Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Mỹ - Trung sắp thảo luận hợp tác thương mại, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng
Đông Phong - 25/08/2023 16:20
 
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 27/8 nhằm củng cố mối quan hệ giữa hai siêu cường toàn cầu đang rạn nứt về kinh tế, theo Reuters.

 

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: Reuters

Thông cáo báo chí của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ, Bộ trưởng Raimondo sẽ tới thăm hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải của Trung Quốc từ ngày 27-30/8 để gặp gỡ các quan chức cấp cao của Trung Quốc và các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Raimondo diễn ra sau cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 năm ngoái nhằm tăng cường trao đổi giữa hai bên về một loạt vấn đề.

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Raimondo mong muốn có những cuộc thảo luận mang tính xây dựng về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, những thách thức mà các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, từng là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Tuy nhiên, Washington hiện trao đổi thương mại nhiều hơn với hai nước láng giềng Canada và Mexico, trong khi Bắc Kinh giao dịch nhiều hơn với Đông Nam Á.

Các nhà phân tích gọi đây là một xu hướng khu vực hóa thương mại mới nổi ở Đông và Tây bán cầu - mỗi khu vực do một trong hai siêu cường thống trị. Họ cảnh báo xu hướng này có thể gây rủi ro đến tăng trưởng toàn cầu.

Ông Neil Thomas, một nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Viện chính sách xã hội châu Á (ASPI), cho biết: "Việc thay đổi mô hình thương mại cho thấy các hạn chế kinh tế do Trung Quốc và Mỹ áp đặt lên nhau đang bắt đầu làm thương mại chuyển hướng".

Điều này "có thể sẽ góp phần tăng cường khu vực hóa thương mại quốc tế, làm tăng lạm phát và cản trở tăng trưởng của các quốc gia khác đang gặp khó khăn", ông Thomas lo ngại.

Sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan, người kế nhiệm ông, Tổng thống Biden, và một số đồng minh của Mỹ, đã hạn chế xuất khẩu các chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chúng sang Trung Quốc, với lý do lo ngại về an ninh.

Đáp lại, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu hai kim loại gali và germani được sử dụng trong chế tạo chất bán dẫn.

Giới chức Mỹ nhận định chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Raimondo sẽ mang thông điệp rằng Washington không tìm cách tách rời kinh tế với Trung Quốc, nhưng sẽ bảo vệ an ninh quốc gia của mình.

Reuters dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh "mong muốn" thảo luận về những thách thức trong thương mại song phương.

Trên thực tế, thương mại Mỹ - Trung đang bị đè nặng bởi nhiều yếu tố khác. Lãi suất Mỹ tăng cao đang kéo giảm nhu cầu trong nước, bao gồm nhu cầu đối với các sản phẩm từ Trung Quốc. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại trong bối cảnh tiêu dùng nội địa yếu kém, khủng hoảng bất động sản, nợ cao và dư thừa công suất sản xuất công nghiệp.

Dữ liệu của Cơ quan điều tra dân số Mỹ cho thấy thương mại hai chiều giữa hai nước trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 19,6%, tương đương 67,6 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, dòng chảy thương mại song phương năm ngoái đã đạt kỷ lục 690 tỷ USD.

Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada, thỏa thuận góp phần vào quá trình khu vực hóa thương mại, đã được hoàn thiện vào năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 10 quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, và New Zealand.

Trung Quốc cũng đã nộp đơn xin tham gia Hiệp định Đối tác Tiến bộ Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Còn nước Mỹ, dưới thời cựu Tổng thống Trump, đã rút khỏi "thỏa thuận tiền nhiệm" là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" (TPP) vào năm 2017.

Tuy nhiên, để tham gia trục thương mại Thái Bình Dương, Trung Quốc cần có sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ.

Ông William Hurst, giáo sư nghiên cứu phát triển Trung Quốc tại Đại học Cambridge, cho rằng Washington "có thể rất dễ dàng dựa khá nhiều vào Canada và Mexico để không ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc". "Cả hai quốc gia này đều coi trọng thương mại với Mỹ trong khuôn khổ hợp tác Bắc Mỹ của họ hơn là thương mại với Trung Quốc", GS. Hurst nhận định.

Trước đó, vào cuối tháng 5, Bộ trưởng Raimondo và người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào đã có cuộc gặp tại Washington, D.C., để thảo luận về "mối quan ngại" xung quanh thương mại song phương. 

Theo thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ, "hai bên đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn và thực chất về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, bao gồm cả môi trường tổng thể ở cả hai quốc gia về thương mại và đầu tư cũng như các lĩnh vực hợp tác tiềm năng".

Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã "nêu những lo ngại về hàng loạt hành động gần đây của PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] đối với các công ty Mỹ đang hoạt động tại PRC", thông cáo nêu. Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Thương mại Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các nhà quan sát đang theo dõi sát sao liệu Mỹ có hạn chế đầu tư của mình vào Trung Quốc hay không, khi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên xấu đi.

[Infographic] Mỹ - Trung Quốc nỗ lực tìm tiếng nói chung
Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc sau hơn 3 giờ thảo luận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư