Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Năm 2021, thương mại với khu vực thị trường châu Âu đạt 72 tỷ USD
Thế Hải - 29/01/2022 11:44
 
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam với khu vực châu Âu năm 2021 đạt khoảng 72 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.
Thuong mại Việt Nam-EU vẫn tăng trưởng mạnh 19% trong năm đại dịch 2021.
Thuong mại Việt Nam-EU vẫn tăng trưởng mạnh 19% trong năm đại dịch 2021.

Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, năm 2021, thương mại 2 chiều của Việt Nam với khu vực thị trường châu Âu tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 72 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang châu Âu đạt 50,33 tỷ USD tăng 14,3%, nhập khẩu từ châu Âu 21,67 tỷ USD tăng 15%. Với mức tăng trưởng khá mạnh ở chiều xuất khẩu, thị trường các nước châu Âu đóng góp thặng dư thương mại gần 29 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020.

Đây là những kết quả rất ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và kinh tế của cả nước, trong đó Hiệp định EVFTA là một trong những động lực thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh sang EU.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Tính từ ngày 1/1 đến 26/12/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 201,846 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 7,8 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 5,217 lô hàng với trị giá hơn 16,5 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Năm 2022, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, khi các  nước trong khu vực Âu đã từng bước phục hồi và đang có những động lực mạnh mẽ để quay trở lại quỹ đạo ổn định trước đại dịch, xuất khẩu Việt Nam sang khu vực này sẽ gặp phải những trở lực nhất định.

Theo đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn biến chuyển rất phức tạp, sự xuất hiện của biến thể mới có thể gây rủi ro cho kinh tế và thương mại thế giới năm 2022; xung đột địa chính trị ngày càng căng thẳng; xạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Ngoài ra, hàng hóa nông thủy sản xuất khẩu ngày càng phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn thực phẩm; Rủi ro khả năng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; các quốc gia xuất khẩu tiếp tục tăng cường xuất khẩu vào thị trường châu Âu, gây sức ép cạnh tranh đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam...

Từ đầu năm 2022, theo quy định mới của EU, thị trường này gia tăng các biện pháp kiểm soát chính thức một số hàng hóa nhập khẩu vào EU từ một số nước thứ ba.

Theo đó, đối với Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm, quả và thực phẩm như sau:  Rau mùi; húng quế, bạc hà, rau mùi tây, đậu bắp và hạt tiêu đều ở mức 50%, riêng thanh long: 20% và mỳ ăn liền : 20%

So với quy định mà Cơ quan này đưa ra trước đó, mỳ ăn liền là mặt hàng mới nhất đã được bổ sung vào danh sách kiểm tra khi nhập khẩu vào EU. Như vậy, mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư