” của nhạc sĩ Giáng Son”, Saleem tả.
Hơn 12 năm sinh sống tại Thủ đô Hà Nội và cũng từng được trải nghiệm rất nhiều nơi ở Việt Nam, Saleem có thể phân biệt được giọng nói vùng miền, địa phương, và giọng nói của người Hà Nội gốc. Âm điệu nhẹ nhàng, dịu dàng, êm ái, thanh âm tình cảm, rõ ràng “tròn vành rõ chữ” là những gì tôi có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa người Hà Nội gốc và người địa phương khác.
Về ẩm thực, Saleem khó lòng thể thưởng thức được hết đặc sản tiêu biểu của Hà Nội vì không ăn được thịt lợn. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, anh đã nghĩ ra cách tự chế biến ở nhà và thay thế thịt lợn bằng thịt bò. “Chẳng hạn, khi làm và thưởng thức món nem rán, tôi vẫn cảm nhận được hương vị thơm ngậy, ngon ngọt đậm đà”, Saleem kể và cho biết vô cùng thích món ngon này.
Ngoài ra, Saleem cũng thường ghé Bát Đàn để ăn bún riêu cua, đến Phùng Hưng để ăn phở bò, rồi ăn phở gà trộn ở phố Hàng Hòm, nộm bò khô ở phố Hồ Gươm hay tụ tập bạn bè ăn uống thì sẽ đến Thi Sách để quây quần bên nồi lẩu bò nhúng dấm. Anh còn rất thích cốm, một món quà của lúa non có vị đồng điệu với một món ăn được làm từ lúa mì non ở Palestine. Chúng có chung vị thơm thơm, dẻo dai, ngọt béo. “Hà Nội “nhỏ nhưng có võ” với bao nhiêu đặc sản như níu giữ vị giác của con người, khiến thực khách khi đã ăn là sẽ không thể nào quên được”, Saleem quả quyết.
“Tôi muốn nói rằng, các bạn đừng nghĩ Việt Nam là một đất nước nhỏ bé. Các bạn đừng nghĩ là chúng tôi nghèo khó, các bạn hãy tự hào mình là người Việt Nam. Các bạn hãy tự hào về đất nước anh hùng. Các bạn hãy tự hào về những gì Bác Hồ và các vị anh hùng đã hy sinh và để lại cho các bạn. Tôi tự hào vì các bạn. Tôi yêu các bạn và mong muốn đất nước của tôi cũng sẽ giống Việt Nam”, Saleem bảy tỏ tình yêu với “đất nước hình chữ S”.
Với vốn tiếng Việt tinh tế, sự am tường về văn hóa, lịch sử Hà Nội và Việt Nam, năm 2019, khi tham gia cuộc thi tìm kiếm Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của TP. Hà Nội, Saleem đã giành được Giải Nhất, trở thành nam vương của cuộc thi và đạt được danh hiệu Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của TP. Hà Nội. “Lúc đó, tôi đã khẳng định rằng, tôi yêu Việt Nam và Việt Nam yêu tôi. Tôi và Việt Nam thường xuyên trao đổi tình yêu với nhau. Tôi hay nói là đất nước Việt Nam có hình chữ S và tên Saleem bắt đầu bằng chữ S, nên hai chữ S có duyên với nhau”, anh tự hào.
Saleem tâm sự; “Hiện tại, không nơi đâu, không quốc gia nào xứng đáng và khao khát nền hòa bình bằng dân tộc Palestine. Khi người Việt Nam trao tặng tôi danh hiệu Đại sứ hữu nghị vì hòa bình, tôi nghĩ họ cũng biết rằng, người Palestine đã khao khát sự hòa bình như thế nào. Đồng thời, tôi thấy mình như một đứa con của dân tộc Palestine mang tinh thần và tâm hồn như một người Việt Nam. Palestine là nơi tôi sinh ra, còn Việt Nam là nơi tôi thuộc về. Cũng như tình yêu với Palestine, tình yêu của tôi với Việt Nam xuất phát từ lòng yêu nước”.
Saleem sống ở Việt Nam, biết ơn, trân trọng Việt Nam, tuân theo pháp luật, nhập gia tuỳ tục ở Việt Nam nên luôn cố hết sức để quảng bá hình ảnh tốt đẹp nhất của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Vì anh nghĩ rằng, Việt Nam thực sự rất xứng đáng. Anh hy vọng có điều kiện để qua những thước phim điện ảnh hay những lời viết sách, dịch sách, dịch phim… có thể quảng bá hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế và ngược lại đưa hình ảnh của Palestine, của thế giới Ả-Rập đến với người dân Việt Nam.
Cho rằng, Việt Nam hiện có rất nhiều mặt hàng và tiềm năng cũng như những nhiều điều kiện để có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, vì thế, theo Saleem, trước tiên người Việt Nam cần hiểu biết nhiều hơn về văn hóa của thế giới Ả Rập. Do đó thời gian tới, Saleem sẽ sản xuất thêm nhiều video bằng tiếng Ả Rập để giới thiệu Việt Nam đến với thế giới Ả Rập liên quan đến văn hóa, du lịch, thương mại, đầu tư… Đồng thời, anh sẽ làm song song nội dung bằng tiếng Việt giới thiệu về thế giới Ả Rập cho người Việt Nam và cả nội dung bằng tiếng Ả Rập, giới thiệu Việt Nam cho người Ả Rập.
Anh Saleem Hammad sinh năm 1993, quốc tịch Palestine, đến du học Việt Nam năm 2011 tại Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội, đã có 12 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Saleem Hammad từng được trang Arabianbusiness.com bình chọn là một trong 100 người Ả Rập có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới năm 2017. Anh cũng giành chiến thắng trước hơn 1.000 thí sinh để trở thành Đại sứ hữu nghị vì hòa bình của TP. Hà Nội 2019 và năm 2022, anh đoạt Giải Nhất cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi” do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP. Hà Nội tổ chức.
Trong hơn một giáp gắn bó với Việt Nam, Saleem tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa, thực hiện nhiều chương trình, phim tài liệu tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam.
(CÒN NỮA)