Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 05 năm 2024,
Năng động và hiệu quả trong thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi
Hoàng Thủy - 07/06/2015 09:24
 
Ông Nguyễn Đăng Lộc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, Quảng Ngãi đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong thu hút đầu tư. Thành quả này khẳng định tiềm năng phát triển, cũng như thể hiện tính năng động và hiệu quả của chính sách thu hút đầu tư của Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, thế mạnh của Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư là gì?

Quảng Ngãi là tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung, có diện tích tự nhiên 5.153 km2, dân số gần 1,3 triệu người. Có thể nói, Quảng Ngãi hội tụ nhiều điều kiện để phát triển kinh tế như: nằm ở tâm điểm của Việt Nam, có vị trí mang tầm chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây, có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 24A nối với các tỉnh Nam Lào, Myamar, Bắc Thái Lan, có hệ thống đường sắt Bắc Nam chạy qua, nằm cạnh Sân bay Chu Lai và cách Sân bay quốc tế Đà Nẵng 120 km về phía Bắc.

 

Điểm nổi bật của tỉnh Quảng Ngãi là Khu kinh tế Dung Quất với vai trò đòn bẩy để thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ của tỉnh, được mở rộng với diện tích 45.332 ha, được định hướng phát triển thành một đặc khu kinh tế và trở thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, công nghiệp nặng quy mô lớn như luyện cán thép, đóng tàu, cơ khí, sản xuất xi măng, các ngành công nghiệp phụ trợ...

Khu kinh tế Dung Quất là một trong 5 khu kinh tế ven biển của cả nước, được Chính phủ tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và là một trong những khu kinh tế có những chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam hiện nay. Nơi đây có nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước với công suất 6,5 triệu tấn/năm; có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT.

Ngoài Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi còn có 4 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp làng nghề, được đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, trong đó Khu phức hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP của Công ty TNHH Liên doanh khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, diện tích quy hoạch là 1.746 ha với vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, là một trong những khu trọng điểm của tỉnh được quan tâm đầu tư.

Với ngư trường rộng lớn trên 11.000 km2 và đường biển dài 130 km, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và kinh tế biển. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có huyện đảo Lý Sơn nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam và án ngữ cửa ngõ của Khu kinh tế Dung Quất, cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Với vị trí thuận lợi cùng nguồn tài nguyên biển đa dạng, phong phú, Lý Sơn đang là điểm đến hấp dẫn thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Hiện nay, Lý Sơn đang thu hút được một số nhà đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, du lịch biển đảo và dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu nghĩ dưỡng sinh thái, bảo tồn biển. Đây là những lợi thế, tiềm năng nổi trội và thuận lợi cho các nhà đầu tư khi chọn Quảng Ngãi là địa điểm đầu tư lâu dài và hiệu quả.

Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2015 như thế nào, thưa ông?

Trong quý I/2015, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp mới 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,65 triệu USD. Cụ thể: Dự án thành lập Công ty TNHH Global Eco Energy (Hàn Quốc), vốn đăng ký 1,5 triệu USD, Dự án Dịch vụ kỹ thuật VINSTAR của Công ty TNHH Vinstar Engineering Services PTE.LTD (Singapore), vốn đăng ký 1 triệu USD) và Dự án Kizuna mở rộng (Nhật Bản) vốn đăng ký 3,147 triệu USD.

Trong 3 dự án này, Công ty TNHH Global Eco Energy triển khai các hoạt động về trồng rừng và chăm sóc rừng, khai thác và bảo quản gỗ, sản xuất sản phẩm khác từ gỗ; Công ty TNHH Vinstar Engineering Services PTE.LTD hoạt động dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa công nghiệp; Công ty Kizuna mở rộng các hoạt động đã có như: xây dựng nhà xưởng, văn phòng, các công trình phụ trợ cho thuê sản xuất công nghiệp.

Vốn thực hiện trong quý I/2015 đạt 8,45 triệu USD, bằng 78,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tập trung chủ yếu vào các dự án đầu tư trong KCN VSIP.

Cũng trong quý I, các doanh nghiệp FDI có doanh thu đạt 22,07 triệu USD (bằng 87% so với cùng kỳ năm 2014), nộp cho ngân sách nhà nước 1,94 triệu USD (gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2014) và giải quyết cho 8.992 lao động (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước).

Tính đến hết quý I, toàn tỉnh có 35 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 4.055,6 triệu USD, trong đó: KKT Dung Quất: 24 dự án, tổng vốn đăng ký 3.970,55 triệu USD; các KCN tỉnh: 7 dự án với 56,84 triệu USD; ngoài KKT, KCN: 4 dự án với 28,24 triệu USD. Trong 35 dự án này, có 13 dự án đã đi vào hoạt động, 20 dự án đang triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư.

Được biết, Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2015 nhân sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam diễn ra tại tỉnh. Ông có thể cho biết kỳ vọng của Quảng Ngãi về Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này?

Mặc dù Quảng Ngãi đang có những bước đột phá nhất định trong thu hút đầu tư, nhưng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo ngành kế hoạch đầu tư không được chủ quan, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà cần phải tận dụng những lợi thế sẵn có để quảng bá, thu hút đầu tư hơn nữa. Bên cạnh việc xúc tiến thu hút đầu tư, tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, các nhà đầu tư triển khai dự án.

Chúng tôi tin rằng, hội nghị xúc tiến đầu tư lần này sẽ là cơ hội lớn để tỉnh Quảng Ngãi tiếp cận những nhà đầu tư có tiềm lực, đầu tư vào những lĩnh vực đang là thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để chúng tôi đối thoại với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trên cơ sở đó từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tốt hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư