Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục phải trung thực, lương thiện
Nguyễn - Nguyên - 17/12/2022 16:03
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm giáo dục văn hoá và giáo dục để phát triển văn hoá.
.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tham luận tại hội thảo. 

Quan điểm này được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu tại tham luận giáo dục văn hoá và giáo dục để phát triển văn hoá trong phiên toàn thể của Hội thảo Văn hoá năm 2022, chiều 17/12.

Theo Bộ trưởng, giáo dục và đào tạo là một thiết chế văn hóa, là một lĩnh vực văn hóa, và bản thân nó cũng chính là văn hóa. Giáo dục và đào tạo là con đường để tạo dựng các giá trị văn hóa, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, sáng tạo văn hóa, và từ đó điều chỉnh, phát triển văn hóa.

Giáo dục làm được tới đâu, văn hóa phát triển được tới đó. Giáo dục không chỉ bảo lưu, truyền thừa, kế thừa và tiếp nối ổn định cho văn hóa mà còn tạo ra sự đổi mới và đột phá cho văn hóa. Giáo dục là lĩnh vực tạo dựng con người, xây dựng con người, vì vậy giáo dục tạo dựng chủ thể văn hóa, phát triển chủ thể văn hóa. Theo đó, giáo dục tác động sâu sắc, toàn diện đến văn hóa - ông Sơn nêu quan điểm.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng, muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục phải là nền giáo dục mang đậm giá trị văn hóa. Trên cơ sở tư tưởng và triết lý giáo dục, nền giáo dục đó phải hiện hữu sinh động và đầy đủ các giá trị cốt lõi, sự trung thực, lương thiện, vì con người và vì những điều tốt đẹp.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, mục tiêu căn bản của giáo dục là phát triển cá nhân, từ đó phát triển xã hội. Văn hoá là sản phẩm của trải nghiệm và trí tuệ con người. Như vậy, ở trung tâm của giáo dục phát triển văn hoá chính là con người.

Phát triển con người tập trung vào hai chiều hướng: tu dưỡng, bồi đắp tâm hồn bên trong – được coi là nền tảng của bản ngã, và dựa trên đó rèn luyện, nâng cao năng lực, hành vi bên ngoài.

Về phương pháp và cách thức triển khai văn hóa giáo dục, theo ông Sơn, đầu tiên, giáo dục phát triển văn hoá không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ các nội dung văn hoá, mà trước tiên là giáo dục tư chất, nâng cao các năng lực tư duy cũng như phát triển mỹ cảm. Thứ hai, mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển văn hoá qua giáo dục thực sự hiệu quả khi chính bản thân học sinh được tham gia vào quá trình tìm kiếm, khám phá, trải nghiệm thực tế, được đưa ra quyết định của mình, dẫn tới việc thay đổi về nhận thức, thái độ, hành vi và thế giới quan.

Thứ ba, quá trình phát triển và triển khai chương trình cần đặc biệt chú trọng hoạt động trải nghiệm thực tế toàn diện về cuộc sống, giúp học sinh được phát triển nhận thức về sự đa dạng của văn hoá, từ đó hình thành thế giới quan và nhân cách của bản thân. Cuối cùng, chương trình giáo dục phục vụ mục đích phát triển văn hoá không thể chỉ giới hạn trong phạm vi trường học. Gia đình và cộng đồng có vai trò không thể thay thế trong việc mang lại những tiếp xúc và trải nghiệm văn hoá chân thực cho học sinh.

Với xây dựng văn hoá học đường, ông Sơn nhấn mạnh, văn hóa học đường cần hội đủ các điều kiện quan trọng: Đạo lý thầy, trò đủ thiêng liêng; Nhà giáo đủ sống bằng thu nhập thông qua hoạt động giảng dạy chân chính; Trường học đủ cơ sở vật chất phụ vụ dạy học; Kỷ cương, nguyên tắc đủ mạnh để tất cả các cá nhân bộ phận phải thực thi nghiêm túc; Tài chính đủ chi trả cho các hoạt động của Nhà trường; Học trò có đầy đủ cơ hội học tập và phát huy năng lực cá nhân. Phụ huynh có đủ niềm tin vào Nhà trường; Mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội đủ chặt; Học liệu phục vụ hoạt động dạy học phải đầy đủ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư