Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nền kinh tế hưởng lợi từ giá xăng dầu giảm
Mạnh Bôn - 23/01/2015 11:14
 
() Giá xăng dầu bán lẻ đã giảm 2 lần trong vòng 20 ngày đầu năm 2015. “Đây không chỉ là niềm vui của người tiêu dùng, mà còn là tín hiệu tốt cho cả nền kinh tế”, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng họp đầu năm với 4 Bộ trưởng kinh tế
Công bố công khai DN vận tải không giảm cước
Giá xăng giảm tiếp gần 2.000 đồng/lít
Doanh nghiệp vận tải phụ thu tới 60% vé xe dịp Tết

Thưa bà, cứ giá xăng dầu giảm 10% thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ giảm bao nhiêu điểm phần trăm?

Giá xăng dầu tác động tới nền kinh tế cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Tác động trực tiếp được gọi là tác động vòng 1, tức là tác động đến các hoạt động sử dụng xăng dầu, đặc biệt là vận tải hàng hóa, hành khách. Tác động gián tiếp (vòng 2) là tác động vào các ngành, lĩnh vực không trực tiếp sử dụng xăng dầu, nhưng được hưởng lợi nhờ giảm được chi phí vận tải, vận chuyển.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT)
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT)

Theo tính toán của chúng tôi, cứ giá xăng dầu giảm 10% thì CPI giảm từ 0,5 đến 0,55 điểm phần trăm. Hiện tại, giá xăng RON 92 chỉ còn 15.670 đồng, giảm 2.210 đồng so với thời điểm đầu năm; giá dầu diesel chỉ còn 15.170 đồng/lít, giảm 1.820 đồng. Tính chung lại thì đợt giảm giá xăng dầu ngày 21/1 sẽ làm giảm CPI  0,6 - 0,64 điểm phần trăm.

Và nếu giá xăng dầu cứ tiếp tục giảm thì CPI năm nay nhiều khả năng sẽ giảm mạnh so với chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra là khoảng 5%, thưa bà?

Giá xăng dầu giảm thì CPI giảm theo (nếu không có biến động đột xuất nào đó như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hay các yếu tố đầu vào của nền kinh tế bị tác động bởi kinh tế thế giới).

Song nhiều người lo ngại, CPI giảm mạnh sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng GDP?

Nhiều người đều nghĩ rằng, cứ CPI tăng (ở mức độ vừa phải) thì GDP tăng và ngược lại, nhưng thực ra, giữa tăng/giảm CPI và tăng/giảm GDP không hề có mối liên hệ với nhau. Người ta cho rằng, CPI giảm là hiện tượng giảm phát, nhưng thực ra không phải. Giảm phát của nền kinh tế còn dựa trên nhiều yếu tố khác nữa như hàng tồn kho cao; sản xuất đình đốn; doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động hàng loạt; thất nghiệp gia tăng; xuất khẩu giảm…, chứ không chỉ nhìn vào CPI giảm.

Còn năm nay, giả sử CPI chỉ tăng 2-3% so với năm 2014 - mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây thì là do giá xăng dầu giảm, chứ không phải là giảm phát. Bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, nền kinh tế đứng trước nhiều yếu tố rất khả quan của năm 2014 như GDP tăng trưởng cao hơn dự báo; tổng cầu của nền kinh tế vẫn tăng; sức mua của người dân liên tục được cải thiện; hoạt động xuất - nhập khẩu tăng trưởng vững chắc; số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn ít hơn số doanh nghiệp thành lập mới… Chính vì vậy, nếu CPI giảm so với mục tiêu hoàn toàn là do giá xăng dầu giảm, thì điều này có lợi cho cả nền kinh tế lẫn người tiêu dùng.

Nhưng vấn đề là năm nay, dự kiến dầu thô đem về cho ngân sách 93.000 tỷ đồng, nhưng theo tính toán, năm nay sẽ giảm thu 50.000-55.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách không có tiền để đầu tư, ảnh hưởng ngay tới tốc độ tăng trưởng GDP?

Chi cho đầu tư phát triển có nhiều nguồn khác nhau, ngoài nguồn trực tiếp từ ngân sách, còn có nguồn vốn trái phiếu chính phủ, tín dụng nhà nước, đầu tư của khu vực dân doanh, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và đầu tư của khu vực dân cư. Trong trường hợp ngân sách giảm đầu tư trực tiếp, thì vẫn có thể bảo đảm tổng đầu tư toàn xã hội (bằng 30-32% GDP) từ các nguồn khác, đặc biệt là từ khu vực doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, cùng với việc đưa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp vào cuộc sống, các cơ chế chính sách cải thiện môi trường kinh doanh đã và đang được các ngành triển khai mạnh, đặc biệt là ngành thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ, gia tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài nên tổng đầu tư toàn xã hội vẫn bảo đảm. Thậm chí, việc ngân sách giảm đầu tư trực tiếp còn có lợi cho nền kinh tế, vì tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư nhiều hơn.

Năm 2008, giá dầu tăng rất mạnh, sau đó giảm rất sâu đã đưa nền kinh tế thế giới đứng trước bờ vực phá sản, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, diễn biến của giá dầu trong vòng 6-7 tháng qua cũng khiến nhiều người lo ngại?

Năm 2008, thế giới đã chứng kiến sự biến động của giá dầu rất khủng khiếp khi lên tới mức giá kỷ lục (147,27 USD/thùng), sau đó lao dốc không phanh xuống còn 30-40 USD/thùng. Nhưng bối cảnh kinh tế thế giới khi đó khác bây giờ. Khi đó, hầu hết các nền kinh tế lớn đều tuyên bố khủng hoảng, còn Việt Nam chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng đã rơi vào suy thoái, nên giá dầu biến động dữ dội như một gáo nước lạnh đổ tiếp vào nền kinh tế thế giới.

Nhưng hiện tại, ngoại trừ một số nước châu Âu, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn dự kiến, còn lại đều vẫn rất khả quan, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ, GDP có những quý đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp thì ngược lại, có những quý đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Kinh tế Mỹ ấm dần trở thành đầu tàu dẫn dắt cả nền kinh tế thế giới vực dậy, nên khả năng kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng khó xảy ra.

Với Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư… quan trọng bậc nhất, một khi kinh tế Mỹ ấm dần thì nền kinh tế nước ta cũng được hưởng lợi theo, nên không lo ngại kịch bản của năm 2008.

OPEC muốn các quốc gia ngoài tổ chức "cứu" giá dầu

() Tổng thư ký OPEC tuyên bố tại Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại khu nghỉ dưỡng cao cấp Davos của Thụy Sĩ.

Lợi lớn từ giá dầu giảm và USD tăng

() Theo khảo sát của Bloomberg, hầu hết những người được hỏi cho rằng, giá dầu giảm và USD tăng giá là có lợi cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giá dầu giảm, PVN mạnh tay cắt đầu tư

() Giá dầu chưa có biểu hiện tăng lại trong thời gian ngắn khiến cho nhiều kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như các đơn vị thành viên phải xem xét lại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư