Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 11 tháng 10 năm 2024,
Mục tiêu tăng trưởng 6,7%: Kịch bản tăng trưởng bình quân 3 quý còn lại là 7,1%
Kỳ Thành - 05/05/2017 07:43
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết điều này tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/5 và nêu một số giải pháp thực hiện mục tiêu này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ảnh: K.T)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ảnh: K.T)

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để đạt được tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7% trong khi tăng trưởng quý I chỉ đạt 5,1%, Chính phủ đã đề ra kịch bản tăng trưởng, đó là quý II phải phấn đấu tăng trưởng GDP từ 6,26% và quý III là 7,29% và quý IV là 7,49% để cho 3 quý còn lại phải đạt được tăng trưởng bình quân là 7,1%.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu giải pháp trọng tâm gồm có:

Quý I, sản lượng khai thác dầu thô giảm 4%. Đây là lĩnh vực rất quan trọng, bảo đảm cho tăng trưởng, thúc đẩy nền kinh tế của cả nước. Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ, ngay cả vấn đề khai thác dầu thô, vấn đề xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, vấn đề các công trình trọng điểm thuộc quản lý của Bộ Công Thương phải đẩy nhanh tiến độ để đi vào hoạt động có hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng.

Vấn đề xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, quan điểm xử lý là theo kinh tế thị trường. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng và có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành để kiểm tra, đôn đốc và quyết liệt thực hiện quyết toán, thực hiện thủ tục hoàn công và báo cáo, đưa ra các giải pháp, đưa ra các kịch bản cho từng dự án cụ thể. Có những dự án báo cáo Bộ Chính trị theo phương án phá sản, có dự án theo phương án bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; có dự án tiếp tục xem xét để khôi phục, vận hành ra sản phẩm.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đặc biệt tại phiên họp Chính phủ này, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề thị trường nông sản; phát triển sản xuất ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; các cơ chế chính sách, giải pháp, gói tín dụng 100 nghìn tỷ; các thủ tục đầu tư; vấn đề tích tụ ruộng đất; kêu gọi, khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi sản phẩm. Thủ tướng giao cho các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tiếp cận thị trường đàm phán với các khu vực, các nước, các doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp chế biến sản phẩm trong nước.

Giải pháp này có 8 giải pháp trọng tâm và rất nhiều giải pháp khác, kể cả sắp xếp các đơn vị hành chính; xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý chi tiết kiệm trong thực hiện các nhiệm vụ; không tổ chức khánh thành, không khởi công các dự án; phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Kinh tế Việt Nam: Không quá ngại với các dự báo tăng trưởng
Mặc dù các tổ chức quốc tế đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam thấp hơn mục tiêu 6,7%, nhưng các chuyên gia quốc tế vẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư