Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Ngành điện tử hướng mốc 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu
- 14/05/2013 20:42
 
Hội nghị lần thứ 18 của Diễn dàn Điện tử Thế giới (WEF) và là lần đầu tiên do Việt Nam đăng cai đã khai mạc tại Hà Nội vào sáng nay, ngày 14/5/2013.
TIN LIÊN QUAN
Ngành điện tử Việt Nam còn non trẻ so với nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Internet

Sự kiện đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức đến từ trong và ngoài nước tham dự như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Phi, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Israel, Hàn Quốc…

Theo ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, năm 2012 Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm điện tử ra khoảng 50 quốc gia, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 20,5 tỷ USD, trở thành một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp điện tử ở mọi quy mô trên thế giới đến đầu tư.

Trong thực tế, có thể kể đến một số tập đoàn đang đầu tư, hoạt động hiệu quả tại Việt Nam như Intel (Hoa Kỳ) với nhà máy có vốn đầu tư hàng tỷ USD và trên 1.000 nhân viên tại TP.HCM; Samsung (Hàn Quốc) có nhà máy tại Bắc Ninh với trên 28.000 nhân viên, riêng năm 2012 đã xuất khẩu đạt 12,7 tỷ USD, đồng thời đang xây thêm nhà máy tại Thái Nguyên với số vốn khoảng 2 tỷ USD; Tập đoàn Compell (Đài Loan) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện tử trị giá xấp xỉ 500 triệu USD...

Phó Thủ tướng nhận định, nếu so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam là nước đi sau trong ngành công nghiệp điện tử và vẫn còn rất non trẻ (các hoạt động bắt đầu từ năm 2004). Chính vì thế, những sự kiện như Diễn dàn Điện tử Thế giới là cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp điện tử trong nước nắm bắt thông tin, học hỏi và hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài..., góp phần thực hiện thành công mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD đến năm 2017.

Trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cũng cho rằng ngành điện tử Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội để mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư trong và ngoài nước tại các lĩnh vực như công nghệ thông minh, công nghệ “xanh”, tiết kiệm năng lượng... Việt Nam luôn mở rộng cánh cửa đầu tư chào đón doanh nghiệp mở rộng đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Tại hội nghị, nói đến xu hướng công nghệ điện tử của thế giới trong thời gian tới, ông Jeff Joseph - Phó Chủ tịch Hiệp hội điện tử tiêu dùng Hoa Kỳ cho rằng công nghệ cảm ứng sẽ chi phối hầu hết các thiết bị từ y tế, chăm sóc sức khỏe, sinh học cho tới máy tính, điều khiển, thiết kế xây dựng… Trong đó, sự phát triển như vũ bão của smartphone, tablet vẫn là một trong những trọng tâm phát triển của ngành công nghiệp điện tử, đem lại nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp.

“Mặc dù kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên chi tiêu cho ngành điện tử sẽ tăng lên. Các doanh nghiệp trên thế giới cũng như tại Việt Nam phải biết nắm bắt lấy cơ hội”, ông Jeff Joseph bày tỏ.

Trong khi đó, ông Chan K.B - Chủ tịch danh dự Hiệp hội điện tử Hồng Kông cho rằng, cũng như nhiều quốc gia ASEAN khác, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng điện tử. Vấn đề quan trọng là phải biết nắm bắt thời cơ, khuyến khích những nhà nghiên cứu, sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển…

Hội nghị lần thứ 18 của Diễn dàn Điện tử Thế giới sẽ kết thúc vào ngày 16/5/2013.

Nguyên Đức

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư