Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Năm mới đến, Diên Hồng sáng đèn lo việc lớn
Nguyễn Lê - 01/01/2023 08:18
 
2023 là năm thứ hai Hội trường Diên Hồng - nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội - lại sáng đèn ngay từ những ngày đầu năm.
.
Phòng họp Diên Hồng đã sáng đèn 3 kỳ họp trong năm 2022.

Đầu năm 2022, khi đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế vào thế lao đao, lần đầu tiên Quốc hội họp bất thường thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng quốc gia.

Đây cũng là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2022, vừa được công bố.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, việc triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam trong 76 năm qua, khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, khẳng định Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích Nhân dân.

Ở kỳ họp đó, Quốc hội đã xem xét thông qua 1 đạo luật, 3 nghị quyết chuyên đề, nghị quyết chung của Kỳ họp và đặc việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 đạt trên 8%, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, thu ngân sách tăng cao, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động tăng mạnh, một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã phục hồi trở lại như du lịch, lữ hành, dịch vụ,…

Kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội khẳng định.

Một năm qua, không phải quyết sách kịp thời nào của Quốc hội cũng được thực thi với kết qủa như kỳ vọng. Nhưng qua những  tháng ngày cả đất nước căng mình chống dịch, những tháng ngày chật vật hồi sinh, cuộc sống đã đòi hỏi Diên Hồng không thể chỉ sáng đèn vào hai kỳ họp thường kỳ được bắt đầu vào cuối tháng 5 và tháng 10 như thường lệ.

Quốc hội đã được triệu tập họp bất thường lần thứ hai. Theo chương trình dự kiến, kỳ họp sẽ được khai mạc vào sáng 5/1/2023 với nội dung quan trọng nhất, như Chủ tịch Quốc hội đã hơn một lần nhấn mạnh: xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Bởi đây là Quy hoạch định hướng, dẫn dắt cho các quy hoạch cấp dưới. Nhiều quy hoạch khác đang chờ Quy hoạch Tổng thể này, vì thế việc thông qua không chờ đến khi Quốc hội họp thường kỳ.

Quan trọng là vậy, cấp bách là thế, nhưng lại là việc hết sức khó, nên sau khi được Uỷ ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ đã gấp rút hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Tại báo cáo iếp thu, giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về Quy hoạch vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (người thay mặt Chính phủ ký báo cáo) cho biết nhiều nội dung đã được tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch.

Cụ thể là Chính phủ đã rà soát nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo thể hiện đầy đủ các nội dung cần có của Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch để làm căn cứ, định hướng cho phân bố và tổ chức không gian phát triển quốc gia và làm căn cứ, định hướng cho quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Các nội dung đánh giá, phân tích về hiện trạng phát triển các ngành, lĩnh vực trong báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã được bổ sung.

Chính phủ đã bổ sung quan điểm về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại quan điểm phát triển; điều chỉnh nội dung quan điểm về việc phát triển các hành lang kinh tế gắn kết với khu vực và quốc tế để thể hiện rõ khía cạnh tổ chức không gian phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Cạnh đó, Quy hoạch còn được bổ sung thêm một số nội dung về tầm nhìn đến năm 2050 để thể hiện rõ hơn diện mạo của đất nước vào năm 2050 như: Là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu. Trở thành quốc gia biển mạnh, trung tâm kinh tế biển của châu Á.

Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; hệ thống an sinh xã hội bền vững. Giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển mạnh công nghiệp văn hóa tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu, uy tín và tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thích ứng hiệu quả với nước biển dâng và tác động của biến đổi khí hậu. Các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh.

Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao (chỉ số HDI từ  0,8 trở lên), đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Nhiều nội dung khác cũng đã được Chính phủ tiếp thu, giải trình để các vị đại biểu có thêm căn cứ thảo luận trước khi bấm nút.

Ngoài Quy hoạch, tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội còn đặt lên bàn nghị sự Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Nội dung được xem xét, quyết định còn có một số vấn đề về tài chính, ngân sách và cả công tác nhân sự. Tất cả, đều nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, đưa đất nước bước vào một năm mới vững vàng hơn.

Triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khoá XV
Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội dự kiến khai mạc vào thứ Năm, ngày 5/1/2023 và dự kiến bế mạc vào thứ Hai, ngày 9/1/2023.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư