Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Ngao xuất khẩu Thanh Hóa bí đầu ra
Sĩ Chức - 21/06/2013 14:59
 
Theo báo cáo của Sở Công thương Thanh Hóa, trong 2 năm trở lại đây, các sản phẩm xuất khẩu theo đường tiểu ngạch của vùng ven biển (Nga Sơn, Hậu Lộc…) như cói, ngao và các sản phẩm thủy hải sản đã giảm sút đáng kể.

Đơn cử, năm 2012, xuất khẩu theo đường tiểu ngạch các sản phẩm từ cói chỉ bằng 81% so với năm 2011. Con số này tiếp tục giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2013, bằng 35% cùng kỳ năm 2012.

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy hải sản cũng giảm, trong đó năm 2012 chỉ đạt 31 triệu USD, giảm 6 triệu USD so với năm 2011. Con số này trong 5 tháng đầu năm 2013 là 17 triệu USD, bằng 45,1% cùng kỳ năm 2012.

Nguyên nhân chính là khi thị trường xuất khẩu tiểu ngạch khép lại, giá thành các sản phẩm này đã đội lên rất nhiều khi đi bằng đường chính ngạch.

Đây là nguyên nhân khiến sản phẩm của người lao động nơi đây sản xuất ra khó tìm thị trường tiêu thụ.

Nghề nuôi ngao của Thanh Hóa phát triển mạnh tại huyện Hậu Lộc. Năm 2011, vùng ven biển của huyện Hậu Lộc dành để phát triển nuôi ngao có diện tích hơn 700 ha, với sản lượng bình quân 6.500 - 7.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết, từ năm 2012 về trước, trừ các hộ nuôi ngao đột xuất bị dịch bệnh, các hộ còn lại cơ bản có lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2012 trở lại đây, giá ngao trên thị trường đã xuống rất thấp, lại rất khó bán (giá ngao hiện chỉ còn 12.000 - 13.000 đồng/kg so với mức giá bình quân 25.000 - 30.000 đồng/kg trong năm 2011).

“Thị trường tiêu thụ giảm mạnh đã đẩy hầu hết các vùng nuôi trồng ngao trọng yếu như Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa… vào tình trạng khó khăn”, ông Long nói và cho biết, một nguyên nhân khác dẫn tới tiêu thụ ngao giảm là thiếu kỹ thuật chăm sóc, dẫn tới chất lượng ngao giảm.

Do suất đầu tư khá lớn (bình quân mỗi hộ phải đầu tư 200-300 triệu đồng/ha), nên việc không có thị trường đầu ra cùng tình trạng rớt giá đã đẩy nhiều hộ mới tham gia đầu tư nuôi thả ngao khốn đốn. Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ ngao, UBND huyện Hậu Lộc đã tổ chức các hội nghị, hội thảo với các ngành, ban chức năng liên quan để tăng cường công tác tập huấn các quy trình kỹ thuật, môi trường…, nhằm hướng tới sản phẩm nuôi trồng có chất lượng cao.

“Để có lối thoát bền vững cho nuôi ngao vùng ven biển, chủ trương chính của lãnh đạo huyện là kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất và chế biến, nâng cao giá trị con ngao. Huyện Hậu Lộc đã và đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến ngao ngay sát tại vùng ven biển, với diện tích dự kiến 4 ha, công suất chế biến bình quân 20.000 tấn/năm để đưa việc nuôi thả ngao phát triển đi vào chiều sâu…”, ông Long cho biết.

Như vậy, không chỉ có sản phẩm cói Nga Sơn bế tắc thị trường đầu ra (trên Báo Đầu tư số 69, ra ngày 10/6/2013, bài “Bấp bênh nghề trồng cói Nga Sơn”), sản phẩm ngao xuất khẩu của Thanh Hóa cũng đang đứng trước khó khăn tương tự.

Thiết nghĩ, việc ưu tiên phát triển kinh tế và duy trì ổn định thị trường đầu ra cho những sản phẩm của khu vực này là rất cần thiết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư