Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 05 năm 2024,
Nắng nóng gay gắt khắp cả nước, tiêu thụ điện lập kỷ lục mới
Hoàng Nam - 29/04/2024 14:02
 
Vào lúc 13g30 ngày 27/4/2024, hệ thống điện quốc gia lập kỷ lục mới với công suất cực đại (Pmax) toàn quốc lên tới 47.670 MW. Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày (Amax) 26/4/2024 lên tới 993 triệu kWh.

Đáng nói, ngày 27/4/2024 là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày từ 27/4 đến hết 1/5/2024 - nghĩa là các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, trường học đều không hoạt động.

Nguyên nhân của việc tiêu thụ điện tăng mạnh này có xuất phát từ thời tiết, cụ thể, trong những ngày cuối tháng 4/2024, thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục.

Riêng đối với khu vực miền Bắc, do đây mới chỉ là đợt nóng gay gắt đầu tiên diễn ra nên tiêu thụ điện miền Bắc mặc dù tăng cao so với trước đó nhưng vẫn chưa tới mức đỉnh đã từng được ghi nhận trong quá khứ.

Tuy nhiên, tiêu thụ điện ở miền Bắc chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những đợt nóng sắp tới của mùa hè năm nay.

 Chưa vào cao điểm nắng nóng nhưng tiêu thụ điện cả nước đã lập những kỷ lục mới với mức tăng trưởng mạnh.

Với việc kinh tế từng bước được phục hồi, đồng thời dự báo nền nhiệt độ tăng cao, nắng nóng xuất hiện sớm tại cả 3 miền nên nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn so kế hoạch đầu năm, EVN đã cập nhật tính toán Kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) của năm 2024 và đã được Bộ Công thương phê duyệt điều chỉnh.

Để chủ động trong việc đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, EVN đã và đang thực hiện hàng loạt các nhóm giải pháp.

Để chung tay góp phần đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè nắng nóng năm 2024, EVN rất mong nhận được sự chia sẻ và tích cực phối hợp của người dân và các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm tối (từ 19h00 đến 23h00).
Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, chi bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26-27 độ trở lên và có thể sử dụng kết hợp với quạt; đồng thời chú ý không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm.

Chỉ đạo lập phương thức, điều hành hệ thống điện và thị trường điện tối ưu; xây dựng các kịch bản cung ứng điện, cập nhật, các yếu tố về sản xuất điện, nhu cầu phụ tải, diễn biến thuỷ văn để chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch vận hành hệ thống điện.

Huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc và điều tiết giữ nước các hồ thuỷ điện ở mức nước cao để chuẩn bị cung ứng điện cho cả mùa khô năm 2024.

Chỉ đạo các Tổng công ty Phát điện và các nhà máy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Than Đông Bắc và chủ đầu tư các nguồn điện khác để đảm bảo cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện.

Trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm, EVN đã phối hợp với PVGas để cung cấp khí LNG cho Nhà máy điện Phú Mỹ 3 (đã được chuyển giao cho EVN) và đã vận hành từ 11/4/2024.

Để đáp ứng yêu cầu cung ứng điện khu vực miền Bắc, các Tổng công ty Điện lực có thể sẽ huy động thêm các nguồn diesel mượn của khách hàng để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong các tình huống khẩn cấp.

Chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các Tổng công ty Điện lực vận hành an toàn, tin cậy hệ thống lưới điện; chuẩn bị đủ vật tư thiết bị dự phòng. Chủ động phát hiện, khắc phục, ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng; tăng cường giám sát và tuân thủ kỷ luật vận hành.

Các Tổng công ty Điện lực chủ động theo dõi diễn biến, bám sát phát triển kinh tế xã hội địa phương, chịu trách nhiệm phân tích cơ cấu tỷ trọng thành phần phụ tải, dự báo nhu cầu điện để xây dựng kịch bản cung cấp điện mùa khô, kế hoạch cung cấp điện hàng tháng/quý.

Đàm phán để tăng cường nhập khẩu điện từ các quốc gia lân cận, trong đó tiếp tục đàm phán với các đối tác tại Lào để tăng nhập khẩu điện về Việt Nam qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị.

Cạnh đó, EVN đang quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đầu tư xây dựng các dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tiến độ các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm.

Cụ thể, hoàn thành Dự án Nhà máy Thuỷ điện Ialy mở rộng vào cuối năm 2024, Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng (năm 2025), Nhiệt điện Quảng Trạch I (năm 2026). Khởi công cuối năm 2024 các dự án Nhà máy Thuỷ điện Trị An mở rộng, Thuỷ điện tích năng Bác Ái...

Tập trung mọi nguồn lực để thi công Đường dây 500 kV mạch 3 (từ Quảng Trạch đến Phố Nối) với mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ và các công trình lưới điện đồng bộ nguồn điện và cấp điện cho các khu vực phụ tải lớn...

Nỗ lực khẩn trương hoàn thành các công trình lưới điện để tăng cường nhập khẩu điện từ Lào (như Dự án đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống và trạm cắt 220 kV Đăk Ooc, đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ).

Đối với nhóm giải pháp về tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải, EVN đang tăng cường tuyên truyền qua tiết kiệm điện, trong đó tập trung thực hiện các biện pháp tuyên truyền phù hợp đối với từng nhóm khách hàng sử dụng điện.

Phối hợp chặt chẽ với các với UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan, công sở để thực hiện nghiêm và hiệu quả các chương trình, giải pháp tiết kiệm điện tối thiểu đạt mục tiêu theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án điện: Kiếm vốn và tiêu tiền đều khó
Gần 2 năm trôi qua, vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số luật đối với phần việc về xã hội hóa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư