Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Nan giải bài toán địa điểm kinh doanh
Nguyên Đức - 29/04/2013 07:03
 
Bất chấp kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm, “cuộc chiến” địa điểm kinh doanh vẫn đang diễn ra rất quyết liệt, với phần yếu thuộc về thương hiệu nội.
TIN LIÊN QUAN
Bà Trần Thanh Hà ở vị trí người chơi (giữa) đang tìm lời giải cho bài toán địa điểm kinh doanh

Với một lễ khai trương hoành tráng, Tràng Tiền Plaza đã chính thức quay trở lại thị trường bán lẻ Việt Nam từ đầu tháng 4/2013. Một điều rất dễ nhận thấy và cũng rất dễ hiểu, đó là hầu hết các vị trí đẹp nhất của trung tâm này đều được các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu phủ kín, như Burberry, Cartier, Dior, Lancôme, Louis Vuitton, MAC Cosmetics, Christian Dior, Rolex, Miluxe Boutique… Thương hiệu Việt không phải không có, nhưng ở những vị trí đẹp, thì hiếm có.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở các trung tâm thương mại lớn khác, ở các thành phố lớn trong cả nước.

Ở TP.HCM, trên các tuyến đường như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, là sự “chen lấn” của các tên tuổi lớn như Sony, LV, Hermes... Thậm chí, ngay cả khu phức hợp Times Square tại đường Đồng Khởi, các thương hiệu Gucci, Gabbana cũng đã “xí phần” ở cả hai mặt tiền của tòa nhà. Còn ở Hà Nội, suốt dọc các tuyến phố Hàng Bông, Bà Triệu, Banana Repucblic, Mango... đang “ngự trị”.

Bất chấp kinh tế khó khăn, vẫn có một bộ phận người tiêu dùng luôn rộng tay chi trả cho các mặt hàng xa xỉ. Và đó là lý do vì sao, các thương hiệu mạnh vẫn “sống khỏe” và mặt bằng khu vực trung tâm vẫn lấp đầy. Trong khi đó, ở các khu vực trung tâm này, thương hiệu Việt thiếu vắng và nếu có, phần lớn tập trung ở những tuyến phố ngoại vi trung tâm.

Tất nhiên, vẫn luôn có những ngoại lệ. NEM, Ivy, Pierre Cardin… vẫn có mặt ở các trung tâm thương mại lớn và dọc các tuyến phố chính. Công ty Thời trang Nón Sơn đến nay đã có 36 cửa hàng trên khắp cả nước, trong đó ở TP.HCM có 12 cửa hàng, Hà Nội có 10 cửa hàng và đều nằm ở những vị trí đặc địa, những con đường mua sắm lớn hoặc ngã tư, ngã ba...

Nhưng tựu trung, trong cuộc “xâm lấn” của thương hiệu ngoại, thương hiệu Việt đang yếu thế. Đã có trường hợp, doanh nghiệp Việt do nguồn lực yếu hơn, nên bị mất dần địa điểm kinh doanh mà mình đã dày công tìm kiếm. Thậm chí, không ít cửa hàng vừa mới đi vào kinh doanh ổn định chưa được bao lâu, thì bị chủ cho thuê đòi lại mặt bằng, khiến hoạt động kinh doanh hết sức rối ren, kém hiệu quả. Thực tế này đang đẩy các thương hiệu Việt vào thế ngày càng khó khăn, nhất là khi sức mua của thị trường chưa hồi phục.

Để cạnh tranh, một số doanh nghiệp Việt rất khôn khéo khi biến các chủ cho thuê địa điểm trở thành đối tác của mình để cùng kinh doanh và cùng chia sẻ lợi nhuận. Cũng có doanh nghiệp chỉ thuê 1 - 2 cửa hàng nằm ở vị trí trung tâm để khẳng định thương hiệu, còn lại, đẩy mạnh bán hàng online, hoặc tập trung ở khu vực ngoại vi trung tâm.

Như vậy, bằng cách này hay cách khác, các doanh nghiệp Việt đang từng bước giải bài toán địa điểm đầy nan giải của mình.

Nếu bạn là CEO của một công ty thời trang, cũng đang phải đối mặt với việc bị chủ cho thuê cửa hàng đòi lại địa điểm kinh doanh, khiến doanh số bị sụt giảm liên tục, bạn sẽ xử lý như thế nào? Đây chính là bài toán được đặt ra với bà Trần Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty cổ phần BES Việt Nam, trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công phiên bản 2013, với chủ đề Điều chỉnh chiến lược - Tìm lời giải cho bài toán địa điểm.

Chương trình được phát sóng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào 10 giờ sáng Chủ nhật 28/4/2013 và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai 29/4.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư