Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 01 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng không “ăn” chênh lệch lãi suất khủng
Hà Tâm - 13/05/2013 05:33
 
Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng đang “ăn” chênh lệch khủng, khi lãi suất huy động giảm mạnh. Dưới góc độ là chuyên gia nghiên cứu độc lập, TS. Nguyễn Đức Trung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng nhận định, thực tế ngân hàng chỉ được hưởng chênh lệch lãi suất khoảng 2%.
TIN LIÊN QUAN
TS. Nguyễn Đức Trung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng

Tuần qua, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất huy động xuống 6%/năm, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn là 12-13%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng đang “ăn” chênh lệch lãi suất quá cao. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Giá vốn của ngân hàng phải ở mức bình quân của cả trung và dài hạn, chứ không phải chỉ ở mức trần lãi suất ngắn hạn.

Chúng tôi đã tổng hợp số liệu chênh lệch lãi suất huy động - cho vay của một số ngân hàng trong nhiều năm qua. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tính trung bình lãi suất huy động và cho vay, trong vòng 10 năm qua, chênh lệch lãi suất thời điểm cao nhất cũng chỉ 3,5%. Riêng trong năm 2012, mức chênh lệch bình quân là gần 2,2%.

Tại thời điểm hiện tại, mức chênh lệch trung bình cũng chỉ khoảng 2%. Không có chuyện ngân hàng được hưởng mức chênh lệch “khủng” 5-7%, như dư luận đồn đoán. Nếu chênh lệch cao như vậy, cả xã hội đã đổ xô đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng.

Thưa ông, lãi suất huy động đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Theo ông, mức lãi suất này có hấp dẫn người gửi tiền?

Lãi suất dưới 7%/năm chỉ áp dụng với kỳ hạn ngắn 1-2 tháng. Còn với kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng, đa phần các ngân hàng vẫn áp dụng lãi suất 7%-7,5%/năm. Lãi suất này vẫn cao hơn nhiều so với lạm phát dự kiến, đảm bảo lãi suất thực dương, do đó vẫn hấp dẫn người gửi tiền.

Thực ra, trong bối cảnh đầu tư chứng khoán, bất động sản đầy rủi ro như hiện nay, thì cũng chẳng có kênh đầu tư nào hấp dẫn và an toàn hơn là gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất được dự báo có xu hướng hạ, người dân nên chọn hình thức gửi tiết kiệm trung và dài hạn để quyền lợi được bảo đảm.

Cùng với lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng giảm khá mạnh. Điều này có thể khiến tín dụng bật tăng trở lại không, thưa ông?

Lãi suất chỉ là một trong số nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tín dụng. Nghiên cứu các mô hình kinh tế đã chỉ ra một thực tế thú vị là, lãi suất chỉ tác động 3 - 4% trong tổng số 100% ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng. Với ngân hàng, yếu tố quyết định tín dụng không phải lãi suất, mà quan trọng hơn là tài sản đảm bảo. Còn với doanh nghiệp, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới quyết định vay vốn của họ là tổng cầu có tăng không, hàng hóa có tiêu thụ được không…

Thực tế giai đoạn 2008-2012 cho thấy, khi lãi suất cao, doanh nghiệp vẫn ồ ạt vay vốn, nếu tiêu thụ được sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, còn khi lãi suất thấp, doanh nghiệp vẫn không vay vì hàng tồn kho lớn…

Kết quả khảo sát 479 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán (không tính doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng) của Học viện Ngân hàng cũng cho thấy, lý do mà các doanh nghiệp không muốn vay vốn là hàng tồn kho cao, sản phẩm không tiêu thụ được, chứ không phải vì lãi suất.

70% doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng, họ có thể sống tốt với lãi suất cho vay 12-15%/năm. Rõ ràng, tăng trưởng tín dụng kém nhạy cảm với lãi suất.

Nói như vậy có nghĩa là, việc ngân hàng hạ lãi suất không có tác động nhiều đến doanh nghiệp?

Theo tôi, với những doanh nghiệp quá yếu kém, thua lỗ do làm ăn chụp giật, thì dù có cho vay tiếp cũng không cứu được. Còn với những doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời, nhưng vẫn có khả năng phục hồi thì giảm lãi suất sẽ là cơ hội rất tốt để giúp họ gượng dậy.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư