Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Méo mó thị trường vì đua giảm cước Internet
Tú Ân - 16/08/2015 09:22
 
Mặc sức phá giá cước Internet để tranh giành khách khiến nhiều doanh nghiệp lỗ lớn.

Giá cước Internet thấp hơn giá thành

Theo tính toán của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, trung bình một suất đầu tư thuê bao cáp quang khoảng 6,65 triệu đồng, bao gồm chi phí đầu tư mạng ngoại vi và chi phí các thiết bị phần cứng khác để kết nối vào tận nhà khách hàng. Ngoài ra, để vận hành được một thuê bao cần tới các chi phí khác liên quan như chăm sóc khách hàng, truyền thông, sửa chữa, cước kết nối…

Ước tính, để duy trì cho thuê bao hoạt động, với vốn đầu tư bỏ ra, giá thành cước cáp quang phải đạt khoảng 320.000 đồng/tháng mới bảo đảm doanh nghiệp có lãi. Tuy nhiên, thực tế, ngoại trừ các thuê bao là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (trả cước dịch vụ hàng tháng từ 1 triệu đồng trở lên, tùy theo gói và nhu cầu sử dụng), thì cước dịch vụ này tại nhà khách hàng cá nhân hiện nay phổ biến ở mức khoảng 200.000 đồng/thuê bao/tháng. Mức thu này thấp hơn nhiều so với giá thành tính toán, song nhiều nhà cung cấp không có cách nào khác là phải giảm giá vì đối thủ kinh doanh không những giảm giá mà còn giảm rất thấp (có nhà cung cấp chỉ đưa ra gói cước cáp  quang chỉ 135.000 đồng/tháng kết hợp đi trên đường truyền hình cáp).

Cạnh tranh giảm cước Internet khiến người tiêu dùng được lợi nhưng lâu dài sẽ làm méo mó thị trường
Cạnh tranh giảm cước Internet khiến người tiêu dùng được lợi nhưng lâu dài sẽ làm méo mó thị trường

 

Điển hình là trường hợp của SCTV, đơn vị này hiện đang cung cấp gói Internet và truyền hình cáp tích hợp với giá 240.000 đồng/tháng, giảm 45% trong 12 tháng đầu tiên, khiến giá cước chỉ còn 135.000 đồng/tháng, miễn phí hoà mạng và công lắp đặt.

Hay như VTVcab cung cấp gói Internet tốc độ 3Mbps giá 135.000 đồng/tháng và gói Internet tích hợp truyền hình cáp với giá 220.000 đồng/tháng và trả trước trong vòng 12 tháng, được mượn modem và thiết bị phát wifi, tặng 2 tháng cước và bản quyền diệt virus, khách hàng chỉ phải trả 100.000 đồng phí hoà mạng. Nếu tính cả khuyến mại, trong vòng 14 tháng, khách hàng trả chi phí thực là 188.000 đồng/tháng.

Còn nhà cung cấp Viettel cho hay, lắp đặt cáp quang và gói thấp nhất là F15, tốc độ 15Mbps với giá 190.000 đồng/tháng, cam kết 24 tháng. Nếu muốn dùng thêm truyền hình, khách hàng chỉ cần trả thêm 50.000 đồng, đóng cước 12 tháng thì tặng 3 tháng cước, 18 tháng thì tặng 6 tháng cước. Như vậy, nếu đóng cước 12 tháng thì khách được dùng 15 tháng cả Internet và truyền hình, chi phí khách hàng trả thực sẽ là 192.000 đồng/tháng.

Cần quản lý giá thành cáp quang

Bà Chu Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viễn thông FPT cho biết, năm 2014 FPT Telecom đã đầu tư mạnh vào xây dựng hạ tầng cáp quang để chuyển đổi phần lớn khách hàng đang sử dụng dịch vụ internet cáp đồng sang dùng cáp quang, từ đó nâng chất lượng dịch vụ và thêm nhiều tiện ích cho khách hàng. Tuy nhiên, trong khi đầu tư vốn lớn để chuyển đổi sang công nghệ cáp quang thì giá cước lại giảm mạnh do các nhà cung cấp dịch vụ “đua” giảm giá…

Còn ông Trần Mạnh Hùng,  Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cũng cho hay, từ năm 2013 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng dịch vụ băng rộng của VNPT gấp 20 lần về số lượng thuê bao, nhưng cước dịch vụ lại giảm mạnh do cạnh tranh giữa các nhà mạng, chỉ còn 300.000 đồng/thuê bao/tháng, có gói cước chỉ 150.000 đồng/thuê bao/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, dịch vụ băng rộng của VNPT tăng trưởng doanh thu chỉ đạt 46% kế hoạch đề ra…

Vì vậy, VNPT và FPT Telecom kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có chính sách chống nguy cơ bán phá giá để tránh xảy ra cuộc chiến giảm cước cáp quang, gây mất ổn định cho thị trường. Các doanh nghiệp cho rằng, cần có quy định về quản lý giá sàn là cần thiết để đảm bảo cho các nhà cung cấp dịch vụ có thể cạnh tranh lành mạnh hơn, tránh tình trạng giảm giá cước bừa bãi để cạnh tranh. Việc quản lý giá sàn sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và đảm bảo được hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp, tránh lãng phí cho xã hội.

Có thể thấy rằng, ở một góc độ nào đó, việc giảm cước dịch vụ có thể đem lại lợi ích cho khách hàng. Nhưng với đầu tư cho cho băng rộng cố định là lớn, trong khi nhà mạng đua giảm giá bán dưới giá thành sẽ kéo theo hệ lụy là các doanh nghiệp cùng thiệt hại và gây mất ổn định cho thị trường.

Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, thời gian qua, trên thị trường xuất hiện  tình trạng các nhà mạng ồ ạt khuyến mại giảm cước, tặng thiết bị đầu cuối và khuyến mại công lắp đặt. Việc làm này trước mắt sẽ nảy sinh tiêu cực, khiến khách hàng chuyển sử dụng dịch vụ từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác để hưởng khuyến mại, gây nên sự lãng phí tài nguyên vô cùng lớn và méo mó thị trường. Đến khi những doanh nghiệp yếu thế "chết" thì lúc đó lại nảy sinh vấn đề độc quyền và thiệt hại người tiêu dùng sẽ lãnh đủ. Vì vậy, cần thiết phải sớm ban hành thông tư liên quan đến việc quy định trần giá cước băng thông rộng để làm lành mạnh thị trường, đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Thuê bao 3G tại Việt Nam vượt mốc 29 triệu
Thuê bao 3G tại Việt Nam hiện đạt 29,1 triệu thuê bao, tăng mạnh ở mức 29,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư